Thế giới hơn 266 triệu ca nhiễm Covid-19, có trên 5, 2 triệu ca tử vong

06/12/2021 08:59 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 6/12, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 266.103.799 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.270.527 ca tử vong. Số người đã bình phục là 239.686.600 ca. Hiện còn 21.146.672 ca đang điều trị, trong đó có 86.792 ca bệnh nặng.   

Hàn Quốc áp đặt trở lại quy định siết chặt phòng chống dịch Covid-19

Hàn Quốc áp đặt trở lại quy định siết chặt phòng chống dịch Covid-19

Từ ngày 6/12, Hàn Quốc áp đặt trở lại các quy định siết chặt phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh các ca nhiễm mới theo ngày liên tục cao kỷ lục và nước này cũng ghi nhận 9 ca nhiễm biến chủng mới Omicron đầu tiên.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Số ca nhiễm ở Mỹ là hơn 49,9 triệu ca, hơn gấp đôi ở Brazil (22,1 triệu ca), trong khi con số này ở Ấn Độ là hơn 34,6 triệu ca. Về số ca tử vong, Mỹ ghi nhận tổng cộng 808.748 ca, Brazil có 615.647 ca và Ấn Độ  473.326 ca.   

Châu Á hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhất với hơn 82,5 triệu ca nhiễm và 1.223.124 ca tử vong. Châu Âu ghi nhận 75,5 triệu ca nhiễm, nhưng có 1.434.021 ca tử vong - nhiều hơn châu Á. Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 59,7 triệu ca nhiễm, trong khi con số này ở Nam Mỹ là hơn 39 triệu ca.   

Tại châu Á, Hàn Quốc đã áp đặt trở lại quy định siết chặt phòng chống dịch trong bối cảnh các ca nhiễm mới theo ngày liên tục cao kỷ lục và nước này cũng ghi nhận 12 ca đầu tiên nhiễm biến chủng mới Omicron. Theo quy định mới, số người được phép tụ tập đối đa ở thủ đô Seoul và khu vực lân cận là 6 người, các địa phương còn lại là 8 người, giảm 4 người so với quy định hiện nay.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN

Khách đến các cơ sở kinh doanh có nguy cơ cao như: nhà hàng, quán càphê, rạp chiếu phim, thư viện, bảo tàng, phòng tập thể dục, phải xuất trình "thẻ vaccine" tức là xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Người nhập cảnh Hàn Quốc phải thực hiện cách ly 10 ngày, bất kể đã tiêm chủng hay chưa, cho đến hết ngày 16/12. Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết từ nay đến cuối năm Hàn Quốc sẽ tập trung vào việc ngăn chặn biến thể mới Omicron lây lan.   

Tại Malaysia, Trung tâm ứng phó khủng hoảng toàn quốc (CPRC) thuộc Bộ Y tế cho biết tỷ lệ tử vong tại ở người chưa tiêm chủng tại nước này cao gấp 35 lần so với nhóm đã tiêm đầy đủ, do đó, CPRC kêu gọi những người chưa tiêm cần lập tức tiêm phòng. Số liệu của CPRC cho thấy trong 2 tuần cuối tháng 6 vừa qua, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên 100.000 dân trong nhóm người trưởng thành chưa tiêm chủng ở nước này lần lượt là 26,1 và 26,6.

Tỷ lệ này liên tục gia tăng, đến tháng 9 tăng lên các mức bình quân mỗi tuần lần lượt là 351,9; 472,6; 536,6 và 523,8. Trong tháng 10, tỷ lệ này ghi nhận xu hướng giảm, với các mức lần lượt là 477,8; 395,1; 360,6; 363 và 334,3; sau đó tiếp tục giảm trong tháng 11 với các mức 262,3; 316,1; 274,1 và 295,9 người. Tính chung, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trong nhóm người chưa tiêm chủng ở Malaysia cao gấp 35 lần so với nhóm đã hoàn thành mũi tiêm. 

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Seriate, Bergamo, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Italy bắt đầu thực thi quy định "siêu thẻ xanh", trong khuôn khổ kế hoạch của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và khuyến khích người dân tiêm phòng COVID-19. Theo đó, "siêu thẻ xanh" chỉ được cấp cho những người đã tiêm vaccine hoặc những người đã bình phục trong vòng 6 tháng. Những người có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ chỉ được cấp thẻ xanh. Những người chưa tiêm vaccine sẽ không được vào các nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, rạp hát, buổi hòa nhạc, hộp đêm hoặc sân vận động thể thao trong nhà.

Các biện pháp mà Thủ tướng Italy Mario Draghi đã tuyên bố là cần thiết để "duy trì sự bình thường" và "tạo sự chắc chắn" cho kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm Mới, sẽ được duy trì cho đến ngày 15/1/2022 và có khả năng được gia hạn. Bên cạnh đó, Chính phủ Italy cũng giảm thời gian hiệu lực của thẻ xanh từ 12 tháng xuống còn 9 tháng.

Ngoài ra, người dân bắt buộc phải trình thẻ xanh để có thể vào bảo tàng, khách sạn, phương tiện giao thông đường sắt khu vực và phương tiện giao thông công cộng địa phương bao gồm tàu điện ngầm, xe buýt và xe điện. Người lao động chưa tiêm vaccine vẫn có thể đến nơi làm việc nhưng phải xét nghiệm 2 ngày một lần.   

Trong khi đó, Bộ Y tế Cuba thông báo đã hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 83% dân số và sẽ bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho người dân tại 4 quận của thủ đô La Habana. Những người nhiễm đã khỏi bệnh và những người đã hoàn thành tiêm chủng bất kỳ loại vaccine nào trước đó 6 tháng sẽ được tiêm thêm một mũi vaccine Abdala để tăng khả năng bảo vệ.

Trước đó, ngày 7/11, Bộ trên đã triển khai tiêm mũi tăng cường cho nhân viên tuyến đầu và các nhóm dễ bị tổn thương. Hơn 360.000 người đã được tiêm mũi vaccine tăng cường trong đợt này. Báo cáo của Bộ Y tế Cuba cho thấy hơn 90% người dân nước này đã được bảo vệ với ít nhất một mũi vaccine tự sản xuất trong nước.   

Tại Mỹ, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) cho biết cơ quan này đang dõi theo chặt chẽ tình hình liên quan đến biến thể Omicron và số ca nhiễm biến thể mới này ở Mỹ "nhiều khả năng sẽ tăng".

Theo Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky, biến thể Omicron đã được phát hiện tại ít nhất 15 bang của Mỹ, song biến thể Delta vẫn chiếm đa số các trường hợp mắc COVID-19 trên toàn quốc. CDC Mỹ chưa xác định được mức độ lây nhiễm của Omicron cũng như mức độ hiệu quả của các vaccine hiện nay đối với biến thể này.

Bích Liên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm