Những con số khủng khiếp của bài toán 'kiểm soát súng đạn' nước Mỹ

29/12/2015 15:10 GMT+7 | Trong nước

Năm 2015, nước Mỹ nhiều lần chứng kiến các vụ bạo lực súng đạn nhằm vào người vô tội. Liên tiếp các vụ xả súng gây thương vong lớn khiến người dân - vốn đang sống trong nỗi lo sợ về khủng bố - thêm hoang mang, lo ngại, đồng thời làm bùng lên các cuộc tranh luận trong giới lập pháp về luật kiểm soát súng đạn.

Theo trang mạng chuyên theo dõi các vụ xả súng shootingtracker.com, tính đến ngày 2/12, tại Mỹ đã xảy ra tổng cộng 353 vụ xả súng lớn tại 220 địa điểm, cướp đi sinh mạng của 462 người và làm 1.317 người bị thương. Như vậy, trung bình mỗi ngày có ít nhất một vụ xả súng. Dân số Mỹ ở mức khoảng 315 triệu người, song có tới hơn 310 triệu khẩu súng đang được lưu hành trong xã hội mà không được kiểm soát. Các vụ xả súng liên tiếp tại Mỹ trong năm qua khiến dư luận tiếp tục đặt câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của giới chức và các nhà lập pháp Mỹ trong việc kiểm soát súng đạn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hành động bạo lực bằng súng đạn như phân biệt chủng tộc, tư thù cá nhân hay do hung thủ mắc bệnh tâm lý, bị tiêm nhiễm những tư tưởng Hồi giáo cực đoan thánh chiến. Những gì đang diễn ra phản ánh một thực tế đáng lo ngại là xả súng đã trở thành hiện tượng dường như vượt ngoài tầm kiểm soát của các nhà chức trách và nạn nhân là những người vô tội.


Người dân Mỹ thắp nến tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng tại San Bernardino, bang California ngày 3/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên thực tế, ngay sau vụ thảm sát tại trường tiểu học ở bang Connecticut năm 2012 làm 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã đề xuất dự luật cải cách cơ chế buôn bán và sở hữu súng đạn - căn nguyên dẫn tới việc liên tục xảy ra các vụ xả súng giết người vô tội ở Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực của Nhà Trắng, Quốc hội Mỹ hiện vẫn chưa thông qua được dự luật về vấn đề này. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng đây là thất vọng lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông từ năm 2009 tới nay. Mặc dù vậy, ông tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực cho dù hy vọng đạt được tiến bộ không mấy khả quan.

Mới đây nhất, trong bài phát biểu quan trọng tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã kêu gọi giới lập pháp Mỹ bỏ qua những bất đồng để có thể thông qua dự luật thắt chặt kiểm soát súng đạn. Trong bối cảnh các vụ bạo lực súng đạn tại Mỹ có xu hướng gia tăng, Tổng thống Obama đã nhận được ít nhiều sự ủng hộ. Cựu Ngoại trưởng Mỹ, đồng thời là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton, tuyên bố sẽ vận động hành lang để giành sự ủng hộ đối với luật kiểm soát súng đạn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng lên tiếng hối thúc Washington hành động nhằm hạn chế các vụ bạo lực súng đạn - nguyên nhân gây ra số thương vong kinh hoàng ở Mỹ trong những năm gần đây.

Lần đầu tiên kể từ năm 1920, tờ New York Times (Thời báo New York) của Mỹ số ra ngày 5/12 đã đăng trên trang nhất bài xã luận với nội dung kêu gọi kiểm soát súng đạn. Bài viết chỉ trích giới lập pháp chưa có giải pháp cứng rắn nhằm hạn chế tình trạng buôn bán và sở hữu súng đạn, đồng thời kêu gọi nhà chức trách mạnh tay hơn trong vấn đề này. Động thái trên của tờ báo có tiếng của Mỹ đã phần nào cho thấy tính cấp bách của một cơ chế cứng rắn hơn để ngăn chặn các hành vi bạo lực súng đạn.


Tổng thống Mỹ Barack Obama nhiều lần liên tiếp kêu gọi thắt chặt việc kiểm soát súng đạn nhằm bảo vệ sự an toàn của người dân Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các chuyên gia phân tích, súng đạn được coi là một phần của lịch sử và "văn hóa" Mỹ - đất nước của những người nhập cư, khai hoang những vùng đất mới. Tuy nhiên, nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều trong hơn 200 năm qua và quyền sở hữu súng đạn đã và đang đi cùng tội ác. Việc dễ dàng sở hữu vũ khí cá nhân tại Mỹ khiến súng đạn trở thành phương tiện phạm tội của những phần tử cực đoan và vụ thảm sát ở San Bernardino là hệ quả mới nhất của tình trạng trên.

Ngoài ra, các thống kê của báo USA Today (Nước Mỹ ngày nay) cho thấy cứ sau mỗi vụ xả súng và những lời kêu gọi kiểm soát súng đạn là doanh số bán súng ở Mỹ tăng vọt vì người dân lo ngại nguy cơ chính quyền cấm bán súng. Thế nên, trong bối cảnh súng đạn tràn lan, càng chậm trễ trong việc cải cách Luật Sở hữu súng đạn, nước Mỹ càng phải chứng kiến nhiều hơn các vụ xả súng đẫm máu với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, không dễ dàng để giới lập pháp Mỹ tìm được tiếng nói chung trong vấn đề kiểm soát súng đạn do ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trong ngành công nghiệp súng đạn ở nước này vẫn rất lớn. Với doanh thu bán súng đạn lên tới khoảng 3,5 tỷ USD/ năm thì các nhóm này khó có thể ủng hộ cho dự luật kiểm soát súng đạn. Kinh doanh vũ khí là một trong những ngành mang lại lợi nhuận khổng lồ và đây chính là lý do khiến các nhóm vận động hành lang ra sức lôi kéo lá phiếu của các nghị sĩ để bảo vệ lợi ích nhóm của họ.

Với tình trạng trên, việc dự luật bị "treo" là điều không tránh khỏi. Chính vì vậy, những tranh cãi trong việc kiểm soát súng đạn sẽ vẫn là bài toán nan giải đối với nước Mỹ ngay cả khi có một nhà lãnh đạo mới vào năm 2016.

Theo Phan An (Tin tức/TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm