Tình hình Nga - Ukraine ngày 20/3: NATO triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại Slovakia

20/03/2022 21:48 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cập nhật những thông tin mới nhất về những diễn biến trong quan hệ Nga-Ukraine. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.

Tình hình Nga - Ukraine ngày 19/3: Hành lang nhân đạo được mở ở vùng lãnh thổ Luhansk

Tình hình Nga - Ukraine ngày 19/3: Hành lang nhân đạo được mở ở vùng lãnh thổ Luhansk

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về những diễn biến trong quan hệ Nga-Ukraine. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.

 

Đọc thêm các thông tin về tình hình Nga - Ukraine TẠI ĐÂY

 

(Tiếp tục cập nhật)

 

NATO triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại Slovakia                  

Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad ngày 20/3 xác nhận các đơn vị đầu tiên chịu trách nhiệm triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot từ các nước đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu tới Slovakia. Công tác triển khai sẽ tiếp diễn trong những ngày tới.        

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot, do các binh sĩ Đức và Hà Lan vận hành, ban đầu sẽ được triển khai tại sân bay Sliac ở miền Trung Slovakia nhằm góp phần củng cố năng lực phòng thủ ở sườn phía Đông của NATO. Hệ thống này có thể được sử dụng để đánh chặn máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tốc độ cao ở độ cao đến 20 km và từ khoảng cách 60 km.    

Chú thích ảnh
 Bệ phóng tên lửa đánh chặn Patriot của Mỹ tham gia cuộc tập trận của NATO tại Trondheim, Na Uy. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Praha, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Dragomir Zakov ngày 19/3 cho biết Sofia đã từ chối viện trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.           

Tuyên bố trên được hai quan chức Bulgaria đưa ra trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, người đã thăm chính thức Sofia từ ngày 18-19/3. Trong chuyến thăm, hai bên đã thảo luận về hợp tác quốc phòng và các kế hoạch của NATO nhằm tăng cường hiện diện tại sườn Đông của liên minh trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.          

Thủ tướng Petkov đã bác bỏ khả năng Sofia sẽ viện trợ quân sự cho Kiev, song cũng khẳng định Bulgaria, với tư cách là một đồng minh trong khối NATO, sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine.          

Bulgaria, quốc gia không có chung đường biên giới với Ukraine nhưng đã tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn từ Ukraine, nhất trí tiếp nhận một nhóm tác chiến mới của NATO theo một phần trong kế hoạch tăng cường lực lượng NATO tại sườn phía Đông của liên minh quân sự này. Nhóm tác chiến sẽ được triển khai với quân số có thể lên tới 1.000 binh sĩ, hoạt động dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Tối cao các lực lượng NATO tại châu Âu.        

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đánh giá cao sự ủng hộ của lãnh đạo Bulgaria trong việc sẵn sàng tiếp nhận nhóm tác chiến NATO nói trên, đồng thời cho biết trong những cuộc hội đàm, hai bên đã thảo luận về các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng song phương.        

Trong thời gian diễn ra những cuộc hội đàm, đám đông người biểu tình Bulgaria đã tập trung tại một công viên gần trụ sở Bộ Quốc phòng nước này nhằm phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ và NATO trên lãnh thổ Bulgaria.

Báo Pháp cảnh báo hậu quả toàn cầu từ cuộc xung đột Nga-Ukraine

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 20/3 cho biết Nga và Ukraine đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận về các vấn đề quan trọng và gần như đã nhất trí về một số vấn đề. Trả lời phỏng vấn nhật báo Hurriyet, Ngoại trưởng Cavusoglu cũng bày tỏ hy vọng Moskva và Kiev sẽ đạt được một lệnh ngừng bắn nếu hai bên không đi thụt lùi so với tiến độ đã đạt được.  

Trong một diễn biến liên quan, ông Ibrahim Kalin - người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/3 nhấn mạnh Ankara tin chắc rằng Nga và Ukraine có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình. Phát biểu với kênh truyền hình Al Jazeera, ông Kalin nói: “Một thỏa thuận hòa bình là có thể. Câu hỏi hiện nay là khi nào và làm cách nào để đạt được thỏa thuận này”.    

Cùng ngày, nhật báo The New York Times đăng bài trả lời phỏng vấn của ông Kalin, cho rằng trường hợp của Moskva phải được coi là một phần trong cấu trúc an ninh mới giữa Nga và các nước phương Tây. Ông Kalin nói: “Trường hợp của Nga phải được lắng nghe và tính tới, bởi vì sau cuộc xung đột này (ở Ukraine), sẽ phải có một cấu trúc an ninh mới được thiết lập giữa Nga và các nước phương Tây”.    

Chú thích ảnh
Người dân sơ tán tới khu tạm trú ở gần Mariupol, Ukraine, ngày 17/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong một diễn biến liên quan, nhật báo Le Monde của Pháp số ra gần đây đã cảnh báo rằng tình hình ở Ukraine sẽ làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, vốn đã suy yếu sau đại dịch COVID-19, và có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thay đổi về lâu dài.        

Tờ báo lưu ý Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã dự báo rằng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên toàn cầu sẽ giảm 1 điểm phần trăm, trong khi lạm phát sẽ tăng 2,5 điểm phần trăm. Le Monde dẫn lời nhà kinh tế cấp cao Lawrence Boone của OECD nhận định: “Cuộc khủng hoảng này đã biểu hiện dưới hình thức giá năng lượng, thực phẩm và một số kim loại tăng vọt”.       

Hồi tháng 12/2021, OECD dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2022 sẽ là 4,5%, song gần đây đã hủy kế hoạch công bố dự báo thường xuyên vào đầu tháng 3 do “những bất ổn ngày càng tăng”.        

Le Monde cũng trích dẫn ý kiến của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng chiến dịch tấn công quân sự của Nga ở Ukraine có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu. Tờ báo dẫn nguồn IMF cho hay: “Về lâu dài, cuộc xung đột (ở Ukraine) về cơ bản có thể thay đổi trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu - nếu các điều khoản thương mại tài nguyên năng lượng thay đổi, chuỗi cung ứng được xây dựng lại, mạng lưới thanh toán bị chia cắt và các quốc gia xem xét lại thành phần dự trữ vàng và ngoại hối của họ”.

Trung Quốc tiếp tục khẳng định lập trường về vấn đề Ukraine

Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị một lần nữa khẳng định lập trường của nước này về vấn đề Ukraine phù hợp với mong muốn của hầu hết các quốc gia trên thế giới.   

Ngày 20/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố phát biểu của ông Vương Nghị, trong đó nêu rõ: “Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ hành động ép buộc hoặc gây áp lực nào từ bên ngoài, cũng như phản đối mọi cáo buộc vô căn cứ và sự nghi ngờ đối với Trung Quốc”.     

Phát biểu của ông Vương Nghị được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/3 đã cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về “những hậu quả” nếu Bắc Kinh hỗ trợ vật chất cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. 

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ trưởng Vương Nghị, thông điệp quan trọng nhất mà ông Tập Cận Bình muốn gửi đi là Trung Quốc luôn đóng vai trò của một lực lượng duy trì hòa bình thế giới. Ông Vương Nghị nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn ủng hộ duy trì hòa bình và phản đối chiến tranh... Lập trường của Trung Quốc là khách quan, công bằng và phù hợp với mong muốn của hầu hết các quốc gia”.  

Trong cuộc điện đàm ngày 18/3, ông Tập Cận Bình nói với ông Biden rằng cuộc chiến ở Ukraine cần phải kết thúc càng sớm càng tốt, đồng thời kêu gọi các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối thoại với Moskva.

Ukraine thông báo mở 7 hành lang nhân đạo trong ngày 20/3

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết 7 hành lang nhân đạo sẽ được mở trong ngày 20/3 để dân thường có thể sơ tán khỏi các khu vực có giao tranh.   

Ukraine đã sơ tán tổng cộng 190.000 người khỏi các khu vực xung đột kể từ khi xảy ra căng thẳng Nga - Ukraine ngày 24/2.   

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ký một sắc lệnh sáp nhật toàn bộ các kênh truyền hình quốc gia thành một nền tảng, với lsy do cần một "chính sách thông tin thống nhất" trong bối cảnh thiết quân luật.Văn phòng Tổng thống đưa ra thông báo trên song không cho biết biện pháp này sẽ có hiệu lực từ lúc nào.   

Các kênh truyền thông tư nhân ở Ukraine hiện vẫn đang tiếp tục được hoạt động.

Chú thích ảnh
Người dân sơ tán tới khu tạm trú ở gần Mariupol, Ukraine, ngày 17/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc: 'Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga ngày càng hà khắc'

Ngày 19/3, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) đánh giá các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga ngày càng hà khắc đồng thời cảnh báo các hậu quả khó có thể tưởng tượng nếu tiếp tục dồn ép Moskva.   

Phát biểu trong một hội nghị an ninh ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng công dân Nga đang bị tước đoạt tài sản ở nước ngoài mà không cần biết lý do. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng trừng phạt không thể giải quyết vấn đề.

Trừng phạt chỉ ảnh hưởng tới người dân thường, hệ thống tài chính kinh tế và làm nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn. Bên cạnh đó, ông Lạc Ngọc Thành cũng cho rằng việc Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) theo đuổi "an ninh toàn diện" bằng cách mở rộng khu vực về phía Đông đang gây ra tình trạng mất an ninh.   

Phát biểu trên được Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh Nga hứng chịu ngày càng nhiều biện pháp trừng phạt và cô lập về kinh tế sau khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ cuối tháng 2.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành phát biểu tại Bắc Kinh. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

Trước đó, Nga đưa ra một số đề xuất an ninh với Mỹ và NATO nhằm đảm bảo an ninh châu Âu, trong đó có yêu cầu NATO phải đưa ra cam kết có tính ràng buộc pháp lý về việc không tiếp tục mở rộng về phía Đông, tôn trọng khuôn khổ biên giới có từ năm 1997. Tuy nhiên, phía Mỹ và NATO đã không đưa ra những phản hồi như mong đợi của Moskva.     

Trước những biện pháp trừng phạt mới, Nga liên tục khẳng định quốc gia này sẽ trụ vững. Hãng tin Sputnik (Nga) dẫn lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 19/3 cho biết nền kinh tế nước này sẽ không sụp đổ, bất chấp những lệnh trừng phạt mới mà phương Tây áp đặt thời gian qua.

Chia sẻ quan điểm trên Telegram, ông Dmitry Medvedev đánh giá nhìn chung, nền kinh tế sẽ không sụp đổ. Các công ty phương Tây, dù thông báo rút khỏi thị trường Nga, nhưng vẫn nghĩ tới việc quay lại. Hiện các công ty này vẫn duy trì lực lượng nhân viên tại Nga, trả lương và các khoản thanh toán khác. Cũng theo quan chức từng giữ cương vị Thủ tướng Nga, Moskva có nhiều đối tác đáng tin cậy.     

Trong diễn biến liên quan, ngày 19/3, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin ngày 19/3 cho biết Ankara nhận thấy rằng cần phải duy trì một đường dây liên lạc với Moskva. Trả lời báo Star, ông Ibrahim Kalin nói Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng cần phải duy trì đối thoại với Nga để cùng thảo luận về cách tháo gỡ vấn đề.

Theo ông Ibrahim Kalin, hiện Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng duy trì các kênh liên lạc với Nga và tìm cách đánh giá những quan ngại an ninh của Moskva. Ankara cũng đã chuẩn bị sẵn cơ sở cho một cuộc gặp dự kiến giữa lãnh đạo Nga và Ukraine trong thời điểm thỏa thuận cho cuộc xung đột hiện nay có thể đạt được trong một cuộc gặp cấp cao nhất.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm