Mối liên hệ giữa các biến thể của SARS-CoV-2 và triệu chứng Covid kéo dài

31/03/2022 15:41 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Các triệu chứng COVID kéo dài có thể khác nhau căn cứ vào loại biến thể của virus SARS-CoV-2 mà người bệnh mắc phải. Dự kiến kết quả nghiên cứu sơ bộ về vấn đề này sẽ được công bố tại Hội nghị châu Âu về vi sinh lâm sàng và bệnh truyền nhiễm trong tháng 4.   

Biến thể BA.2 có thể nguy hiểm hơn với trẻ em

Biến thể BA.2 có thể nguy hiểm hơn với trẻ em

Một nghiên cứu mới về mức độ nghiêm trọng của biến thể BA.2 đối với trẻ em ở Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy biến thể này nguy hiểm với trẻ em hơn các biến thể khác hoặc so với virus cúm thông thường và virus parainfluenza gây các bệnh về đường hô hấp.

Các nhà khoa học Đại học Florence đã tiến hành phân tích dữ liệu của 428 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và sau đó được điều trị hậu COVID ngoại trú tại Bệnh viện Đại học Careggi (Italy) trong giai đoạn từ tháng 6/2020-6/2021.

Trong số đó, 59% bệnh nhân là nam giới và tuổi trung bình là 64. Thời gian nhập viện trung bình là 10 ngày và thời gian theo dõi trung bình sau khi xuất viện là 53 ngày.   

Kết quả nghiên cứu cho thấy 76% bệnh nhân có ít nhất một triệu chứng COVID kéo dài dai dẳng. Những triệu chứng thường gặp nhất là khó thở (37%), mệt mỏi mãn tính (36%), mất ngủ (16%), rối loạn thị giác (13%) và sương mù não (13%).   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã nhận thấy có nhiều sự khác biệt trong các triệu chứng ghi nhận tùy thuộc thời điểm mắc bệnh. Theo đó, tình trạng khó thở, đau nhức cơ bắp, mất ngủ, sương mù não và lo lắng/trầm cảm ở người bệnh được ghi nhận khi Alpha là biến thể lây nhiễm chủ đạo (từ tháng 1-4/2021) cao hơn đáng kể so với thời điểm chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu là chủ đạo (tháng 3-12/2020). Ngoài ra, các triệu chứng mất khứu giác, khó nuốt và suy giảm thính lực cũng ít phổ biến hơn trong giai đoạn làn sóng dịch do biến thể Alpha.   

Một phân tích đa biến khác cũng ghi nhận một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển triệu chứng COVID kéo dài, gồm sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, giới tính nữ và phải hỗ trợ oxy tăng cường. Đáng chú ý, bệnh nhân tiểu đường type 2 có nguy cơ mắc triệu chứng kéo dài thấp hơn, dù các nhà nghiên cứu lưu ý cần có thêm nhiều nghiên cứu khác nữa về vấn đề này.   

Theo các tác giả nghiên cứu, đây là lần đầu tiên các triệu chứng COVID kéo dài được ghi nhận có liên quan đến các biến thể virus khác nhau. Tuy nhiên, các tác giả thừa nhận vẫn có nhiều hạn chế trong nghiên cứu, như không thể chứng minh được nguyên nhân và hệ quả, cũng như thực tế không thể xác nhận được người bệnh mắc biến thể nào.

Nhà nghiên cứu Michele Spinicci, một trong các tác giả, nhận định, trong tương lai “cần tập trung vào những nguy cơ tiềm tàng của các biến thể đáng quan ngại và tình trạng tiêm chủng" khi nghiên cứu triệu chứng đang diễn ra của người bệnh.

Lan Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm