Hướng đi mới trong chiến lược chống Covid-19

28/12/2021 22:02 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trang thehill.com ngày 27/12 đăng tải bài viết kêu gọi thế giới cần có hướng đi mới trong việc điều chỉnh chiến lược chống COVID-19, dựa trên kinh nghiệm chống virus HIV trong thời gian dài.

Việc nhiễm biến thể Omicron có thể làm tăng khả năng miễn dịch trước biến thể Delta

Việc nhiễm biến thể Omicron có thể làm tăng khả năng miễn dịch trước biến thể Delta

Các nhà khoa học Nam Phi mới đây cho rằng việc nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể giúp tăng khả năng miễn dịch trước biến thể Delta.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến thế giới không kịp trở tay trước làn sóng dịch bệnh mới. Độ nguy hiểm của biến thể này không chỉ nằm ở tốc độ lây nhiễm nhanh chóng, mà còn ở khả năng né tránh các vaccine ngừa COVID-19 tốt nhất hiện nay.

Bài viết nhấn mạnh mặc dù vaccine vẫn là công cụ quan trọng giúp bảo vệ con người trước COVID-19, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong, song các ca nhiễm đột phá đang ngày càng trở nên phổ biến. Khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2 trong nhóm người đã tiêm phòng là một trong những điểm nổi bật của virus này.

Chú thích ảnh
Bài viết đã chỉ ra những biện pháp phòng dịch hữu hiệu mà thế giới cần sử dụng để phòng ngừa Omicron và các biến thể khác trong tương lai. Ảnh minh họa

Phòng tuyến đầu tiên chính là y tế công. Việc tăng cường xét nghiệm, truy vết và thiết lập hệ thống cách ly có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm nhanh trong cộng đồng.

Thời gian qua, nhiều nước tại châu Á đã đẩy mạnh triển khai và đầu tư vào những hệ thống này ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, qua đó giúp giảm số ca mắc và tỷ lệ tử vong.

Tuy nhiên, tại Mỹ, có nhiều báo cáo trong tuần này cho thấy người dân nước này vẫn đang phải xếp hàng nhiều giờ để xét nghiệm, trong khi các cửa hàng dược lại thiếu các bộ xét nghiệm nhanh. Đây giống như lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc cần liên tục đầu tư cho các biện pháp y tế công xuyên suốt đại dịch.

Nhiều người dân sẽ không thể đánh đổi giờ làm để đi xếp hàng xét nghiệm hoặc gặp khó khăn trong việc tìm mua xét nghiệm nghiệm nhanh, từ đó vô tình lây nhiễm cho cộng đồng và đối mặt với nguy cơ điều trị chậm trễ. Để giúp người dân có thể nhanh chóng tiếp cận xét nghiệm nhanh, bài viết cho rằng Mỹ cần giảm giá xét nghiệm nhanh, hiện đang có giá bán lẻ trung bình là 23 USD.

Trên thực tế, các bộ xét nghiệm này có thể được sản xuất với chi phí chỉ 0,5 USD. Năm 2018, Các phòng thí nghiệm Abbott đã cung cấp 100 triệu bộ xét nghiệm nhanh virus viêm gan B cho Chính phủ Ai Cập với giá chỉ 0,5 USD/bộ. Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận tương tự để cung cấp xét nghiệm nhanh COVID-19 cho toàn bộ người dân nước này.

Biện pháp thứ hai là tăng cường các phương pháp điều trị. Tình hình dịch thời gian qua cho thấy một thực tế là vaccine đã không giúp giảm bớt nguy cơ mắc bệnh và lây nhiễm như kỳ vọng. Tuy nhiên, vaccine đã giúp bảo vệ người dân trước nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, cũng như giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19. Do đó, vẫn còn hy vọng rằng các thế hệ vaccine tiếp theo sẽ giúp bảo vệ tốt hơn trước phần lớn các biến thể của virus SARS-CoV-2. 

Bên cạnh đó, bài viết cũng nêu ra các chiến thuật cơ bản mà virus corona đã dùng để xâm nhập và ức chế hệ miễn dịch của con người. Chiến thuật đầu tiên chính là biến đổi kháng nguyên, theo đó virus có thể thay đổi hình dạng bên ngoài để "đánh lừa" hệ miễn dịch. Virus cúm chính là điển hình cho xu hướng này.

Chú thích ảnh
Việc virus corona đã lây nhiễm nhanh chóng qua thời gian cho thấy không có cách nào để ngăn virus này thích nghi và tái lây nhiễm. Ảnh minh họa

Một khi virus xâm nhập vào vật chủ mới, do kháng thể suy yếu hay không thể nhận ra biến thể mới, virus sẽ tiếp cận với hệ miễn dịch bẩm sinh.

Thông qua việc trì hoãn cơ chế báo động của hệ miễn dịch từ 5-6 ngày, virus có thể nhân lên nhanh chóng và tiếp tục lây nhiễm cho người khác. Chiến thuật tiếp theo là tốc độ. Sau thời gian tiêm phòng COVID-19 hoặc mắc bệnh, nồng độ kháng thể cao cũng sẽ giảm đi và con người sẽ phụ thuộc vào khả năng ghi nhớ của các tế bào để tạo ra các kháng thể mới.

Tuy nhiên, tốc độ nhân bản của virus sẽ vượt qua khả năng ghi nhớ của tế bào, vốn cần đến 3-5 ngày. Trong thời gian đó, virus sẽ có khả năng sinh sôi, ra khỏi cơ thể và lây cho vật chủ mới. Tin tốt là phản ứng miễn dịch từ tiêm phòng sẽ giúp bảo vệ con người khỏi nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, nhập viện và tử vong do COVID-19.

Bài viết kết luận để đánh bại virus SARS-CoV-2, cần có kháng thể đơn dòng sử dụng cho điều trị và phòng ngừa khi dịch bùng phát trong những nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao, chẳng hạn như những người sinh sống ở nhà dưỡng lão.

Dù biến thể Omicron đã biến đổi để kháng vaccine, song kinh nghiệm ứng phó với virus HIV sẽ đem lại giải pháp mới. Dù thế giới vẫn chưa thành công trong việc tạo ra vaccine ngừa virus HIV, song việc nghiên cứu phương pháp điều trị trong nhiều thập kỷ đã khiến virus này hiện không còn là "án tử hình" đối với người bệnh.

Tuần trước, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt thuốc kháng virus dạng tiêm đầu tiên nhằm ngăn ngừa nguy cơ phơi nhiễm virus HIV. Loại thuốc mới có tên là Apretude do GlaxoSmithKline bào chế, được tiêm cho bệnh nhân hai tháng một lần.

Trên cơ sở đó, bài viết cho rằng thế giới cần sử dụng chiến lược tương tự để tạo ra các loại thuốc hiệu quả, tác dụng lâu dài nhằm bù đắp các lỗ hổng hiện nay về chiến lược bảo vệ người dân trong dài hạn. Hiện nay vẫn còn nhiều hướng đi tiềm năng trong việc phát triển thuốc điều trị COVID-19. Bài viết cho rằng các nước cần mở rộng phạm vi nghiên cứu thuốc sang các enzyme và protein đặc biệt liên quan đến virus SARS-CoV-2 mà không tồn tại trong cơ thể người. Điều này sẽ giúp tạo ra các phương thuốc diệt virus đặc hiệu mà không gây hại cho con người.

Việc điều chỉnh phương thuốc điều trị là không đơn giản, khi đòi hỏi đẩy nhanh nghiên cứu và sự phối hợp toàn cầu giữa các quốc gia, giữa các chuyên gia và ngành công nghệ sinh dược. Điều này cũng cần đến nguồn lực và đầu tư tương tự như của Chiến dịch Thần tốc về tiêm phòng COVID-19 của Mỹ. Bài viết kết luận, chỉ có tăng cường năng lực y tế công và phòng tuyến y khoa, thế giới mới có thể tự bảo vệ mình khỏi biến thể Omicron.

     Đặng Ánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm