Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận tổng cộng 88 ca Omicron

24/01/2022 22:12 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều vấn đề về công tác phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh được dư luận quan tâm như diễn tiến của biến chủng Omicron trên địa bàn thành phố; công tác chuẩn bị phục vụ vận tải hành khách trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022… đã được thông tin tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn do Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều tối 24/1.

Ngày 24/1, cả nước ghi nhận 14.362 ca mắc Covid-19

Ngày 24/1, cả nước ghi nhận 14.362 ca mắc Covid-19

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 23/1 đến 16h ngày 24/1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.362 ca mắc mới, trong đó 55 ca nhập cảnh và 14.307 ca ghi nhận trong nước.

Đa số ca nhiễm Omicron không có triệu chứng

Bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) thông tin, ngày 24/1, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 15 ca nhiễm biến chủng Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến chủng này ở thành phố lên 88, trong đó có 5 ca cộng đồng, còn lại là nhập cảnh và được cách ly theo dõi. Ông Tâm cho biết, chiều 24/1, HCDC đã làm báo cáo về 15 ca mắc mới này, gửi Bộ Y tế để cập nhật.

Theo ông Tâm, tất cả 5 ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng mới được phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh đều liên quan đến ca nhiễm đầu tiên là người phụ nữ 41 tuổi, nhập cảnh từ Mỹ về Nha Trang, sau đó về lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ba ca nhiễm đầu tiên là một người 35 tuổi ngụ huyện Bình Chánh, một người 31 tuổi ngụ Quận 11, người còn lại 48 tuổi ngụ quận Gò Vấp, từng đi ăn cùng người phụ nữ nhập cảnh.

Chú thích ảnh
Cán bộ y tế xử lý mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Ca thứ 4 là một nam thanh niên 25 tuổi, em họ của ca Omicron sống tại Quận 11. Thanh niên này đã tiêm hai mũi vaccine COVID-19, từ ngày 28/12/2021 làm bảo vệ tại nhà của người phụ nữ nhập cảnh. Trường hợp thứ 5 là nam, 29 tuổi, bác sĩ khoa cấp cứu tại một bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, sống cùng nhà với ca Omicron ngụ Quận 11, đã tiêm 3 mũi vaccine. “Thành phố chưa phát hiện thêm trường hợp dương tính mới từ chùm ca cộng đồng này”, ông Tâm nói.

Về việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron, ông Tâm cho biết, trong quá trình điều trị, chỉ có 7 trong số 88 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron có triệu chứng. Tuy nhiên, triệu chứng ghi nhận đều ở mức nhẹ như sốt, ớn lạnh, đau họng. Tất cả bệnh nhân đều ở trạng thái sức khỏe ổn định, thời gian từ lúc dương tính đến khi âm tính chỉ khoảng 6-7 ngày. Ca Omicron nặng nhất thời gian qua là bà cụ 82 tuổi, nhập cảnh ngày 10/1, có nhiều bệnh lý nền như: ung thư máu giai đoạn cuối, đái tháo đường, đến nay cũng đã ổn định sức khỏe.

Trong bối cảnh hiện nay, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân chú ý tuân thủ 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang thường xuyên khi ở nơi công cộng hoặc công sở để phòng ngừa chủng Omicron cũng như Delta. “Chỉ những người tiếp xúc không 5K mới có nguy cơ mắc bệnh. 5K là giải pháp ứng biến với mọi biến chủng. Omicron có thể ủ bệnh ngắn, dễ lây... nhưng nó không thể xuyên qua khẩu trang và không thể sống sót sau khi chúng ta rửa tay”, ông Châu nhấn mạnh.

Mới bán được 35% vé xe Tết, giá tăng không quá 60%

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 315 tuyến vận tải liên tỉnh đã hoạt động trong tổng số 418 tuyến đã hoạt động trước dịch bệnh (đạt 75,35%). Trong số đó có 50/57 tỉnh, thành phố kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện, chỉ còn tỉnh Bình Phước chưa kết nối lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh với thành phố do tình hình dịch trên địa bàn còn phức tạp. Sáu tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hưng Yên đã tổ chức tuyến liên tỉnh cố định bằng xe ôtô trở lại nhưng chưa có đơn vị vận tải đăng ký hoạt động do lượng khách đi lại thấp.

Chú thích ảnh
Khu vực quầy bán vé tại Bến xe miền Đông mới. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Theo ông Bùi Hòa An, dự báo lượng hành khách đi lại cao điểm năm nay tối đa chỉ bằng 50% số khách trong dịp tết năm 2020, thời điểm chưa có dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình hình đi lại có thể thay đổi nếu các tỉnh, thành phố điều chỉnh phương án phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, hành khách đi lại cao điểm vào ngày 27 Tết âm lịch (ngày 29/1) dự kiến không quá 60.000 hành khách/ngày.

Tại bến xe Miền Đông tối đa không quá 25.000 khách/ngày; bến xe Miền Tây tối đa không quá 30.000 khách/ngày; các bến còn lại không quá 5.000 khách/ngày. Riêng các ngày sau Tết chủ yếu hỗ trợ các bến xe khách tại các tỉnh, thành phố khác để đưa hành khách trở lại Thành phố Hồ Chí Minh.

“Các kịch bản cho lượng khách tăng cao bất ngờ đã được chuẩn bị. Trung tâm và các doanh nghiệp vận tải cũng dự kiến tăng cường xe buýt để giải tỏa hành khách. Tuy nhiên đến nay, các bến liên tỉnh chưa có nhu cầu đề nghị tăng cường”, ông Bùi Hòa An cho hay. Theo thống kê, công suất tiếp nhận của các bến xe trên địa bàn thành phố là 13.972 xe/ngày, tương ứng hơn 364.600 hành khách.

Về giá vé xe Tết, tính đến ngày 21/1, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận và trả 22 hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng giá cước dịp Tết Nhâm Dần. Các đơn vị thực hiện kê khai các khoản chi phí tăng như nhiên liệu, nhân công trực tiếp, phí cầu đường, bến bãi và chi phí hao mòn săm lốp. Phần lớn mức tăng giá không quá 40% đối với các tuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây và tỉnh Tây Ninh; không quá 60% các tuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh còn lại so với giá kê khai ngày thường. Thời gian áp dụng tăng giá thực hiện theo kế hoạch chung của các bến xe như các năm trước.

Ông Bùi Hòa An đánh giá, giá vé xe Tết năm nay tương đương với giá vé xe Tết năm 2021. Đến hết ngày 23/1, tổng số vé bán được đạt 35%. Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị hành khách có nhu cầu đi lại đến bến xe mua vé lên xe, không nên mua vé tại các điểm xe khách không đúng quy định dẫn đến tình trạng mua không đúng giá, đi không đúng xe.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh còn thiết lập đường dây nóng của từng đơn vị và lãnh đạo đơn vị, cung cấp cho Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị để phối hợp xử lý thông tin phản ánh về sự cố, trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Đối với vận tải hành khách bằng đường hàng không, ông Bùi Hòa An cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và phương án phòng chống dịch của một số tỉnh nên dự báo lượng hành khách đi lại dịp Tết Nguyên đán năm 2022 đạt không quá 80% so với năm 2021. Dự báo ngày cao điểm năm nay (khoảng 25 Tết) sẽ tương đồng với số liệu của năm 2021 là 788 chuyến với 68.173 hành khách thông qua Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Hồng Giang/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm