"Lưu hành vật tư nông nghiệp giả là tội ác"

04/11/2008 10:28 GMT+7 | Thế giới

“Chúng ta không chùn tay khi xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp (VTNN) giả, kém chất lượng. Phải coi hành vi này là tội ác. Không thể để kẻ hám lợi kiếm lời trên sinh mạng của người dân. Để ngăn chặn tình trạng này cần vận dụng tối đa các mức xử phạt nặng như: Rút giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động, truy tố...". Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến tăng cường quản lý chất lượng VTNN tổ chức ngày 3/11.

Xử lý kiểu... “đấm bịch bông”

Cán bộ quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra, lập biên bản thu giữ hàng trăm tấn phân bón giả.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu ra một thực tế đau xót: Có nơi dân bón phải phân rởm nên cà phê chết; cho cá ăn mãi không lớn vì thức ăn rởm nên nuôi đỏ mắt mà không lớn... Điều này không chỉ gây thiệt hại lớn cho người sản xuất, mà còn đe dọa đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của các loại nông sản. “Tôi nhận được nhiều thư của bà con nông dân bày tỏ bức xúc trước thực trạng quản lý thuốc thú y không hiệu quả, nên mua phải nhiều thuốc giả. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tình trạng này...”.

Theo phản ánh của các tỉnh, vấn nạn sản xuất, buôn bán VTNN giả, kém chất lượng đang diễn biến phức tạp. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, Nguyễn Văn Khang cho biết: “Từ đầu năm đến nay, kiểm nghiệm 30 mẫu phân bón thì phát hiện tới 9 mẫu không đạt tiêu chuẩn; kiểm nghiệm 3 mẫu thuốc thú y phát hiện 1 mẫu không đạt tiêu chuẩn”. Còn theo đại diện Sở NN &PTNT tỉnh Lâm Đồng: Địa phương đã phân tích 280 mẫu trong số 3.800 mẫu phân bón, thì có tới 38% số mẫu không đạt tiêu chuẩn”. Thực trạng này được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tại Kỳ họp thứ tư của Quốc hội đang diễn ra.

Cộng với những bức xúc trên thị trường VTNN, mà hội nghị này được Bộ NN & PTNT tổ chức nhằm siết lại việc quản lý trong lĩnh vực này, mà cụ thể là 4 loại: Phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật.

Trong khi vấn nạn VTNN đang “hành hạ” nông dân như vậy, thì các biện pháp xử lý hiện nay giống như... “đấm bịch bông”, nên đối tượng vi phạm không ngại tái phạm. Cũng theo ông Nguyễn Văn Khang, các hình thức xử lý hiện hành mới dừng lại ở phần "ngọn", nghĩa là phát hiện một cửa hàng, hay đại lý nào đó buôn bán VTNN giả, thì mới xử lý cơ sở này, chứ chưa truy đến cùng và xử lý tận gốc những cơ sở sản xuất, nhập khẩu, hoặc cung cấp loại vật tư này cho các đại lý. Hơn nữa, xử phạt không nghiêm cộng với khung hình phạt quá nhẹ đang áp dụng, thì không đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Hầu hết những trường hợp vi phạm hiện nay chủ yếu bị xử phạt hành chính, nên nhiều cơ sở sẵn sàng chịu phạt để tiếp tục tồn tại.
 
“Mạnh tay” phạt nặng
 
Với những giải pháp đưa ra khá mới tại cuộc họp lần này, các đại biểu hy vọng sẽ làm chuyển biến tình hình. Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Phạm Quang Viễn, đề nghị tăng cường ngăn chặn các loại VTNN rởm ngay từ biên giới, tránh tình trạng hiện nay là ngại bắt giữ vì lo không có kinh phí tiêu hủy. Bộ trưởng Cao Đức Phát cam kết sẽ sớm có văn bản gửi Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng chức năng, các địa phương làm mạnh việc này ngay từ biên giới.

Phát hiện hơn 230 tấn phân bón không công bố tiêu chuẩn chất lượng

Ngày 3/11, lãnh đạo Chi cục quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết, Đội QLTT Bình Chánh tiến hành kiểm tra Công ty TNHH hóa chất Đại Nam (A10/20 Nguyễn Cửu Phú, ấp 1, xã Tân Kiên, Bình Chánh) khi tại đây đang sản xuất phân bón và phát hiện có 4.647 bao (50 kg/bao) phân bón hữu cơ sinh học cao cấp hỗn hợp không công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
 
Ngoài ra, tại công ty còn có 10.000 kg phân bón vi lượng hữu cơ cao cấp. Lực lượng kiểm tra đã lập biên bản vi phạm trên của công ty đồng thời lấy mẫu 2 loại phân bón trên để kiểm định thành phần, định lượng đã được thể hiện trên bao bì.
Khi phát hiện các đại lý, cửa hàng lưu hành, buôn bán VTNN giả, kém chất lượng, thay vì xử phạt xong cho tiêu thụ như hiện hành, thì nay niêm phong, để chờ kết quả kiểm nghiệm, giám định. Khi xác định rõ tính chất vi phạm, sẽ truy đến tận gốc đơn vị sản xuất, cung cấp hàng để xử lý triệt để. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Khi phát hiện các cơ sở sản xuất, cung cấp VTNN giả ra thị trường, nếu không thuộc phạm vi quản lý của địa phương, tôi mong chính quyền các cấp phản ánh với bộ. Cá nhân tôi cam kết sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng tìm đến tận doanh nghiệp sản xuất, tàng trữ để xử lý tới cùng...”.

Các địa phương, điển hình như: Hà Nội, Lâm Đồng, Hà Nam... đều đề nghị tăng thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xử phạt cho chính quyền cấp xã, cấp huyện. Nếu trông chờ cấp tỉnh, trung ương thì không đủ sức xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Bộ NN&PTNT chấp thuận cách làm này, đồng thời lưu ý các địa phương chú trọng vận dụng tối đa các quy định của pháp luật hiện hành để áp dụng nhiều hình thức xử lý “mạnh tay” như: Rút giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động, tăng cường xử lý hình sự... Về lâu dài, bộ sẽ đề nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm trong sản xuất, buôn bán, vận chuyển VTNN giả, kém chất lượng theo hướng tăng nặng.

Ngoài ra, để tăng hiệu quả xử lý vi phạm cũng cần tăng cường xây dựng hệ thống phòng kiểm nghiệm VTNN, nhưng việc này cần theo vùng để tránh tốn kém. Một giải pháp nữa cũng được các cơ quan chức năng thống nhất tăng cường thực hiện trong thời gian tới là tuyên truyền để người dân thực sự là “người tiêu dùng thông thái”. Qua đó, họ cùng với cơ quan chức năng chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên thị trường VTNN. Khi dân kiên quyết từ chối tiêu thụ các loại VTNN rởm, thì loại vật tư này không có “đất” lưu hành.

Theo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm