Một thành phố thuộc tỉnh Bình Dương có tới hơn 500 doanh nghiệp nguy cơ cao gây ô nhiễm

05/03/2022 06:54 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Sông Sài Gòn chảy qua địa bàn thành phố Thuận An có chiều dài khoảng 13,6 km qua các phường Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm và xã An Sơn.

Cá chết bất thường trên thượng nguồn sông Sài Gòn

Cá chết bất thường trên thượng nguồn sông Sài Gòn

Theo thông tin từ những ngư dân, rạng sáng 6/7, khi phát hiện cá nổi dày đặc mặt sông, hàng trăm hộ dân đã đổ xô đi vớt cá. Người bơi ghe, người lội sông, người thì ngồi trên bờ dùng rổ, vợt để vớt hoặc hốt cá bằng tay không....

Hiện tỉnh Bình Dương đang triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp phát triển trục ven sông Sài Gòn để nâng tầm đô thị và sớm di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nằm ngoài khu, cụm công nghiệp tại thành phố Thuận An.

Theo quy hoạch, tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối từ cầu Bà Lụa (thành phố Thủ Dầu Một) đến cầu Vĩnh Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) có chiều dài 13,2 km đã triển khai các dự án dọc sông Sài Gòn gồm: Khu dân cư và tái định cư xã An Sơn; Khu nhà ở cao tầng Eden - Thuận An; công viên ven sông Sài Gòn; công trình giao thông; hệ thống cảng, bến thủy nội địa...

Hành lang ven sông Sài Gòn từ sông Vĩnh Bình, phường Vĩnh Phú tới cảng An Sơn được quy hoạch là trục cảnh quan quan trọng của thành phố, tính chất của hành lang này là phát triển hỗn hợp cao tầng đa chức năng như thương mại - dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và các tổ hợp nhà ở - dịch vụ chất lượng cao gắn với sông Sài Gòn.

Chủ tịch UBND thành phố Thuận An (Bình Dương) Nguyễn Thanh Tâm cho biết, để Thuận An trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn phía Nam của tỉnh, đóng vai trò đô thị kết nối với khu vực phía Bắc và là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh, thành phố sẽ tập trung công tác chỉnh trang đô thị; giữ hệ sinh thái du lịch; quan tâm phát triển Vườn cây ăn trái Lái Thiêu để xây dựng đặc trưng phát triển du lịch sinh thái.

Chú thích ảnh
Nhiều bãi khai thác, tập kết vật liệu sát mép bờ sông Sài Gòn, quận 12. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Tỉnh cũng đề nghị đơn vị tư vấn cần nghiên cứu thêm việc kết nối thành phố Thuận An với Thành phố Hồ Chí Minh qua các cửa ngõ chính; quan tâm nguồn lực để đạt các tiêu chí đô thị loại II, trong đó có quy hoạch hệ thống cây xanh, số lượng không gian công cộng, đèn chiếu sáng; nâng cấp quy mô đường trục ven sông Sài Gòn cho phù hợp với phân cấp cao tầng; phát triển du lịch ven sông Sài Gòn gắn kết với các địa phương khu vực phía Nam của tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh; quy hoạch xây dựng tuyến phố đi bộ, chợ đêm ven sông Sài Gòn để tạo không gian đô thị hỗn hợp…

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tâm, hiện thành phố có hơn 500 doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đa số các doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có vốn đầu tư ít, diện tích mặt bằng hạn chế. Công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, việc xử lý chất thải chưa được đầu tư thỏa đáng gây tác động xấu đến cộng đồng dân cư và khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát, không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và công nghiệp tại địa phương, cần sớm di dời.

Từ năm 2017, UBND thành phố đã kiểm tra 786 doanh nghiệp, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, xử phạt vi phạm hành chính 224 trường hợp. Đến nay, còn 37 trường hợp chưa thực hiện đầy đủ các nội dung của quyết định xử phạt. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã thống kê có khoảng 505 doanh nghiệp, cơ sở nằm ngoài khu, cụm công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu gồm các ngành nghề: Sản xuất đồ gỗ, gia công cơ khí, sản xuất các sản phẩm nhựa, gốm sứ, kinh doanh phế liệu…

Trong thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp tại các phường An Phú, Bình Chuẩn, Thuận Giao, Bình Hòa đã thực hiện di dời và chuyển đổi công năng sử dụng đất sang phát triển thương mại - dịch vụ, nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt và phù hợp theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

UBND thành phố kiến nghị tỉnh sớm ban hành quy định về những nguyên tắc, cơ sở pháp lý, tiêu chí để xem xét cho chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian di dời của doanh nghiệp để có cơ sở vận động các doanh nghiệp di dời nhà xưởng nằm ngoài khu, cụm công nghiệp đến các khu, cụm công nghiệp phía Bắc của tỉnh hoặc các địa điểm khác phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành và đảm bảo công tác bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, trong tháng 3/2022, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành các tiêu chí di dời. Thuận An sẽ là địa phương thí điểm việc di dời cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp, trong đó vận động các doanh nghiệp, tập đoàn lớn thực hiện di dời để tạo quỹ đất lớn cho Thuận An phát triển thương mại - dịch vụ.

Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chưa thực hiện di dời do vướng mắc cơ chế, chính sách thì tỉnh cần sớm ban hành cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp di dời. Đối với những doanh nghiệp đầu tư nằm ngoài khu, cụm công nghiệp đã hết thời gian sử dụng đất thì không gia hạn thời gian sử dụng đất.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu khi phát triển trục ven sông Sài Gòn và di dời các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp, thành phố Thuận An cần quan tâm đến công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị và nhà ở cho công nhân; sửa chữa các khu nhà ở đã không còn đạt chuẩn; xây dựng thêm các công trình văn hóa thể thao, các công viên công cộng để phục vụ nhu cầu của người dân thành phố.

Thành phố cũng cần xây dựng phương án chuyển đổi công năng các quỹ đất để tạo sự đồng thuận của các doanh nghiệp trong việc di dời các cơ sở sản xuất; lựa chọn một doanh nghiệp để thí điểm di dời.

Huyền Trang/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm