Khái niệm chiến lược mới và những thách thức với NATO

04/07/2022 18:55 GMT+7 | Tin tức 24h

Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kết thúc thúc sau ba ngày họp vào tuần trước với việc NATO công bố khái niệm chiến lược mới. Sự kiện này được coi là mang tính bước ngoặt nhằm định hướng chính sách của khối trong những năm tới. Bên cạnh đó là quyết định tăng lực lượng ở trạng thái sẵn sàng cao lên mức hơn 300.000 quân, đồng thời nâng cấp mạnh mẽ hệ thống phòng thủ của khối về phía Đông; tiếp tục kế hoạch mở rộng với việc cho phép kết nạp Thụy Điển, Phần Lan; cam kết ủng hộ Ukraine…

 NATO bắt đầu cuộc tập trận lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh

NATO bắt đầu cuộc tập trận lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh

Tàu Hải quân Hà Lan Hr. Ms. Johan de Witt rời cảng Den Helder để tới tham gia cuộc tập trận Trident Juncture của NATO ở Na Uy ngày 17/10/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Xác định chiến lược mới    

Ngày 28 đến 30/6, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha với sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên. Hội nghị lần này được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt của khối với nhiều quyết sách quan trọng được thông qua, trong đó thống nhất về khái niệm chiến lược mới, cải tổ lực lượng phản ứng nhanh và nhất trí mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này.   

Tuyên bố chung gồm 22 điều, nhấn mạnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vai trò của phòng thủ tập thể, củng cố liên minh và gia tăng tốc độ thích ứng với những thay đổi trong môi trường an ninh thế giới.   

Một số điểm quan trọng trong tuyên bố chung bao gồm việc xác nhận một Khái niệm chiến lược mới, trong đó xác định một số mối đe dọa đối với NATO, bao gồm cả đe dọa từ không gian vũ trụ và trên không gian mạng, khẳng định sẽ tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ, khả năng tự cường của NATO thông qua các hoạt động như đảm bảo chi tiêu quốc phòng quy ước của các nước thành viên, tăng cường diễn tập phòng thủ tập thể, gia tăng khả năng tương tác và sử dụng hiệu quả các công cụ chính trị và quân sự và đảm bảo an ninh năng lượng của các nước thành viên.    

Chú thích ảnh
Trụ sở chính của NATO tại Brussel, Bỉ.

Song song với đó, NATO quyết định tăng lực lượng ở trạng thái sẵn sàng cao lên mức hơn 300.000 quân. Lực lượng phản ứng nhanh của NATO là sự kết hợp của các khí tài trên bộ, trên biển và trên không được thiết kế để triển khai nhanh chóng trong trường hợp bị tấn công. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết “bản thiết kế quân sự mới” này sẽ “nâng cấp mạnh mẽ” hệ thống phòng thủ phía Đông của khối.  

Theo đó, NATO sẽ nâng các nhóm tác chiến ở sườn phía Đông lên cấp độ lữ đoàn hoặc sư đoàn. Hiện tại, khối này đang duy trì 8 nhóm đồn trú tại Litva, Estonia, Latvia, Ba Lan, Romania, Hungary, Slovakia và Bulgaria cùng với nhiều vũ khí hạng nặng mới được bổ sung trong thời gian diễn ra xung đột Nga-Ukraine.    

Ngoài ra, vấn đề mở rộng liên minh được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm trong hội nghị cấp cao lần này của NATO. Trong tuyên bố chính thức đưa ra tại hội nghị ở Madrid (Tây Ban Nha), các nhà lãnh đạo NATO quyết định mời Phần Lan và Thụy Ðiển gia nhập liên minh. NATO tái khẳng định cam kết đối với Chính sách mở cửa và quyết định mời hai quốc gia này trở thành thành viên của NATO và nhất trí ký các nghị định thư gia nhập vào ngày 5/7 tới.

NATO cũng hoan nghênh việc ký kết biên bản ghi nhớ ba bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển. Tuy nhiên quyết định kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vẫn cần được Quốc hội của 30 nước thành viên NATO thông qua và Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết quá trình này sẽ được đẩy nhanh hơn bình thường.    

Chú thích ảnh

Các nhà lãnh đạo các nước thành viên cũng đồng ý đầu tư nhiều hơn cho NATO và tăng nguồn tài trợ chung. Một quỹ đổi mới NATO trị giá 1 tỷ USD đã được nhất trí thành lập tại hội nghị. Tổng Thư ký NATO cho biết, 9 trong số 30 quốc gia thành viên đã đạt hoặc vượt mục tiêu chi 2% GDP hằng năm cho quốc phòng và các thành viên khác cũng xây dựng kế hoạch rõ ràng để đạt mục tiêu này vào năm 2024.   

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh lần này, NATO cam kết sẽ giúp đỡ Ukraine và đồng ý về một gói hỗ trợ mới nhằm hiện đại hóa lĩnh vực quốc phòng của nước này.  

Trong buổi họp báo ngay sau lễ bế mạc hội nghị, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố, NATO vừa kết thúc một hội nghị cấp cao lịch sử mang tính chuyển đổi, với những quyết định sâu rộng nhằm củng cố khối đồng minh. Tổng Thư ký Stoltenberg nhấn mạnh, các quyết định được đưa ra tại Madrid sẽ bảo đảm để NATO, liên minh quân sự 73 năm tuổi, tiếp tục giữ gìn hòa bình, ngăn ngừa xung đột, bảo vệ người dân và các giá trị của khối.

Những thách thức    

Một trong những điểm nhấn quan trọng của hội nghị thượng đỉnh NATO vừa diễn ra chính là việc đưa ra "Khái niệm chiến lược" mới, đánh dấu sự chuyển đổi để thích ứng với bối cảnh địa chính trị mới. Đây là tài liệu quan trọng, xác định các giá trị và mục tiêu của liên minh quân sự, đồng thời định hướng các nhiệm vụ ưu tiên liên quan đến vấn đề an ninh và giải quyết những thách thức mà  NATO phải đối mặt    

Được cập nhật khoảng 10 năm một lần, “Khái niệm chiến lược” của NATO là "kim chỉ nam" cho chính sách quốc phòng của từng nước thành viên. Trong “Khái niệm chiến lược” năm 2010, hiện đã hoàn toàn lỗi thời, NATO xác định "mở rộng vòng tay" với Nga, coi Moskva là “đối tác chiến lược”, trong khi kẻ thù giả định của khối này là chủ nghĩa khủng bố. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã làm thay đổi tất cả, khiến các nước thành viên trở nên đồng thuận hơn trong việc định nghĩa “mối đe dọa Nga”.    

Chú thích ảnh
Khi nói đến những thách thức mà NATO đang đối mặt, Nga thường được đề cập đầu tiên, bởi nước này có tiềm lực quân sự khổng lồ.

Tuy nhiên, sau nhiều năm “hòa bình ở châu Âu”, xung đột tại Ukraine đã khiến khái niệm “phòng thủ tập thể” có cơ hội một lần nữa trở thành sứ mệnh tồn tại của NATO. Ngoài việc giữ nguyên mục tiêu chống khủng bố, NATO muốn một chiến lược phòng thủ và răn đe mới có tính đến các mối đe dọa hỗn hợp và không gian mạng như đã thấy tại chiến trường Ukraine.    

Theo Khái niệm chiến lược mới, lần đầu tiên sau hơn 10 năm, NATO chính thức thay đổi quan điểm với Nga, chuyển từ xem Nga là "đối tác chiến lược" trở thành "mối đe dọa lớn nhất, trực tiếp nhất". Tuy nhiên NATO khẳng định không tìm kiếm sự đối đầu với Nga.    

Còn đối với Trung Quốc, lần đầu tiên nước này cũng trở thành một chủ đề chính thức trong khái niệm Chiến lược mới của NATO. NATO coi Trung Quốc là “thách thức hệ thống” lâu dài đối với liên minh. Tổng Thư ký Stoltenberg đã từng khẳng định “ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đang định hình lại thế giới". Việc NATO đề cập đến Trung Quốc trong chiến lược mới được coi là bước đi mang tính “thực tế”, thừa nhận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không còn có thể bị bỏ qua.    

Và hội nghị lần này cũng lần đầu tiên đánh dấu việc các đối tác Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản có mặt tại một hội nghị cấp cao nhất của NATO, cho thấy rõ sự thay đổi nhận thức của khối trong việc mở rộng ảnh hưởng về phía Đông để ứng phó với các thách thức mới.    

Theo các nhà phân tích, việc NATO đưa ra chiến lược mới xuất phát từ những thay đổi lớn trong cấu trúc an ninh khu vực và thế giới thời gian gần đây, đòi hỏi NATO phải có những thay đổi tương ứng cả về định hướng chiến lược và tư duy hành động, thể hiện rõ qua việc kết nạp các thành viên mới và tạo lập mối liên kết với các quốc gia ở Châu Á-Thái Bình Dương như New Zealands, Nhật Bản, Hàn Quốc. Khái niệm Chiến lược mới cho thấy tham vọng của NATO trở thành một liên minh toàn cầu đối phó với các thách thức mới trong thế kỷ XXI.     

Tuy nhiên giới phân tích cũng nhận định thách thức sẽ ngày càng gia tăng đối với từng mục tiêu mà liên minh NATO đề ra.   

Chẳng hạn như việc mở rộng của NATO được nhận định sẽ tạo thêm đối đầu và xung đột. Thực tế với 5 lần mở rộng về phía Đông của NATO trong lịch sử, đến nay đã gây ra sự phản đối từ phía Nga và là một phần nguồn cơn gây ra “cuộc chiến” trong lòng châu Âu.

Một trong những căn nguyên khiến Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine từ tháng 2/2022 đến nay là do Kiev mong muốn gia nhập NATO, dấy lên quan ngại làm mất bảo đảm an ninh của Moskva. Mặc dù cuộc xung đột Ukraine mang lại cho phương Tây động lực để gắn kết lợi ích nhưng gần đây đã có dấu hiệu cho thấy sự đoàn kết của các nước phương Tây đang đối mặt với thách thức lớn.

Hơn 100 ngày sau chiến dịch quân sự của Nga, tình hình chiến trường thay đổi với việc Ukraine mất thêm nhiều vùng đất. Châu Âu phải gánh chịu hậu quả từ chính các lệnh trừng phạt của mình nhằm vào Nga, đã có nhiều tiếng nói trên truyền thông phương Tây thể hiện sự mệt mỏi với xung đột…

Thậm chí, khi mà các nhà lãnh đạo NATO vẫn đang tham dự hôi nghị thượng đỉnh tại Madrid vào tuần trước thì ở bên ngoài, những cuộc biểu tình ở Tây Ban Nha, Đức và Canada đã diễn ra. Người biểu tình kêu gọi hòa bình và họ tin rằng, sự mở rộng của NATO sẽ không bao giờ mang lại hòa bình cho thế giới.  

Chú thích ảnh

Trong khi đó, trước những động thái được coi là sự “biến đổi” mới của NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga "không bận tâm" về việc Phần Lan và Thụy Ðiển gia nhập NATO, song cảnh báo Moskva sẽ "phản ứng tương xứng" trước bất kỳ mối đe dọa nào. Trung Quốc cũng lên tiếng kêu gọi NATO chấm dứt những phát ngôn và hành động khiêu khích, gây xáo trộn châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.

Hay như vấn đề tăng ngân sách của NATO cũng được dự báo tiếp tục gặp trở ngại. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ chi 3,5% GDP cho quốc phòng, Anh chi 2,2%, trong khi Ðức, Italy, Canada, Tây Ban Nha, Hà Lan… đều chưa đạt mục tiêu 2%.

Trong bối cảnh giá năng lượng, thực phẩm và nhiều mặt hàng thiết yếu leo thang cùng một loạt thách thức kinh tế đặt ra sau đại dịch COVID-19, việc nâng hạn ngạch chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng có thể vấp phải sự phản đối, khi có quá nhiều yêu cầu khác được cho là cấp bách hơn.

An Ngọc (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm