LHQ kêu gọi Trung Quốc, Ấn Độ kiềm chế

18/06/2020 11:14 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Liên hợp quốc (LHQ) ngày 17/6 kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ hết sức kiềm chế sau các cuộc đụng độ xảy ra ở biên giới hai nước mới đây.    

Căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới

Căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Ngày 16/6, quân đội Ấn Độ cho biết 3 binh lính nước này đã thiệt mạng trong một vụ đụng độ xảy ra tại khu vực biên giới với Trung Quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, người phát ngôn LHQ Farhan Haq nhấn mạnh LHQ rất quan ngại sau khi nghe báo cáo về các cuộc đụng độ và thương vong đã xảy ra ở khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đang liên lạc với các bên liên quan để đề nghị tất cả kiềm chế. LHQ cũng hoan nghênh Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí giảm căng thẳng.      

Trước đó, hãng tin AFP của Pháp đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ngày 17/6 đã có cuộc điện đàm về tình hình căng thẳng tại khu vực biên giới giữa hai nước ở Himalaya, đồng thời nhất trí "hạ nhiệt" căng thẳng càng sớm càng tốt.      

Tuy nhiên, truyền thông Ấn Độ ngày 17/6 đưa tin cuộc đàm phán giữa các chỉ huy quân sự của Ấn Độ Trung Quốc nhằm tìm cách giảm căng thẳng ở biên giới hai nước chưa có bước đột phá. Kênh thông tin NDTV của Ấn Độ dẫn nguồn tin quân đội nước này cho biết: "Cuộc đàm phán chưa mang lại kết quả cuối cùng do vẫn chưa có bất kỳ sự thay đổi hay rút quân lập tức tại thực địa". Nguồn tin cho hay các cuộc đàm phán dự kiến sẽ được tiếp tục trong những ngày tới.   

Theo phóng viên TTXVN tại New Dehli, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước láng giềng Ấn Độ-Trung Quốc đang gia tăng, Bộ Viễn thông Ấn Độ đã yêu cầu các công ty viễn thông nhà nước BSNL và MTNL, cũng như các công ty tư nhân, ngừng tất cả các giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như mua sắm thiết bị của những doanh nghiệp này. Điều này có thể sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ của công ty Trung Quốc ZTE.   

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại Gagangir, khu vực biên giới Ấn Độ- Trung Quốc, ngày 17/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong diễn biến liên quan, người phát ngôn Nhà Trắng Kayleigh McEnany ngày 17/6 cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo dõi tình hình giữa các lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc sau khi các cuộc đụng độ xảy ra tại biên giới giữa hai nước. Phát biểu tại cuộc họp báo, bà McEnany cho biết Tổng thống Trump không có kế hoạch chính thức nào về việc làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc.   

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã leo thang sau khi binh lính hai nước đụng độ tại thung lũng Galwan đêm 15/6. Quân đội Ấn Độ cho biết ít nhất 20 binh sĩ nước này đã thiệt mạng. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava, nguyên nhân vụ việc do phía Trung Quốc không giữ cam kết tôn trọng Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) tại thung lũng Galwan.

Người phát ngôn này cũng cho biết cả hai bên đều hứng chịu tổn thất trong vụ đụng độ trên. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng phía Ấn Độ đã vi phạm cam kết giữa hai bên và đã vượt qua LAC để thực hiện "các hoạt động bất hợp pháp và tấn công binh sĩ Trung Quốc". Người phát ngôn này không xác nhận bất cứ thông tin nào về thương vong phía Trung Quốc.

Hải Vân - Huy Lê/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm