Tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022: Ai được tăng, ai còn băn khoăn?

17/06/2022 10:44 GMT+7 | Tin tức 24h

Nghị định số 38/NĐ-CP của Chính phủ quy định, từ 1/7/2022, mức lương tối thiểu tăng 6% là tin vui đối với công nhân lao động, nhưng cũng khiến nhiều người băn khoăn.

Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ ngày 1/7/2022

Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ ngày 1/7/2022

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo quy định tại Nghị định số 38/NĐ-CP quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng; vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng; vùng III tăng 210.000 đồng, từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng; vùng IV tăng 180.000 đồng, từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng. Nghị định số 38/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Tuy số tiền lương tăng không nhiều nhưng ở thời điểm hiện tại cũng giúp cho người lao động bù đắp được phần nào chi phí sinh hoạt hay một chút chi phí trượt giá, ví dụ như tiền xăng xe, tiền gas…

Lương tối thiểu vùng tăng: Ai được tăng lương?

Khoản 1 và khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định rõ:

1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Tăng lương tối thiểu từ 1 7, Tăng lương tối thiểu, Tăng lương cho người lao động, tăng lương, lương tối thiểu
Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ ngày 1/7/2022

Theo đó, tiền lương tối thiểu trả cho người lao động (chưa bao gồm phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) phải ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng được công bố.

Như vậy, từ ngày 1/7/2022, khi lương tối thiểu vùng tăng, các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh tiền lương cho phù hợp để trả cho người lao động.

Không khỏi băn khoăn

Việc tăng lương ở thời điểm này hết sức thiết thực và cải thiện đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, đọc kỹ Nghị định số 38/NĐ-CP nhiều người không khỏi băn khoăn khi không còn quy định những người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề có mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng, như Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Nghị định số 38/NĐ-CP chỉ quy định: Mức lương tối thiểu tháng là mức thấp nhất để làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng.

Một số người bày tỏ lo lắng, trong Nghị định 38 quy định tăng lương 6% nhưng không bắt buộc chủ sử dụng lao động cộng 7% lương qua đào tạo. Đây sẽ là kẽ hở để doanh nghiệp không cộng 7% lương cho người lao động. Nếu trường hợp lương tối thiểu tăng 6% nhưng doanh nghiệp lại cắt khoản 7% qua đào tạo thì người lao động bị âm 1%.

Một ý kiến khác cho rằng, khi nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp buộc phải tăng thêm cho công nhân mới, nhằm thực hiện đúng quy định lao động đã qua đào tạo. Những người ở bậc cao hơn sẽ đồng loạt được tăng theo để đảm bảo các bậc trong thang, bảng lương cách nhau 5%.

Nếu không còn quy định tăng 7% cho lao động đã qua đào tạo, doanh nghiệp sẽ không có lý do điều chỉnh bởi tiền lương thấp nhất đang áp dụng đã cao hơn 50.000 đồng lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38. Công nhân chờ đợi sau gần hai năm lương không tăng, trong khi phía doanh nghiệp muốn cắt giảm chi phí tối đa để đầu tư sản xuất sau dịch. Nếu hai bên không có sự thấu hiểu sẽ dễ dẫn đến tranh chấp lao động.

Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Quang Thọ chia sẻ với Kinh tế đô thị: Nếu bỏ 7% lương qua đào tạo thì không phân biệt được người lao động qua đào tạo và không có tay nghề. Như vậy, người lao động bị thiệt chứ không phải được tăng lương 6%.

Ông Phạm Anh Thắng (Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại TP HCM) lý giải trên VnExpress, việc không đưa nội dung mức lương thấp nhất đối với người lao động qua đào tạo, dạy nghề phải cao hơn 7% so với mức tối thiểu đã được các cơ quan chuyên trách xem xét trên nhiều mặt.

Hiện, khi vai trò của tổ chức công đoàn được khẳng định, năng lực thương lượng của người lao động đã qua đào tạo được nâng cao thì phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong đàm phán về tiền lương. Hơn nữa, quy định cứng tỷ lệ phần trăm (%) dễ bị đánh giá là can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Bảo Anh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm