TP.HCM lần đầu tiên tổ chức chương trình đón năm mới không khán giả

30/12/2021 19:57 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 30/12, tại buổi họp báo định kỳ, đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ tổ chức chương trình đếm ngược đón năm 2022 mà không mời đại biểu và khán giả tham dự. Thay vào đó, chương trình sẽ trực tiếp qua truyền hình, truyền thanh, trực tuyến trên các hạ tầng truyền thông xã hội.

Công điện của Thủ tướng về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron

Công điện của Thủ tướng về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron

Tất cả các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Theo ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo UBND Thành phố vừa có kết luận thống nhất tổ chức chương trình countdown trong Tết Dương lịch 2022 tại một điểm duy nhất là khu vực đi bộ đường Nguyễn Huệ (trước tòa nhà SunWah) và không tổ chức trên đường Lê Duẩn như thường niên.

Chú thích ảnh
Hoạt động này sẽ diễn ra từ 22 giờ ngày 31/12/2021 đến 0 giờ 10 phút ngày 1/1/2022. Ảnh minh họa

Toàn bộ chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các trang thông tin điện tử và mạng xã hội và không mời khán giả, đại biểu. Đây cũng là lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình đếm ngược mà không có khán giả.

UBND Thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải có kế hoạch tổ chức giao thông khu vực từ 17 giờ ngày 31/12/2021 đến 1 giờ sáng 1/1/2022 và có lộ trình thay thế trong thời gian chốt chặn. Công an thành phố có trách nhiệm thực hiện chốt chặn không cho các phương tiện di chuyển vào đường Nguyễn Huệ và các đường xung quanh khu vực từ 17 giờ ngày 31/12/2021 đến 1 giờ ngày 1/1/2022; đồng thời yêu cầu người dân không dừng, đỗ, tụ tập tại khu vực tổ chức chương trình.

Liên quan đến đề xuất cho học sinh trở lại trường học sau ngày 3/1/2022, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Trên cơ sở đánh giá tổng kết sau hai tuần tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh khối lớp 9 và lớp 12, cũng như tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Sở Giáo dục Đào tạo và Sở Y tế đã có báo cáo đề xuất trình lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh về phương án tổ chức dạy học trực tiếp sau ngày 3/1/2022 và đang chờ quyết định cuối cùng từ lãnh đạo UBND thành phố.

Về việc kiểm tra đánh giá học kỳ I năm học 2021-2022, đại diện Sở Giáo dục Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đối với bậc Trung học, Sở đã có văn bản 3481 ngày 6/12 về việc hướng dẫn tổ chức kiểm tra đánh giá cuối học kỳ I năm 2021-2022. Đối với bậc Tiểu học, riêng học sinh lớp 3, 4, 5 sẽ kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Lớp 1 và lớp 2 sẽ kiểm tra bằng hình thức trực tiếp khi các em đi học tập trung trở lại.

Đối với đề xuất cho lớp 7, 8, 10, 11 đi học trực tiếp trở lại sau ngày 3/1/2022, ông Trịnh Duy Trọng cho biết thêm: Đề xuất này được đưa ra dựa trên kết quả thí điểm hai tuần dạy học trực tiếp đối với khối 9 và 12 vừa qua. Các trường đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong điều kiện học sinh đi học trở lại, đã thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh trong nhà trường. Đồng thời, các trường đã có những quy định và kinh nghiệm thực tế xử lý tình huống khi có F0 xuất hiện trong nhà trường và các biện pháp phòng, chống dịch khác.

Chú thích ảnh
Thành phố Hồ Chí Minh  tổ chức chương trình đón năm mới không khán giả. Ảnh minh họa

Mặt khác, đây cũng thuộc đối tượng học sinh lớn, có ý thức, kỹ năng thực hiện phòng, chống dịch tốt và cũng là nhóm đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Riêng đối với khối lớp cấp 1, Sở Giáo dục Đào tạo Thành phố đang cân nhắc và sẽ căn cứ theo tình hình dịch bệnh thời gian tới để có báo cáo, tham mưu cho UBND thành phố.

Về tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh học sinh, ông Trọng cho biết qua kết quả khảo sát từ quận, huyện thì số lượng phụ huynh đồng ý cho học sinh lớp 7, 8, 10, 11 đến trường dao động từ 60% đến 80%.

 “Kết quả khảo sát sự đồng thuận của phụ huynh học sinh về việc cho học sinh các khối lớp 7, 8,10,11 đi học trực tiếp trở lại từ các quận huyện cho thấy, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh tùy theo từng khối lớp và tùy theo từng địa phương, dao động từ 60 - 80%, tương tự kết quả khảo sát trước khi lớp 9, lớp 12 đi học trực tiếp trở lại”, dại diện Sở Giáo dục Đào tạo cho biết.

Theo đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn trong những ngày gần đây tiếp tục lạc quan, khi số ca nhập viện, số ca tử vong liên tục giảm dần. Hiện Thành phố đang điều trị 7.021 bệnh nhân, trong đó, có 205 trẻ em dưới 16 tuổi, 375 bệnh nhân nặng đang thở máy, 16 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Liên quan đến biến chủng mới Omicron, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sở Y tế đã họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương lên phương án ứng phó; đồng thời giám sát chặt người nước ngoài nhập cảnh thành phố.

Theo đó, khi có trường hợp xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 sẽ chuyển sang giải mã trình tự gen để tầm soát biến chủng. Bệnh viện Dã chiến số 12 ở thành phố Thủ Đức sẽ là nơi tiếp nhận điều trị thu dung với đối tượng nghi ngờ hoặc nhiễm biến chủng này.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế được kích hoạt, nếu thấy khu vực nào bất thường về số lượng F0 tăng, bệnh nhân tử vong nhanh… hoặc phát hiện ca bệnh, nghi ngờ thì phải báo cáo Sở Y tế để kích hoạt xử lý.

H.Chung/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm