Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Dạy con đúng cách từ thuở còn thơ…

25/06/2022 11:06 GMT+7 | Tin tức 24h

Gia đình Việt Nam luôn coi trọng việc giáo dục con cái. Việc nuôi dạy được những đứa con chăm ngoan, thành đạt luôn được coi là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình. Tuy vậy, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, hội nhập mạnh mẽ như ngày nay, phụ huynh dạy con cũng cần có phương pháp đúng đắn để trẻ nhỏ phát huy hết các thế mạnh về cả thể chất, tinh thần, kỹ năng…

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc

Người ta thường nói “Có một nơi để về, đó là nhà; Có những người để yêu thương, đó là gia đình; Có được cả hai, đó là hạnh phúc”.

“Uốn cây từ thuở còn non”

Mới đây, trên các diễn đàn mạng xã hội xôn xao câu chuyện là bạn nữ lái xe máy di chuyển qua một khu phố bị một số trẻ nhỏ nghịch ngợm ném đá văng vào xe. Bạn nữ đã dừng xe nói chuyện và hy vọng nhận được lời xin lỗi từ các cháu. Tuy nhiên, những lời bạn nhận được lại là vô số “gạch đá” khá khó nghe từ một số ông bà lớn tuổi khi cho rằng các cháu đều là “trẻ con chả biết gì” và “không cần xin lỗi”, “xe đi qua phải để ý”… Sự việc được bạn nữ này đưa lên mạng xã hội, đông đảo cư dân mạng đã vào bình luận, khẳng định cách ứng xử của ông bà bênh “chằm chặp” các cháu bé phạm lỗi ở đây là chưa phù hợp. Dù cháu còn bé nhưng khi làm sai, người lớn phải phân tích để các cháu biết lần sau không lặp lại. Việc ông bà bênh vực hành vi sai trái sẽ gây ảnh hưởng xấu đến việc hình thành nhân cách của chính các cháu bé trong tương lai…  

Cha ông ta có câu “Uốn cây từ thuở còn non” hay “Dạy con từ thuở còn thơ” với hàm ý ông bà, cha mẹ cần uốn nắn, dạy dỗ con, cháu các kỹ năng sống cần thiết ngay khi còn nhỏ bởi những việc này đặc biệt quan trọng, quyết định nhân cách các bé sau này. Trường hợp nêu trên cũng chính là bài học kinh nghiệm cho rất nhiều ra gia đình về việc dạy dỗ con cái, nên rèn giũa, uốn nắn để những đứa trẻ biết cách ứng xử khi phạm lỗi, từ đó trẻ hình thành kỹ năng đúng đắn để vượt qua khó khăn trong tương lai.

Chú thích ảnh
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đều khẳng định rằng: Gia đình là nhân tố đầu tiên và ảnh hưởng mạnh nhất đến quá trình trưởng thành, nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân. Con người được sinh ra và lớn lên từ gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và quan trọng hơn là được học những bài học đầu tiên về xã hội từ cuộc sống gia đình. Để phát huy vai trò của gia đình trong công tác giáo dục trẻ em, cha mẹ phải là tấm gương về đời sống đạo đức để con cái học tập và noi theo. Gia đình trở thành phải là môi trường đúng đắn, thuận tiện cho sự phát triển nhân cách của con cái.

Theo nhiều chuyên gia, cách dạy dỗ con cái trong mỗi gia đình hiện nay đã có nhiều thay đổi so với trước. Thay vì dạy con nhất nhất nghe lời người lớn mới là đứa trẻ ngoan, nay nhiều gia đình dạy con các kỹ năng từ nhỏ như: tự lập, kỹ năng giao tiếp; dạy con về lòng nhân ái, biết giúp đỡ người khác; quản lý tiền bạc; kỹ năng bảo vệ bản thân…

Các chuyên gia cũng cho rằng, cha mẹ nên tạo cơ hội thuận lợi cho trẻ thể hiện bản thân, đóng góp ý kiến vào công việc trong gia đình, thậm chí tự quyết định một số công việc phù hợp với từng lứa tuổi dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Chỉ có tự trải nghiệm, các em mới luôn ý thức được công việc cần làm, có trách nhiệm với lời nói, hành động của mình…
 
Thực tế cho thấy, không phải gia đình nào cũng dạy cho trẻ hiểu biết, thực hành tốt các kỹ năng như vậy. Bởi hầu hết các gia đình hiện nay đều chỉ có từ 1-2 con, thậm chí nhiều nhà chỉ sinh một con nên trẻ nhỏ thường được ông bà, bố mẹ yêu chiều hết mực. Nhiều em không phải "đụng tay” làm bất cứ việc gì, thậm chí có trẻ “muốn gì được nấy”… Nhưng có những gia đình lại quá khắt khe với con, áp đặt, thường xuyên trừng phạt nếu con làm sai hoặc không nghe lời.

Các chuyên gia phân tích: Việc cha mẹ quá nuông chiều hay quá nghiêm khắc với con đều dẫn đến hại nhiều hơn lợi. Bởi lẽ, khi quá được nuông chiều, trẻ sẽ sinh ra cảm giác là trung tâm, dễ ỉ lại, hay tức giận vì mong muốn không được đáp ứng, không tự lập, không có kỷ luật, không thích giúp đỡ người khác. Thậm chí, sẽ đến lúc, chúng tỏ thái độ không tôn trọng chính ông bà, bố mẹ.

Ngược lại, nếu cha mẹ, ông bà quá nghiêm khắc sẽ dẫn đến trẻ hay sợ sệt, tự ti, lầm lì, ít giao tiếp, không mạnh dạn tham gia các hoạt động tập thể vì sợ làm sai sẽ bị phạt, nhiều trẻ học kém. Khi lớn lên, trẻ sẽ sinh ra nói dối hoặc có tư tưởng chống đối, thậm chí có hành vi tiêu cực để thoát khỏi sự “kìm kẹp” của gia đình.

Giúp cha mẹ đồng hành làm bạn cùng con

Lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm làm cha mẹ là việc ai cũng phải làm và làm được dễ dàng mà không cần qua trường lớp nào. Thực tế cho thấy là nếu muốn yêu thương, dạy dỗ, chăm sóc con đúng cách, các bậc phụ huynh cũng cần phải học.

Theo Vụ gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nhiều cha mẹ vẫn thiếu thông tin khoa học và sự hỗ trợ cần thiết để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Điều này dẫn đến một số thực trạng đáng lo ngại vẫn còn phổ biến tại Việt Nam như: cha mẹ vẫn chưa dành thời gian cho con đúng mực (hơn 1/3 trẻ em từ 2 - 4 tuổi chưa được phụ huynh dành đủ thời gian để tương tác và hỗ trợ trẻ phát triển từ giai đoạn sớm). Tỷ lệ trẻ có tương tác với bố vẫn còn rất thấp so với mẹ. 70% trẻ em vẫn chịu các hình thức bạo lực về tinh thần hoặc thể chất, khả năng tiếp cận đầy đủ đồ chơi và tài liệu học tập hỗ trợ sự phát triển từ giai đoạn sớm của trẻ dưới 5 tuổi còn hạn chế... (theo kết quả điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em của Tổng cục Thống kê và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF)…

Chú thích ảnh
Bố mẹ cần vui chơi cùng trẻ. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Do đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Generali Việt Nam đã cho ra mắt Chương trình giáo dục cộng đồng “Sinh con, sinh cha” nhằm trợ giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nuôi dạy con, qua đó đóng góp cho sự phát triển toàn diện, thúc đẩy thực hiện các quyền của trẻ em.

“Sinh con, sinh cha” tập trung xây dựng các nội dung giáo dục cộng đồng về ba chủ đề chính: “Cùng con lớn khôn” (trí tuệ), “Cùng con hành xử” (hành vi) và “Cùng con sống khỏe” (sức khỏe) cho trẻ từ 0 - 6 tuổi. Những nội dung này được lan tỏa và truyền tải thông qua chuỗi video tiểu phẩm phát hành trực tuyến với sự tham gia của Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc - Đại sứ thiện chí của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam thu hút sự chú ý, tương tác của hàng triệu phụ huynh. Bên cạnh đó, bộ tài liệu về làm cha mẹ do các chuyên gia biên soạn rất phong phú, hữu ích được lan tỏa trên nền tảng trực tuyến cùng với hội thảo diễn ra ở nhiều trường học.

Ban Tổ chức chương trình đã tiến hành đánh giá tác động của chương trình với khảo sát độc lập do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Kết quả khảo sát đã chứng minh hiệu quả tích cực với mục tiêu nâng cao nhận thức, hướng dẫn, đồng hành và chia sẻ thử thách trên hành trình nuôi dạy trẻ cùng cha mẹ. Khoảng 85% phụ huynh đánh giá chương trình giúp họ nâng cao kiến thức và kỹ năng nuôi dạy trẻ cho mỗi nội dung tập huấn. Có tới 97% phụ huynh đã thay đổi cách thức chăm sóc nuôi dạy con theo các gợi ý của chương trình. “Sinh con, sinh cha" giúp 97% phụ huynh cảm thấy giảm thiểu áp lực trong việc làm cha mẹ…

Các kết quả khảo sát cũng cho thấy, chương trình tiếp cận rất tốt với các phụ huynh nam với mức tăng về kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con cao hơn phụ huynh nữ trong nhiều nội dung quan trọng. Đó là dành thời gian chất lượng cho con, đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, kiểm soát cơn giận, bảo vệ trẻ khỏi các hình thức xâm hại…Từ đó giúp trẻ nhận được sự chăm sóc, giáo dục hài hòa hơn từ cả bố và mẹ để có thể phát triển toàn diện.

Nối tiếp thành công của giai đoạn thí điểm 2020 - 2021, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Generali Việt Nam đang gấp rút đẩy mạnh các hoạt động giai đoạn 2022 - 2023. Chương trình dự kiến sẽ tiếp cận thêm 4.000 cha mẹ, trẻ em và các cán bộ, giáo viên mầm non thông qua các hội thảo được tổ chức trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố. Chương trình mong muốn phát triển các nội dung, lan tỏa trên các kênh trực tuyến và mạng xã hội; cho ra mắt chuỗi 12 video tiểu phẩm giáo dục mới...

Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: Đại hội XIII của Đảng xác định “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc chính là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc. Xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người. Đó cũng chính là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường và đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc…

Thanh Giang/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm