Những chuyến tàu chở vẻ đẹp Bắc Trung Bộ

21/12/2016 08:48 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Du lịch Bắc Trung Bộ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ; theo đó là hàng loạt dịch vụ vận chuyển “nở rộ” để giải quyết nhu cầu di chuyển của khách hàng nói chung và khách du lịch nói riêng với thời gian nhanh nhất có thể. Nhưng dường như, với Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung Bộ, sự trải nghiệm cảnh đẹp của khu vực này trên những chuyến tàu hỏa truyền thống lại có một sức hút kỳ lạ với những người thích khám phá vẻ đẹp của đất nước.

Nếu ai đã từng nói rằng Việt Nam có nét riêng mà không quốc gia nào có được chính là những chuyến tàu hỏa nối liền các tỉnh thì điều đó quả là không sai. Chỉ nói riêng tuyến từ Hà Nội vào Bắc Trung Bộ hiện có nhiều ga xe lửa đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách.

Tính về độ thuận tiện làm thủ tục khi đi một quãng đường ngắn tới những địa danh của Bắc Trung Bộ đi bằng máy bay không hẳn là sự lựa chọn tốt nhất. Bởi từ trung tâm Hà Nội tới sân bay Nội Bài phải mất hơn 1 tiếng chưa kể thời gian làm thủ tục và chờ đợi; cũng như khả năng bị lùi thời gian bay vì nhiều lý do.

Trong khi đó, nếu lựa chọn hình thức du lịch bằng tàu hỏa sẽ rất thuận tiện….bởi khách hàng có thể làm thủ tục ở nhiều ga tàu khác nhau và hiếm khi bị lùi thời gian tàu khởi hành. Dựa vào cuốn sổ tay 2013 do Bộ Giao Thông Vận tải phát hành có thể thấy, từ Bắc vào Nam, từ Hà Nội tới các tỉnh Bắc Trung Bộ, Việt Nam có tới hàng trăm ga tàu, thuận tiện đối với việc làm thủ tục của khách du lịch.


Các tỉnh Bắc Trung Bộ có nhiều danh lam thắng cảnh để thu hút du khách trong và ngoài nước (Ành: Cầu Trường Tiền, Huế).

Dọc theo hình chữ S, điểm đến đầu tiên từ Hà Nội tới Khu vực Bắc Trung Bộ chính là tỉnh Thanh Hóa. Địa phương nằm trên trục giao thông Bắc – Nam, tọa lạc tại vùng đất cổ của hai nền văn hóa Núi Đọ và Đông Sơn, Thành phố Thanh Hóa. Đây là nơi hội tụ của nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng với di tích lịch sử văn hóa đa dạng và giàu truyền thống cách mạng gồm 26 di tích cấp quốc gia và 67 di tích cấp tỉnh.

Thanh Hóa hiện là một trong số tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch ở nhiều loại hình khác nhau: du lịch về nguồn; cộng đồng; tâm linh và nghỉ dưỡng. Nơi đây có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng: cầu Hàm Rồng; động Long Quang; đồi C4; làng cổ Đông Sơn; chùa Phạm Thông, Thiền Viện Trúc Lâm. Đây cũng là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống: làng hoa Đông Cương; nghề làm nem chua; làng nghề sản xuất bánh đa nem; làng nghề sản xuất hoa giấy…

Ngoài du lịch truyền thống, mới đây, Thanh Hóa được đầu tư Quần thể Du lịch Nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn với chuẩn 5 sao. Tại đây, 2 khu Fusion Resort Sầm Sơn và À La Carte Sầm Sơn là khu nghỉ dưỡng mới, đẳng cấp của Bắc Trung Bộ Việt Nam.

Khu nghỉ có đầy đủ tiện ích từ các dịch vụ spa chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm ẩm thực độc đáo; các câu lạc bộ trên biển cùng một hồ bơi trong nhà để du khách có thể thư giãn trong mùa đông. À La Carter Sầm Sơn sẽ cung cấp 350 phòng nghỉ với nhiều lựa chọn từ biệt thự tới căn hộ và tiện ích sẵn có để phục vụ nhu cầu khác nhau từ khách du lịch cá nhân đến khách đoàn lớn….

Xuôi theo những con tàu, qua Thanh Hóa du khách có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh đẹp của vùng đất Nghệ An. Đây không chỉ nổi tiếng với những phong cảnh hữu tình mà còn được biết đến bởi nhiều di tích mang đậm nét lịch sử, văn hóa của dân tộc mà hình ảnh quen thuộc với mỗi người dân Việt chính là Làng Sen, mảnh đất sinh ra lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Hồ Chí Minh.

Tới vùng đất này, du khách không thể bỏ qua cảnh đẹp khác: đền Cờn; núi Mộ Dạ; Giếng Ngọc Mỵ Châu; Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du; Khu du lịch Hồ Cửa Nam; đền Hồng Sơn; đền Quả Sơn…

Qua Nghệ An, khách du lịch tiếp tục đến với Hà Tĩnh, mảnh đất có vị trí địa lý quan trọng. Phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An; phía Nam giáp Quảng Bình; phía Tây giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và phía Đông giáp Biển Đông. Đây là cầu nối của hai miền Nam, Bắc với Lào, Thái Lan và các nước ASEAN. Hà Tĩnh là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú với nhiều bãi tắm đẹp: Thiên Cầm, Xuân Thành, Đèo Con…

Đây là quê hương của nhiều lãnh đạo nổi tiếng của Việt Nam cũng như đại thi hào và lương y vang bóng một thời: cố Tổng Bí thư Trần Phú; cố Tổng bí Thư Hà Huy Tập; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; Đại thi hào Nguyễn Du. Đặc biệt, nơi đây có khu di tích trở thành biểu tượng về lòng yêu nước, ý trí, sức mạnh của thế hệ trẻ Việt Nam: Ngã ba Đồng Lộc; một trong những điểm chiến lược quan trọng trong huyết mạch giao thông của hậu phương miền Bắc với chiến trường Miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Không những vậy, nếu ai yêu dòng nhạc cách mạng chắc không thể không biết đến bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”. Đây là bài hát gắn liền với địa danh hồ Kẻ Gỗ của tỉnh Hà Tĩnh. Với hơn 12.000 ha rừng trồng và rừng tự nhiên cùng 300 loài gỗ với nhiều loài động vật quý, Hồ Kẻ Gỗ là hồ thủy lợi quan trọng, điểm du lịch sinh thái, lý tưởng. Địa phương được biết đến với nhiều đặc sản; điệu ví dặm nổi tiếng: ví dặm Nghệ Tĩnh; kẹo Cu Đơ; bưởi Phúc Trạch; cam Bù Hương Sơn.

Từ Hà Tĩnh dọc theo chiều dài đất nước, khách du lịch đến với tỉnh Quảng Bình, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vùng đất này gắn liền với những con đường lịch sử: Đèo Ngang đã được đi vào thi ca với bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan. Nơi đây còn nổi tiếng với Động Phong Nha – Kẻ Bàng, hang Sơn Đòong tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, là một trong những hang động tự nhiên lớn nhất thế giới….

Theo những chuyến tàu hỏa, rời Quảng Bình du khách tới tỉnh Quảng Trị, địa phương gắn liền với thời kỳ “bom, đạn” của đất nước. Nằm ở trung đoạn miền Trung Việt Nam, Quảng Trị là nơi giao điểm của hành lang Bắc Nam (Quốc Lộ 1A; đường Hồ Chí Minh, đường sắt với hành lang Đông Tây). Đây có thể coi là cửa ngõ quan trọng thu hút khách du lịch các tiểu vùng sông Mekông vào Miền Trung Việt Nam, là điểm kết nối du lịch hành lang Đông Tây với con đường di sản Miền Trung. Chiến tranh đã đi qua để lại một hệ thống di tích lịch sử đồ sộ trên đất Quảng Trị.

Những địa danh đã đi vào huyền thoại: Hiền Lương – Bến Hải; thành cổ Quảng Trị; đường 9 Khe Sanh, Nhà tù Lao Bảo, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đảo Cồn Cỏ, nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn; Đường 9. Theo đó, Quảng Trị xây dựng được tuyến du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa” gồm những sản phẩm du lịch độc đáo thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Bên cạnh đó, vùng đất này còn có tiềm năng phát triển du lịch biển; du lịch cộng đồng nhờ được thiên nhiên ưu đãi cảnh đẹp: bãi biển Cửa Việt – Cửa Tùng; Vĩnh Thái – Mỹ Thủy; Khu du lịch cộng đồng suối nước nóng Klu; cụm di tích Đôi Bờ; lễ hội Tổ đình Sắc Tứ; lễ hội Kiệu La Vang….

Kết thúc hành trình Bắc Miền Trung, đoàn tàu đưa du khách đến với tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây được biết đến là một thành phố lịch sử với cảnh quan thơ mộng và lãng mạn. Huế vốn là thủ phủ của các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, một thời kinh đô của triều đại Tây Sơn và sau đó là kinh đô của nước Việt Nam dưới triều Nguyễn. Kinh thành Huế được khảo sát thiết kế từ năm 1803, khởi công năm 1805 và hoàn thành cơ bản vào năm 1832. Kinh thành Huế là thành quách có hình dạng gần vuông; mỗi cạnh 2.500m.

Các cửa của Kinh thành Huế được người xưa đặt tên theo phương vị và đối xứng nhau từng đôi một. Từ năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận Di sản văn hoá Thế giới. Ngoài ra, Huế còn nổi tiếng với nhiều làng nghề và món ăn dân dã truyền thống: làng đan lát mây tre Thuỷ Lập; làng đan lát Bao La; làng nghề chế biến nước mắm Tân Thành; bánh lọc; bánh Nậm; bún Bò Huế; bánh Khoái; bún thịt nướng; bánh ướt thịt nướng...

Với những lợi thế như trên, thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ đã liên kết để đưa ra những sản phẩm, tour du lịch phù hợp nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng địa phương. Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hệ thống nghỉ dưỡng với quy mô, chất lượng quốc tế. Song song với đó, một loạt hoạt động quảng bá hình ảnh đẹp của khu vực Bắc Trung Bộ được Tổng cục Du lịch tổ chức ở các thành phố lớn khác nhau: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.

TTXVN/Hải Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm