Tổng thống Pháp kêu gọi các nước Eurozone đoàn kết chống dịch COVID-19

19/03/2020 15:42 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi một sự "đoàn kết tài chính" hơn nữa trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trị giá 750 tỷ euro (820 tỷ USD) nhằm giảm thiểu những tác động kinh tế của dịch COVID-19.   

Dịch COVID-19: Pháp ghi nhận gần 90 ca tử vong mới trong 24 giờ

Dịch COVID-19: Pháp ghi nhận gần 90 ca tử vong mới trong 24 giờ

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận thêm 89 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 và 1.404 ca mắc mới, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 264 người và số ca mắc lên 9.134 người.

Trên trang mạng Twitter, Tổng thống Macron bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với những biện pháp chưa từng có nói trên của ECB. Ông nhấn mạnh kế hoạch của ECB có thành công hay không còn phụ thuộc vào việc các quốc gia châu Âu có sẵn sàng thực thi các biện pháp can thiệp liên quan đến ngân sách, cũng như thống nhất các chính sách tài chính trong khu vực Eurozone hay không.   

Trước đó, tối 18/3, Hội đồng quản trị ECB có trụ sở tại Frankfurt (Đức) đã họp bất thường để đưa ra những biện pháp khẩn cấp ứng phó với đại dịch COVID-19.

Theo đó, ECB sẽ tung ra chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trị giá lên tới 750 tỷ euro đến hết năm 2020. ECB cũng cam kết hỗ trợ mọi công dân khu vực đồng euro vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đồng thời sẽ đảm bảo để mọi thành phần (các hộ gia đình, các công ty, ngân hàng hay các chính phủ) có thể hưởng lợi từ các điều kiện hỗ trợ tài chính để giảm cú sốc do dịch gây ra.   

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia ở Paris, Pháp, ngày 16/3. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một diễn biến liên quan, chuyên gia kinh tế Đức Sascha Steffen cảnh báo đại dịch COVID-19 đang "tấn công" toàn bộ khu vực Eurozone, do đó khối này cần đảm bảo xác định được các công cụ cần thiết ở cấp độ khu vực để giảm thiểu những tác động về kinh tế.   

Trả lời phỏng vấn của báo giới, chuyên gia Steffen - Giáo sư Tài chính tại Trường Tài chính và quản lý Frankfurt, nhận định gói kích thích kinh tế trị giá 120 tỷ euro (130 tỷ USD) được ECB công bố ngày 12/3 vừa qua "rõ ràng là một bước tiến quan trọng và sẽ không phải là bước đi cuối cùng".

Theo ông Steffen, lãi suất ngân hàng ở Eurozone hiện đã ở mức "không nên cắt giảm thêm" vì việc này sẽ có thể gây tổn hại cho các ngân hàng. Tuy nhiên, ông cho rằng có một số quỹ tài chính mà ECB có thể triển khai, đồng thời nhấn mạnh: "Thành công của ECB và cách họ sử dụng các quỹ này phụ thuộc rất nhiều vào các hành động tài chính mà các chính phủ thực hiện ở Eurozone".   

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 15/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, trong một bài bình luận đăng mới đây, chuyên gia Steffen và đồng tác giả Moritz Schularick tại Đại học Bonn đã gọi cuộc khủng hoảng hiện tại là "một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể biến thành khủng hoảng tài chính", khác với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt nguồn từ hệ thống ngân hàng. Hai chuyên gia trên nhận định việc các chính phủ đưa ra các biện pháp phản ứng chưa từng có nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã tác động ngay lập tức đến nền kinh tế Eurozone, cụ thể là tạo ra các cú sốc đối với nguồn cung và nhu cầu.   

Để giúp các ngân hàng ở Eurozone vượt qua khủng hoảng, hai chuyên gia đề xuất kích hoạt Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), cho rằng đây là công cụ chính cung cấp "lá chắn" bảo vệ cho tất cả các ngân hàng trong khu vực. ESM là quỹ cứu trợ thường trực của các nước Eurozone trị giá 410 tỷ euro, được thành lập giữa lúc xảy ra cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone năm 2012.       

Phan An/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm