Quảng Ninh: Du lịch ngày càng giữ vai trò chủ đạo, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

25/10/2021 13:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Với những lợi thế và tiềm năng to lớn về du lịch, trong những năm qua, cùng với sự phát triển du lịch chung của cả nước, du lịch Quảng Ninh cũng đang trên đà khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư lớn, nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao được đưa vào sử dụng, làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Quảng Ninh đón 2,5 triệu lượt khách, quyết tâm vượt khó đại dịch

Quảng Ninh đón 2,5 triệu lượt khách, quyết tâm vượt khó đại dịch

Theo Sở Du lịch, 6 tháng đầu năm, du lịch Quảng Ninh đón 2,5 triệu lượt khách, bằng 60% cùng kỳ năm ngoái.

Từng bước khai thác thế mạnh du lịch địa phương

Các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, XIV, XV từ việc nhận diện rõ những thách thức và thời cơ, Quảng Ninh đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại.

Hiện thực hoá mục tiêu đó, Quảng Ninh đã chú trọng phát triển mạnh hạ tầng, trong đó rõ nét nhất chính là việc đầu tư đưa vào hoạt động các công trình giao thông chiến lược, như: Cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu quốc tế Tuần Châu...

Từ phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh đã tập trung mạnh mẽ vào phát triển hạ tầng phục vụ du lịch cũng như đa dạng hoá các sản phẩm du lịch đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn để tạo ra những bước phát triển đột phá mang đậm “chất” riêng, như: Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long; Công viên Đại Dương, Quần thể nghỉ dưỡng và sân Golf FLC; Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên tử, Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh, Công viên hoa Hạ Long...

Cùng với đó là việc tăng cường mở rộng, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu, có tiềm lực kinh tế lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ như: Sun Group, VinGroup, FLC... với nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế đã giúp nâng tầm du lịch Quảng Ninh.

Chú thích ảnh
Khách du lịch xuống tàu tham quan Vịnh Hạ Long

Đặc biệt, thời gian gần đây việc xây dựng Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn cả 4 mùa trong năm với việc phát triển các sản phẩm du lịch mới như: Festival Áo dài, Yên Tử về miền đất Phật mùa thu - Tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Carnaval mùa đông... cũng đang là những định hướng phát triển du lịch hợp lý và mang lại được nhiều hiệu quả.

Không gian du lịch của Quảng Ninh cũng được mở rộng với việc tăng cường liên kết vùng, kết nối 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh, đảm bảo tính bền vững, gắn với các sản phẩm đặc thù và nổi trội, bao gồm: Vùng du lịch trung tâm tại TP Hạ Long và vùng phụ cận; vùng du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh tại Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên; vùng du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp tại huyện Vân Đồn, Cô Tô và vùng du lịch biên giới tại khu vực Móng Cái và vùng lân cận.

Đồng thời, phát triển không gian du lịch mới ở các địa bàn tiềm năng như: Hải Hà, Tiên Yên, Bình Liêu... Qua đó, từng bước khai thác được thế mạnh, giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương.

Chú thích ảnh
Khách du lịch trải nghiệm chơi Golf tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long

Đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bước sang giai đoạn mới, để phát triển du lịch, dịch vụ nhanh, bền vững, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của tài nguyên du lịch gắn với phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao, đưa ngành du lịch ngày càng giữ vai trò chủ đạo, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Nhiều định hướng phát triển du lịch đã được tính toán và đưa vào lộ trình xây dựng phát triển. Điển hình như: Xây dựng các trung tâm du lịch trọng điểm tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Cô Tô trở thành động lực phát triển dịch vụ của tỉnh và của vùng; tập trung phát triển Khu kinh tế Vân Đồn và vùng biển đảo Vân Đồn, Cô Tô kết nối với vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đặc sắc, cao cấp; phát triển khu vực Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên trở thành trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh - sinh thái, có sức hấp dẫn cao; khu vực Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà kết nối với TP Móng Cái phát triển du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc...

Chú thích ảnh
Một góc Cô Tô

Đặc biệt, ngày 24/10 vừa qua, 4 dự án, công trình trọng điểm của tỉnh đã đồng loạt khởi công, trong đó có sân Golf Đông Triều và Khu Đô thị phức hợp Hạ Long Xanh sẽ tiếp tục là một trong những điểm nhấn đột phá để phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, các công trình này sẽ góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến vui chơi, giải trí tại Đông Triều, Hạ Long, Quảng Yên nói riêng và Quảng Ninh nói chung, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Trong quá trình phát triển, du lịch Quảng Ninh cũng đối mặt với không ít thách thức, nhất là năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp trong cả nước. Tuy nhiên trong khó khăn đó, bằng tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, Quảng Ninh luôn nỗ lực giữ vững địa bàn an toàn, ổn định và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới để tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển, trong đó có ngành du lịch. Đây cũng chính là động lực để tỉnh thực hiện thành công mục tiêu tới năm 2030 trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế của phía Bắc và cả nước; tới năm 2045 là tỉnh dịch vụ công nghiệp hiện đại, với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch.

Khôi Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm