Nhật Hoàng Akihito 'nghỉ hưu', tiết lộ bí ẩn về hoàng gia 2.600 năm

09/06/2017 15:25 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Nhật Bản đã thông qua luật qua đó cho phép Nhật Hoàng Akihito (83 tuổi) thoái vị. Như vậy, đây là cuộc thoái vị đầu tiên trong Hoàng gia Nhật Bản hơn 2 thế kỷ qua.

Mùa Hè năm ngoái, Nhật Hoàng Akihito đã gây sốc khi ông bày tỏ mong muốn được "về vườn" với lý do tuổi tác và sức khỏe suy giảm sau gần 3 thập kỷ ngồi trên Ngai Hoa Cúc (Chrysanthemum Throne).

Chú thích ảnh
Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko

Mong muốn bất ngờ của Nhật Hoàng đã đặt ra một thách thức khi Nhật Bản không có luật đề cập đến chuyện nghỉ hưu của Hoàng đế khi đây được coi là công việc cả đời.

Thời gian qua, Nhật Hoàng Akihito đã trải qua phẫu thuật tim và điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Nhiều khả năng Ngài sẽ truyền ngôi cho con trai cả là Hoàng thái tử Naruhito.

Gia đình Hoàng gia Nhật Bản được tin là hình thành sớm nhất thế giới, từ cách đây hơn 2.600 năm. Tuy nhiên, lịch sử gia đình Hoàng gia ở xứ Phù Tang vẫn luôn nằm trong bí ẩn và người ta chỉ biết được một số điều về hoàng tộc này.

Chú thích ảnh
Gia đình Hoàng thái tử Naruhito

Akihito là vị Hoàng đế thứ 125 của Nhật Bản, kế vị Hoàng đế Jimmu, vốn được biết đến là hậu duệ của nữ thần mặt trời huyền thoại Amaterasu.

Các Hoàng đế đóng vai trò quan trọng trong tôn giáo Shinto của Nhật Bản, tiến hành các nghi lễ thường niên và cầu nguyện cho sự thịnh vượng của đất nước.

Mối đe dọa lớn nhất tới lịch sử lâu dài của gia đình Hoàng gia là sự thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II.

Một số nước đồng minh muốn chấm dứt chế độ quân chủ ở Nhật Bản, tuy nhiên Douglas MacArthur, Tướng Mỹ chỉ huy cuộc chiếm đóng Nhật Bản hậu Thế chiến II của lực lượng đồng minh, đã kêu gọi giữ lại nền quân chủ ở đất nước này dù quyền lực của Hoàng gia đã bị hạn chế.

Chú thích ảnh
Gia đình Hoàng tử Akishino

Hiến pháp do Mỹ đặt ra đã tước đi vị thế linh thiêng của Hoàng đế Nhật Bản và biến ông trở thành một "biểu tượng" quốc gia và coi đây như một phần trong khuôn khổ dân chủ hóa triệt để.

Không giống với nhiều nước có nền quân chủ khác, ở Nhật Bản không có trào lưu cộng hòa và Hoàng đế cùng gia đình Hoàng gia vẫn giành được sự ngưỡng mộ đặc biệt của phần lớn dân chúng.

Hoàng đế Akihito và Hoàng hậu Michiko đã tới thăm nhiều nơi chịu thảm họa thiên nhiên để an ủi các nạn nhân, đặc biệt là sau trận động đất kinh hoàng, sóng thần và thảm họa hạt nhân xảy ra ở Nhật Bản hồi năm 2011.

Chú thích ảnh
Hoàng tử Hisahito (10 tuổi), con trai Hoàng tử Akishino

Akihito, con trai của Hoàng đế Hirohito, liên tục cảnh báo rằng Nhật Bản không được coi nhẹ chủ nghĩa quân phiệt trong thế kỷ 20 và những hành động trong Thế chiến II. Lời nhận xét của Ngài dường như là một sự khiển trách với lập trường chủ nghĩa dân tộc của Thủ tướng Shinzo Abe và các nhà bảo thủ mang cùng quan điểm.

Gia đình Hoàng gia hoạt động theo các nguyên tắc kế thừa, ngôi vị chỉ truyền cho các hoàng tử, dù trong các thế kỷ qua Nhật Bản đã có 8 Nữ hoàng.

Khi Nhật Hoàng Akihito thoái vị, con trai cả của Ngài là Hoàng thái tử Naruhito sẽ nối ngôi. Em trai Hoàng thái tử là Hoàng tử Akishino sẽ là người kế vị Naruhito và tiếp đó là Hoàng tử Hisahito (10 tuổi), con trai Hoàng tử Akishino.

Nhật Bản: Nhật hoàng sắp thoái vị, trao quyền cho Thái tử

Nhật Bản: Nhật hoàng sắp thoái vị, trao quyền cho Thái tử

Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 19/5 đã thông qua nội dung dự luật cho phép Nhật hoàng Akihito thoái vị và chuyển giao quyền lực cho Thái tử Naruhito.

Nếu Hoàng tử Hisahito chỉ có con gái thì gia đình Hoàng gia sẽ gặp khủng hoảng về người kế vị, trừ khi luật được thay đổi.

Tuấn Vĩ
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm