Lời cảnh tỉnh cho những người thích 'việc nhẹ lương cao'

30/09/2022 08:26 GMT+7 | Tin tức 24h

Không có trình độ, nghề nghiệp ổn định, nhiều lao động trong nước đã nhẹ dạ, cả tin vào lời quảng cáo làm việc tại Campuchia với mức thu nhập “khủng” từ 500 USD đến hơn 1.000 USD mỗi tháng. Nhiều người đã tìm cách xuất cảnh trái phép sang nước bạn rồi trở thành nạn nhân của trò lừa mua bán lao động "chui" trên đất khách.

Đưa về nước an toàn hơn 600 công dân bị lừa, môi giới lao động bất hợp pháp tại Campuchia

Đưa về nước an toàn hơn 600 công dân bị lừa, môi giới lao động bất hợp pháp tại Campuchia

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, trong những ngày qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã tích cực trao đổi, hợp tác với các cơ quan chức năng sở tại trong việc hỗ trợ, giải cứu các công dân bị lừa đảo, môi giới lao động trái phép tại Campuchia; đề nghị phía Campuchia không xử phạt hành chính những người này.

Thực tế "việc nhẹ lương cao"

Phần lớn người lao động tự do bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu được bán vào các casino trá hình, hoạt động theo chỉ định bằng hình thức mạo danh các app Shopee, Lazada, Amazon, Tiktok…đánh vào lòng tham của người dân để lừa tiền.

Anh Nguyễn Minh K. (24 tuổi, quê Ninh Thuận) vẫn chưa hết bàng hoàng kể về chặng đường lưu lạc khi bị bán qua 4 công ty tại Campuchia. Sau đó, anh đã được lực lượng chức năng Campuchia giải cứu trao trả về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Đầu tháng 3/2022, khi đang làm công nhân tại tỉnh Bình Dương, anh đã nghe theo lời dụ dỗ của một người quen xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc với lời hứa mức lương hơn 1.000 USD/tháng, được bao ăn ở.

Tuy nhiên, sang đến Campuchia, anh K. đã bị dẫn đến làm việc tại một sòng bạc trá hình. Nghi ngờ bị lừa, anh K. đã liên tục gọi điện cho người đàn ông đưa mình sang Campuchia để xin trở về nước nhưng không liên lạc được. Khi hỏi quản lý, anh mới biết, mình đã bị bán với giá 3.500 USD.

Anh K. kể lại, sau khi làm được 15 ngày ở công ty thứ nhất do không đạt doanh số nên anh đã bị đánh đập, chích điện, bỏ đói. Sau đó, anh bị bán qua công ty thứ 2 và công ty thứ 3 (làm trên app mạo danh Shopee) nhưng tiếp tục không đạt doanh số nên vẫn bị đánh đập, chích điện, bỏ đói 2 ngày và bị bán qua công ty thứ 4, trước khi trốn chạy thoát thân.

Chú thích ảnh
Công dân Việt Nam từ Campuchia về nước. Ảnh: TTXVN

Anh Ngô Tiến L. (28 tuổi, ngụ thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cũng rơi vào tình cảnh như anh K. khi tin vào lời quảng cáo trên mạng xã hội qua Campuchia làm với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Khi đến Campuchia, anh mới biết mình đã trở thành nạn nhân mua bán lao động trái phép. Anh là một trong những nạn nhân may mắn trong vụ 71 người lao động tự do tại Campuchia đã tháo chạy khỏi Casino Lucky 88 và được ngành chức năng Campuchia giải cứu trao trả về nước ngày 21/9/2022.

Anh L. cho biết, nhiệm vụ của anh là lên mạng, trao đổi với khách hàng và dụ dỗ người chơi Tiktok like video, Follow Tiktok; rồi đưa cho họ những nhiệm vụ và cho họ được những phần thưởng đầu tiên. Về sau, do lòng tham, người chơi phải nạp tiền vào và ngày càng nạp số tiền lớn hơn.

Cứ như vậy, làm sao cho người chơi nạp tiền vào càng nhiều thì càng tốt và số tiền này sẽ chạy về tài khoản của công ty. Khi người chơi muốn rút tiền thì tiến hành khóa tài khoản người đó.

Anh L. cũng cho biết, công ty giao chỉ tiêu mỗi ngày 1 tổ (gồm 3 người) doanh thu là 50 triệu đồng, tức 1,5 tỷ đồng/tháng. Khi người làm không đạt doanh số sẽ bị đánh đập, chích điện, bỏ đói và bị bán qua công ty khác với giá cao hơn.

Thượng tá Trần Văn Đông, Trưởng Công an huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay một số lượng rất lớn người lao động Việt Nam xuất cảnh trái phép qua Campuchia để tìm việc làm thông qua các trang mạng xã hội với lời dụ dỗ làm việc nhẹ hưởng lương cao (từ 500 USD đến trên 1.000 USD), tuy nhiên, việc nhận số tiền này là không hề đơn giản.

Lời cảnh tỉnh

Gần đây, các lực lượng chức năng của Campuchia đã tổ chức truy quét tại các casino trá hình. Một số bà con mất việc làm hoặc lợi dụng lúc sơ hở của bảo vệ đã tháo chạy về Việt Nam. Lực lượng Công an, Biên phòng đã làm các thủ tục cần thiết để tiếp nhận và trả về địa phương. Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, từ đầu tháng 9 đến ngày 28/9, đơn vị đã tiếp nhận 100 người dân do lực lượng chức năng Campuchia trao trả qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Thượng tá Trần Văn Đông, Trưởng Công an huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, gia đình và những người có ý định qua Campuchia tìm việc cần cảnh giác trước những rủi ro, mánh khóe của những đối tượng buôn bán lao động ở bên kia biên giới. Trước khi xuất cảnh qua Campuchia (theo đường chính ngạch) để tìm việc làm, mọi người cần tìm hiểu rõ về công việc gì, địa điểm làm việc...Người dân tuyệt đối không nên xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động; đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh chia sẻ, vấn đề đau xót nhất của người lao động tự do ở nước ngoài là đi kiếm tiền nhưng không kiếm được tiền mà gia đình còn phải bỏ tiền chuộc để đền hợp đồng. Đại tá Lê Hồng Vương khuyến nghị, người dân có nhu cầu tìm kiếm việc làm để mưu sinh bên kia biên giới nghiên cứu kỹ trước khi lựa chọn xuất cảnh để tránh những lời dụ dỗ của đối tượng xấu lừa bán lao động ở nước ngoài, nhất là một số thanh niên thích "việc nhẹ lương cao".

Nếu phát hiện các trang mạng xã hội dụ dỗ, lôi kéo hoặc người trực tiếp câu móc dụ dỗ qua Campuchia làm việc bất hợp pháp, người dân hãy trình báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất ở địa phương là Công an và trên biên giới là lực lượng Bộ đội Biên phòng để được giúp đỡ, ngăn chặn kịp thời.

Đại tá Lê Hồng Vương mong muốn, những người được giải cứu trở về từ Campuchia khuyến cáo cho người thân, bạn bè và mọi người về những mối nguy hiểm rình rập khi lao động chui ở nước ngoài, cũng như hành vi vi phạm pháp luật đã được các lực lượng chức năng phân tích, giải thích, từ đó không còn những người ảo tưởng với "việc nhẹ lương cao", bị dụ dỗ rồi rơi vào vòng nguy hiểm.

Thanh Tân/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm