Tính toán tổng thể các lợi ích khi xây dựng đặc khu

06/06/2018 19:33 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 6/6, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Ngay đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng đã nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng; việc xây dựng các đặc khu; vụ việc vỏ cà phê trộn pin; quản lý tiền ảo...

Khắc phục tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng

Quan tâm đến tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường trong thời gian qua, đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về các giải pháp của Chính phủ để hạn chế tình trạng này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng của thế giới trung bình khoảng 10%. Việt Nam trong số các nước có phân loại thì tỷ lệ này khá thấp, chỉ khoảng 2,1%.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt là vụ thuốc ung thư giả của Công ty Vinaca. Trước tình hình này, một mặt Chính phủ chỉ đạo phải xử lý nghiêm những sai phạm, riêng vụ việc này, đã khởi tố và bắt giam đối tượng; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác đấu thầu thuốc tập trung tại Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng với việc tiếp tục đấu thầu ở các tỉnh, các bệnh viện.

Việc đấu thầu thuốc có nhiều tác dụng, một mặt quản lý được chất lượng của các loại thuốc này trên cơ sở các hồ sơ mời thầu minh bạch, mặt khác, có được giá thuốc tốt qua kênh đấu thầu, đã giảm được khoảng 15 - 20% chi phí giá thuốc, trong đó có cả những loại thuốc biệt dược giảm giá khoảng 13 -14%, kể cả biệt dược gốc chưa có genreric thay thế vẫn giảm giá được. Đối với các hiệu thuốc, tăng cường công tác quản lý chất lượng và quy trình bán thuốc cũng như việc kê đơn. Thủ tướng đã chỉ đạo thí điểm thực hiện kết nối cơ sở khám chữa bệnh với nhà thuốc để truy xuất xuất xứ thuốc ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên từ đầu năm 2017 và giữa năm nay sơ bộ đánh giá để triển khai toàn quốc. Thủ tướng cũng chỉ thị tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó có thuốc và sẽ ban hành trong tháng này.

“Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, một là phải đảm bảo chất lượng, hai là phải giảm giá thuốc”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Bảo đảm sự vẹn toàn lãnh thổ

Băn khoăn về việc xây dựng các khu hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu), đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi “nếu triển khai thành công 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thì kinh tế - xã hội các địa phương đó phát triển đến mức nào, đóng góp to lớn như thế nào cho nền kinh tế Việt Nam. Xin Phó Thủ tướng phân tích mối quan hệ giữa phát triển kinh tế 3 đặc khu với sự ổn định về an ninh quốc phòng, sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước trong thời gian 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa?”. 

Còn đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đặt câu hỏi nếu Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được Quốc hội thông qua, Chính phủ có tiêu chí nổi trội gì về việc chọn cán bộ, đặc biệt là chức danh Chủ tịch?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trên thế giới, việc ra đời và thành lập các đặc khu để là nơi thử nghiệm các thể chế và tạo ra cực tăng trưởng. Dự luật này hiện nay Quốc hội đang thảo luận, chúng ta tính toán một cách tổng thể các lợi ích cả về kinh tế và thu hút đầu tư, cả về vấn đề quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và an ninh.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định khi có các đặc khu, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là hai đầu động lực của cả nước, 7 vùng kinh tế trọng điểm vẫn phải tiếp tục tập trung cơ chế chính sách để phát huy thế mạnh của các vùng này, làm lan tỏa đến các địa phương và các vùng khác. Việc ra đời các đặc khu không có tác động gì đến quan điểm phát triển, các nguồn lực của Trung ương cũng như địa phương để tập trung cho hai “đầu tàu” và 7 khu kinh tế trọng điểm.

“Nói là đặc khu là có tính chất đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt thì chắc cán bộ cũng phải đặc biệt. Dự thảo Luật về đặc khu cũng quy định về lựa chọn cán bộ đặc khu rất chặt chẽ. Theo đó, Chủ tịch đặc khu rất quan trọng, Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND bầu, Thủ tướng phê chuẩn. Tôi nghĩ sẽ chọn được người có đức, có tài để chèo lái 3 đặc khu này”, Phó Thủ tướng trả lời đại biểu Nguyễn Văn Thân.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Văn Điệp/ TTXVN

Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhắc lại câu hỏi và đề nghị Phó Thủ tướng “cho vài nét khái quát để mọi người yên tâm” về 3 đặc khu này cũng như mối quan hệ giữa phát triển kinh tế của 3 đặc khu với sự ổn định an ninh quốc phòng và sự vẹn toàn lãnh thổ của đất nước theo thời gian.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hiện Quốc hội chưa thông qua Luật đặc khu, còn đang bàn, do đó, “để có câu trả lời cho đầy đủ phải có sự nghiên cứu cặn kẽ hơn, xin đại biểu cho Phó Thủ tướng trả lời bằng văn bản”.

Thông tin về vụ vỏ cà phê trộn pin

Thông tin về vụ vỏ cà phê trộn pin mà đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đề cập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm rõ, qua báo cáo của Bộ Công an trong phiên họp Chính phủ, thực chất là trộn pin với vỏ cà phê, mục tiêu là trộn vào với hạt tiêu chứ không phải pha chế cà phê cho xuất khẩu hay tiêu dùng trong nước. “Việc này Bộ Công an đã ngăn chặn kịp thời, nên trộn tiêu cũng không được và trộn cà phê cũng không được. Nhưng do việc cung cấp thông tin của các cơ quan nên khi báo chí nêu có tác động đến thương hiệu, không chỉ cà phê mà cả hồ tiêu. Hôm nay, trên diễn đàn Quốc hội tôi cũng xin báo cáo chính thức thông tin chính thống như vậy”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, mặt hàng cà phê không bị ảnh hưởng qua vụ việc này. Để bảo vệ thương hiệu sản phẩm cà phê, tiêu của Việt Nam nói riêng và các sản phẩm thương hiệu hàng hóa khác nói chung, giải pháp là khuyến khích phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, làm gia tăng giá trị sản phẩm, cung ứng sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và xuất khẩu; quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, đẩy mạnh chế biến, bảo quản, có quảng bá thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý; hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan; tăng cường vai trò hiệp hội các ngành hàng, sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn từng ngành hàng sản phẩm, đặc biệt là đẩy  mạnh an toàn thực phẩm.

Quản lý tiền ảo

Liên quan đến việc quản lý tiền ảo, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng đây là vấn đề cấp thiết, quản lý tốt không chỉ giúp bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế mà còn tạo điều kiện để thực thi chính sách tiền tệ có hiệu quả. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ có định hướng, chính sách như thế nào đối với lĩnh vực này và đã có giải pháp gì để quản lý chặt chẽ tài sản này.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, khi có thông tin liên quan đến người dân ở một số thành phố lớn mua máy về đào bitcoin và xảy ra một số vụ việc rất phức tạp, sử dụng các thẻ cào để thanh toán trên mạng qua những vụ đánh bạc hoặc vụ kinh doanh đa cấp thanh toán trên mạng lên đến 15 nghìn tỷ đồng và Bộ Công an đã khởi tố, Thủ tướng đã yêu cầu xây dựng một đề án và giao cho Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu để xây dựng khung khổ quản lý tiền ảo nói chung. Ngân hàng Nhà nước đã lập tức ra một văn bản không công nhận bitcoin và các loại tiền ảo khác là đồng tiền sử dụng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, tình trạng nhập máy để đào bitcoin hiện nay tương đối sôi động. Theo số liệu Bộ Tài chính vừa báo cáo, từ năm ngoái đến năm nay đã nhập đến 15.600 bộ máy để đào bitcoin này, trong đó về Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 9.000 máy, về Hà Nội khoảng 6.000, còn lại là Đà Nẵng. “Chúng tôi đang nghiên cứu, Bộ Tài chính đề xuất nên cấm cho nhập máy này nhưng phải xem xét thêm cơ sở pháp lý. Tất nhiên nó không có lợi ích gì nhưng cần xem thêm về cơ sở pháp lý”, Phó Thủ tướng cho hay.

Tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) dẫn giải: Qua nghiên cứu lịch sử phát triển của đồng tiền, từ buổi sơ khai bắt đầu chuyển từ hàng đổi hàng, sau đó tiến tới dùng mỏ con chim đại bàng vào những vật có giá trị hơn và để thuận tiện cho cất giữ nữa thì đi đến lấy kim loại quý như vàng, đến bây giờ để tiện lợi là tiền giấy. “Ý của tôi muốn nói ở đây trong giai đoạn theo từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử thì đồng tiền đó, vật ngang giá đó có sự thay đổi”, đại biểu nói.

Theo đại biểu Hạ, trong giai đoạn kinh tế tri thức, cách mạng 4.0 thì việc ra một đồng tiền đó là đồng bitcoin, đồng tiền ảo ngang giá để thanh toán trong hệ thống phải coi như là một xu hướng. Chính phủ vẫn chưa đặt ra vấn đề, vẫn còn đề nghị cấm hay nghiên cứu một cơ chế, chính sách, cần tạo một hành lang pháp lý để quản lý đồng tiền đó. “Tôi nghĩ nên nghiên cứu theo hướng thứ hai, chứ không nên cấm vấn đề này. Đây phải coi như là một xu thế của phát triển, đề nghị Chính phủ nghiên cứu”, đại biểu đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng xu thế phát triển nhưng pháp luật Việt Nam chưa cho phép lưu hành tiền ảo. Cho tới giờ phút này pháp luật Việt Nam chưa đồng ý cho lưu hành tiền ảo.

Giải đáp tranh luận này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ, đây là hiện tượng tài chính tiền tệ rất mới, chúng ta không thể xem thường mà phải nghiên cứu. “Hiện nay pháp luật không thừa nhận nó là phương tiện thanh toán, nhưng việc giao dịch, mua bán nó với tư cách là một tài sản vẫn đang diễn ra trên lãnh thổ nước ta, mua máy đào về để làm việc này”, Phó Thủ tướng nói và cho biết Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quản lý của thế giới để có đối sách.

Trực tiếp Quốc hội chất vấn về quản lý đất đai và việc làm

Trực tiếp Quốc hội chất vấn về quản lý đất đai và việc làm

Ngày 5/6, Quốc hội bước sang ngày thứ hai của phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

TTXVN/Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm