Tổng thống Mỹ công bố sáng kiến kết nối kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Tokyo

23/05/2022 16:07 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 23/5, tại thủ đô Tokyo, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).

Các trọng tâm trong chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ

Các trọng tâm trong chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong ngày 20/5 sẽ đến Hàn Quốc, điểm đến thứ nhất trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức.

Ngoài Mỹ, các thành viên ban đầu của IPEF gồm: Australia (Ôx-trây-li-a), Brunei (Bru-nây), Ấn Độ, Indonesia (In-đô-nê-xi-a), Nhật Bản, Malaysia (Ma-lai-xi-a), New Zealand (Niu Di-lân), Philippines (Phi-líp-pin), Singapore (Xin-ga-po), Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Các nước này chiếm khoảng 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.

Trong tuyên bố chung, 13 quốc gia trên cho biết: “Để chuẩn bị cho nền kinh tế của chúng tôi trong tương lai, chúng tôi đang khởi động tiến trình thiết lập Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng”.

"Thông qua sáng kiến này, chúng tôi mong muốn đóng góp vào hợp tác, ổn định, thịnh vượng, phát triển và hòa bình trong khu vực này".

Theo chính quyền Mỹ, IPEF sẽ tập trung vào 4 trụ cột, gồm thương mại công bằng và linh hoạt; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch; và thuế và chống tham nhũng. Tuy nhiên, các nước thành viên IPEF không nhất thiết phải tham gia tất cả các trụ cột, và có thể lựa chọn tham gia vào một số trụ cốt nhất định của khuôn khổ này.

kết nối kinh tế Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden

Theo tuyên bố chung, các nước thành viên sẽ bắt đầu "các cuộc thảo luận tập thể hướng tới các cuộc đàm phán trong tương lai" về 4 trụ cột đó.

Trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng trong khu vực, trụ cột thương mại sẽ tập trung vào việc theo đuổi các quy tắc tiêu chuẩn cao trong nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm các tiêu chuẩn về các luồng dữ liệu xuyên biên giới và các biện pháp hạn chế dữ liệu, đồng thời giải quyết các quan ngại về quyền riêng tư trên mạng Internet và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách phi đạo đức.

Bên cạnh đó, IPEF cũng sẽ tìm cách đạt được "các cam kết đầu tiên về các chuỗi cung ứng" nhằm dự đoán và ngăn chặn tốt hơn sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng.

Đối với trụ cột năng lượng sạch, các thành viên IPEF sẽ tăng cường hợp tác về công nghệ và huy động tài chính, bao gồm cả tài trợ ưu đãi, thông qua việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.

Tuyên bố chung cho biết các nước thành viên của IPEF sẽ có các cuộc thảo luận về "các cách thức khác nhau để tăng cường hợp tác kinh tế" nhằm đạt được các mục tiêu của các trụ cột, đồng thời mời các đối tác có quan tâm khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng tham gia.

Đào Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Tokyo)/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm