Tiểu thương trắng tay trong vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương

15/09/2013 16:36 GMT+7 | Thế giới

Đến thời điểm này, các gian hàng trong Trung tâm Thương mại lớn nhất tỉnh Hải Dương đã gần như bị thiêu rụi, một góc mái Trung tâm Thương mại sập xuống thành một đống đổ nát. Đứng trước tài sản bị thiệt hại quá lớn và các loại giấy tờ, chứng từ sổ sách cũng tan thành khói, hàng trăm tiểu thương đều đau xót, hoang mang. Ðiều đáng nói là hầu hết các hộ buôn bán tại đây đều không mua bảo hiểm phòng chống cháy nổ.

Đến chiều 15/9, các lực lượng chức năng vẫn bám hiện trường đám cháy. Xung quanh các lối đi vẫn được phong tỏa ngăn người dân đến xem có thể gặp nguy hiểm. Nhưng các tiểu thương vẫn đứng vây quanh khu vực bị phong tỏa, hướng về phía Trung tâm Thương mại (TTTM) nơi hiện chỉ là một đống gạch, đá ngổn ngang và những đám khói vẫn bốc lên.

Người dân tập trung xem chữa cháy. Ảnh: Mạnh Tú

Là một trong những tiểu thương buôn bán từ những ngày đầu tiên Trung tâm Thương mại được xây dựng, bà Lê Thị Bình (nhà ở ngõ 45/75 Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương) chuyên buôn bán đồ nhựa, bà chuyển từ chợ cũ Phú Yên sang TTTM từ năm 2001. Ki ốt nhà bà Bình khoảng 10m2, tổng giá trị hàng hóa gần 1 tỷ đồng.

"Tôi và con rể vừa đi lấy 50 triệu tiền hàng về, dặn con trai xếp vào ki ốt, 5 rưỡi chiều qua. Sau khi xếp hàng vào ki ốt gọn gàng, con trai tôi về. Ai mà ngờ sáng nay sự thể lại ra thế này" - bà Bình than thở.

Khoảng 4 giờ sáng nay, nhận được cuộc điện thoại của người quen gọi báo có cháy, vơ vội cái điện thoại bà Bình và con trai cuống cuồng chạy ra TTTM. Suốt từ 4 giờ đến trưa hôm nay, bà chỉ loanh quanh bên ngoài, đứng ngồi không yên, gương mặt thất thần, tái nhợt. Chồng mất sớm, một mình bà Bình bươn chải buôn bán nuôi 3 người con, mới chỉ 1 đứa lập gia đình. Còn người mẹ già năm nay 87 tuổi và 1 cháu ngoại mới 8 tháng. “Tất cả đều trông hết vào cửa hàng này. Ngày mai biết làm gì để sinh sống? Vốn liếng đổ hết vào đây. Chưa kể nợ nần các chỗ khác còn nhiều"-bà nghẹn ngào nói.

Bà Đặng Thị Vân Anh và mẹ có hai gian hàng buôn bán đồ nhựa tại TTTM Hải Dương mắt đỏ hoe, vẻ mặt phờ phạc, mếu máo: “Bây giờ tất cả mất hết rồi. Tổng thiệt hại cũng gần 2 tỷ đồng, tính cả hai gian hàng. 7-8 miệng ăn nhà tôi đều trông chờ vào việc buôn bán của hai mẹ con tôi. Thế mà nay mất hết không còn gì cả".

Ông Sửu, chủ của 4 ki ốt trong TTTM bán nhôm, nhựa, sành, sứ, thủy tinh có thâm niên 27 năm buôn bán. Lần đầu tiên gặp rủi ro lớn thế này. Tổng giá trị thiệt hại phải đến 2 tỷ đồng. Lúc được tin dữ, ông đang ngủ tại nhà ở cách TTTM khoảng 500m. Khi chạy ra đến nơi ngọn lửa bùng rất to. Lúc đó, cháy cả khắp 4 cửa. Khoảng hơn 3 giờ sáng cứu hỏa mới tới, ông chỉ biết bất lực đứng nhìn ngọn lửa chôn vùi đống gia tài.

"Xui xẻo quá! Tối hôm qua mới nhập gần 100 triệu tiền hàng, chuyển hết vào trong các ki ốt. Đầu tháng 8, chuẩn bị dồn hàng về để bán dịp cuối năm mới thiệt hại nặng thế. Nếu bị cháy cách đây 1 tháng rưỡi, thiệt hại chỉ 50% mức hiện nay thôi. Bây giờ tôi đang nợ khắp nơi từ Lạng Sơn, đến Hà Nội, Sài Gòn… Nhưng so với các nhà khác thế là còn ít, chẳng hạn như những nhà buôn đồ sắt, khóa… thiệt hại có thể tới 5-7 tỷ đồng”, ông kể.

Theo ông Sửu và một số hộ kinh doanh, trong TTTM này có khoảng 60-70% hộ bán buôn khối lượng lớn, thiệt hại rất nặng.

Bày tỏ tâm tư, các tiểu thương đều chung nguyện vọng được Nhà nước hỗ trợ một phần thiệt hại, đồng thời mong muốn cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo nhanh chóng khắc phục sự cố, để những tiểu thương ổn định cuộc sống cũng như nơi buôn bán.

Anh Phan Hồng Phong (32 tuổi, nhà ở 76 Bạch Năng Thi) chủ ki ốt bán đồ điện tử cho biết: Họ hàng nhà anh có tới 5 người có ki ốt trong TTTM. “Trước mắt, chúng tôi không biết bấu víu vào đâu. Tất cả tiền bạc, vốn liếng chúng tôi đổ hết vào các cửa hàng rồi", anh ủ rũ nói.

Nhiều tiểu thương không chỉ mất sạch hàng hóa, mà hầu hết các loại giấy tờ, chứng từ sổ sách họ đều để trong két đặt ở ki ốt. Bây giờ những giấy tờ quan trọng đó đã bị cháy không biết sẽ phải giải quyết ra sao? Song điều họ bức xúc nhất là từ trước đến nay, không được cơ quan quản lý hướng dẫn mua bảo hiểm hàng hóa hay bảo hiểm phòng chống cháy nổ. Nên khi xảy ra hỏa hoạn họ bị "trắng tay" mà không biết trông cậy vào đâu. Đây cũng chính là bài học về quản lý của cơ quan chức năng, cũng như các tiểu thương ở Hải Dương nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung.

Mạnh Minh - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm