Hà Nội phân làn trên đường Nguyễn Trãi: Xe buýt 'dễ thở', xe máy còn lộn xộn

09/08/2022 12:52 GMT+7 | Tin tức 24h

Sau khi biện pháp tổ chức lại giao thông tại 4 nút giao thông trọng điểm; trong đó có nút Ngã Tư Sở bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm nhiệt tại các điểm nóng giao thông này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tiếp tục thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi, đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân.

Hà Nội phân làn, tổ chức giao thông khu vực Đại lộ Thăng Long

Hà Nội phân làn, tổ chức giao thông khu vực Đại lộ Thăng Long

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa thí điểm tổ chức lại giao thông khu vực Đại lộ Thăng Long giao với đường vành đai 3.

Theo phương án này, trên đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân) theo cả 2 chiều đường cho phép xe máy - xe thô sơ - xe buýt được phép hoạt động cả 2 làn sát vỉa hè, còn ô tô được phép hoạt động 3 - 4 làn sát dải phân cách. Việc điều chỉnh phân làn phương tiện bằng dải phân cách cứng (mũi tên phản quang, trụ chống va xô (bằng lốp), hàng rào di động...) kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ.

Đường Nguyễn Trãi là trục đường hướng tâm có mật độ ô tô, xe máy rất đông vào những giờ cao điểm, lại có nhiều đường giao cắt nên xảy ra tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm. Việc thí điểm lắp đặt dải phân cách cứng tách riêng làn ô tô, xe máy, xe buýt nhằm thử nghiệm, tìm kiếm phương án tổ chức giao thông tối ưu để giải quyết tình trạng này.

Trong ngày đầu thí điểm, do người tham gia giao thông chưa quen với việc đi theo làn đường nên mặc dù có lực lượng chức năng hướng dẫn nhiều người tham gia giao thông bằng xe máy vẫn di chuyển vào làn ô tô khiến giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi rất lộn xộn.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, việc chấp hành quy định tổ chức giao thông của người dân trên tuyến đường này đã nghiêm túc hơn.

Chú thích ảnh
Thanh tra giao thông hướng dẫn người dân đi theo làn đường quy định. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Nếu như trước đây, khi chưa lắp đặt dải phân cách cứng, hàng rào di động để cưỡng chế phương tiện đi đúng làn, tại những đoạn này, ô tô dàn hàng 5, hàng 6 chiếm hết mặt đường còn xe máy thì luồn lách, chen ngang, chen dọc thì sau khi lắp đặt dải phân cách, tình trạng đi sai làn vẫn xảy ra, nhất là xe máy, nhưng trật tự giao thông tại đây đã bớt lộn xộn, xe buýt ra vào điểm chờ thuận lợi hơn, tình trạng ùn tắc giao thông cũng đỡ hơn.

“Việc lắp đặt dải phân cách cứng tại các điểm nóng ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi để cưỡng chế phương tiện đi đúng làn là cần thiết nhưng khi người dân đã quen dần với cách tổ chức giao thông này, Sở Giao thông Vận tải có thể điều chỉnh sử dụng phân cách mềm bằng vạch sơn liền”, anh Nguyễn Trúc (Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) góp ý.

Còn ông Nguyễn Minh Thắng, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết, do đoạn phân cách quá ngắn nên những ngày đầu nhiều phương tiện qua đây còn “lúng túng” chưa đi đúng làn. Nhưng việc cưỡng chế phương tiện đi theo làn để giải quyết tình trạng phương tiện giao thông hỗn hợp chen ngang, chen dọc, lộn xộn làm gia tăng ùn tắc giao thông trong khung giờ cao điểm trên tuyến đường này là cần thiết.

Điều dễ dàng nhận thấy là sau khi thành phố thí điểm phân làn phương tiện trên tuyến đường Nguyễn Trãi, xe buýt di chuyển thuận lợi trong làn đường quy định, việc ra vào điểm đón khách cũng dễ dàng hơn.

Theo anh Nguyễn Cao Thái, lái xe buýt tuyến 02, hiện nay, việc di chuyển hay ra vào điểm dừng từ hầm chui Thanh Xuân lên gần cầu vượt Ngã Tư Sở và hướng ngược lại của xe buýt thuận lợi hơn. Chỉ còn đoạn gần Ngã Tư Sở, do lưu lượng phương tiện tập trung vào giờ cao điểm quá đông, đây lại là “nút thắt” nên di chuyển còn khó khăn. Nhiều hành khách đồng tình với việc xe buýt đi trong làn đường quy định, cảm thấy xe buýt di chuyển nhanh hơn so với trước.  

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, việc điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi, đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân thí điểm từ ngày 6/8 đến ngày 6/9/2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ lấy ý kiến của người dân để nghiên cứu, khắc phục những bất cập phát sinh mới trên tuyến đường này sau khi lắp đặt dải phân cách cứng, tạo thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông. Nếu hiệu quả sẽ nhân rộng ra những tuyến đường.

Sau khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, từ ngày 6/11/2021 đến hết ngày 26/5/2022, tuyến đường sắt này đã vận hành an toàn 202 ngày, vận chuyển được hơn 3,1 triệu hành khách, bình quân đạt 15.633 hành khách/ngày, bước đầu tuyến đã phát huy hiệu quả, góp phần chống ùn tắc trong giờ cao điểm trên hành lang tuyến.

Tuy nhiên, do đường Nguyễn Trãi là một trong những tuyến giao thông đông đúc nhất của Hà Nội nên vẫn còn xảy ra ùn tắc cục bộ tại đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân. Để giải pháp điều chỉnh tổ chức giao thông tại đoạn đường này phát huy hiệu quả, bên cạnh sự tính toán cẩn thận, chi tiết chỗ nào cần lắp đặt dải phân cách để cưỡng chế đi theo làn, chỗ nào không cần thiết phải lắp đặt, tạo thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông thì cũng cần sự hợp tác, tuân thủ quy định của người dân.

Ngoài ra, khi biện pháp tổ chức phân làn hết thời gian thí điểm, phát huy hiệu quả giảm ùn tắc giao thông trên tuyến được đưa vào áp dụng chính thức, lực lượng chức năng cũng cần áp dụng việc xử phạt đối với phương tiện cố tình đi lấn làn để hình thành nền nếp trật tự trên trục đường Nguyễn Trãi.

Tuyết Mai/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm