Tai nạn giao thông năm 2021 giảm sâu cả ba tiêu chí

06/01/2022 11:47 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 6/1, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Hà Nội: Hai vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng làm hai người chết

Hà Nội: Hai vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng làm hai người chết

Các tổ công tác 141 phát hiện, xử lý 58 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 6 phương tiện, 15 bộ giấy tờ, phạt tại chỗ 37 trường hợp...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, năm 2021, tình hình trật tự, an toàn giao thông tiếp tục có chuyển biến tốt, cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020. Toàn quốc xảy ra 11.495 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với cùng kỳ năm 2020, tai nạn giao thông giảm 3.496 vụ (23,32%), số người chết giảm 1.068 người (15,55%), số người bị thương giảm 3.143 người (28,16%).

Có 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó An Giang và Sơn La giảm trên 40% số người chết do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn 4 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2020 là: Kon Tum, Quảng Trị, Kiên Giang, Thái Bình, trong đó, 2 tỉnh có số người chết tăng trên 10% trở lên là: Kiên Giang và Thái Bình.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, trong năm 2021, toàn quốc xảy ra 124 vụ ùn, tắc giao thông kéo dài trên các quốc lộ. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 2,88 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 2.808 tỷ đồng, tước 248,6 nghìn giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 460 nghìn phương tiện các loại. So với năm 2020, xử lý giảm 796,6 nghìn trường hợp (21,64%), tiền phạt giảm 478,5 tỷ đồng (14,56%).

Trong đó, trên đường bộ, lực lượng chức năng xử lý 2,77 triệu trường hợp, phạt tiền 2.704,5 tỷ đồng. Trong số này, có 161,3 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 5,81%); 1.802 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,06%); gần 35,6 nghìn trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 1,28%); 9,9 nghìn trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện (chiếm 0,36); hơn 83,4 nghìn trường hợp vi phạm làn đường, phần đường (chiếm 3,01%); 252,9 nghìn trường hợp chạy quá tốc độ quy định (chiếm 9,11%). Trên đường sắt, lực lượng Cảnh sát giao thông xử lý 8.075 trường hợp, phạt tiền gần 4,1 tỷ đồng; trên đường thủy xử lý hơn 100,5 nghìn trường hợp, phạt tiền 100 tỷ đồng.

Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm về nồng độ cồn cao như Thành phố Hồ Chí Minh 26,8 nghìn trường hợp, Tây Ninh 8,7 nghìn trường hợp, Hà Nội 8,6 nghìn trường hợp, Phú Thọ 6,2 nghìn trường hợp, Cà Mau gần 7,5 nghìn trường hợp, Bình Dương 5,9 nghìn trường hợp... Các địa phương có kết quả xử lý lái xe dương tính với ma túy cao là Nghệ An 332 trường hợp, Bình Dương 147 trường hợp, Tây Ninh 134 trường hợp...

Đã xảy ra 44 vụ chống lại người thi hành công vụ, làm 9 đồng chí bị thương, lực lượng Cảnh sát giao thông đã trực tiếp, phối hợp bắt giữ 45 đối tượng bàn giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Trong đó, riêng tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 xảy ra 7 vụ.

Cảnh sát giao thông đã phát hiện 537 vụ, bắt giữ 3.681 đối tượng có hành vi điều khiển xe chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng; tạm giữ 3.110 phương tiện. Trong đó, đã khởi tố 11 vụ, 75 đối tượng.

Đánh giá về những kết quả đạt được, ông Khuất Việt Hùng cho biết, nguyên nhân khách quan là trong năm 2021, đặc biệt là từ giữa tháng 6/2021, việc thực hiện các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại nhiều địa phương dẫn đến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông giảm rất sâu so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ quan là do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, UBND cac cấp đã có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình trật tự, an toàn giao thông và cấp độ phòng, chống dịch. Công an và các lực lượng chức năng khác đã kết hợp hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch COVID-19; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương hướng dẫn, hỗ trợ, bảo đảm an toàn giao thông và phòng dịch cho người dân buộc phải rời vùng dịch về quê bằng phương tiện cá nhân…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như mức độ giảm tai nạn giao thông chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông; tình hình vi phạm quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vẫn diễn ra khá phổ biến; tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ còn xảy ra tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy nội địa tại một số địa phương; tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ còn diễn ra phức tạp.

Nguyên nhân là do một bộ phận người dân còn thiếu kiến thức, kỹ năng về trật tự, an toàn giao thông; không ít người cố tình vi phạm, cá biệt có đối tượng manh động tấn công chống người thi hành công vụ; cấp uỷ, chính quyền ở một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong kết hợp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với phòng chống dịch COVID-19; một số địa phương buông lỏng trong kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ… Cùng với đó là những hạn chế về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, chậm xây dựng và thiếu sự chia sẻ, kết nối về cơ sở dữ liệu ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và quản lý hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách.

Chu Thanh Vân/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm