Hà Nội kiểm tra toàn bộ cây xanh trong trường học, bệnh viện, công sở

12/06/2020 20:02 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để hạn chế cây xanh trong các trường học, bệnh viện, công sở... trên địa bàn có thể bị gẫy, đổ gây thiệt hại về người và tài sản, Sở đã yêu cầu các đơn vị liên quan tổng kiểm tra, xử lý cây già cỗi, cong queo, cây có nguy cơ gẫy, đổ, mục gốc, mục thân, cây chết, cây nghiêng nguy hiểm, nổi rễ, cây có rễ bị ảnh hưởng do thi công công trình ngầm, cây nặng tán, cây có chiều cao lớn...

Sở Xây dựng Hà Nội sẽ kiểm tra hàng loạt các tòa nhà chung cư từ quý II/2020

Sở Xây dựng Hà Nội sẽ kiểm tra hàng loạt các tòa nhà chung cư từ quý II/2020

Nhằm kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn khắc phục những tồn tại trong quản lý, vận hành và sử dụng nhà chung cư, từ quý II/2020, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra hàng loạt các toà nhà chung cư trên địa bàn Thủ đô.

Sau khi "hội chuẩn" về chất lượng cây xanh, các đơn vị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội sẽ thông báo cho cơ quan, đơn vị có cây xanh biết để có biện pháp xử lý.

Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị các đơn vị triển khai các quy định về quản lý, duy tu, cây xanh, vườn hoa trên địa bàn; trong đó, các tổ chức cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây xanh trước mặt nhà, trong khuôn viên, phát hiện và thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý xử lý cây nguy hiểm và ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh đô thị. UBND quận, huyện, thị xã trực thuộc tổ chức quản lý hệ thống cây xanh dọc theo các tuyến đường, trong các khu đô thị, công viên, vườn hoa và nơi công cộng khác còn lại theo địa giới hành chính.

Cây xanh được trồng tại Hà Nội
Cây xanh được trồng tại Hà Nội

Theo ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, để cây xanh trồng trong trường học, bệnh viện, công sở... hạn chế đến mức thấp nhất gẫy, đổ, các trường trên địa bàn cần thực hiện thăm khám “sức khỏe” cho cây định kỳ.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm trồng, chăm sóc và quản lý cây xanh, ông Nguyễn Đức Mạnh cho rằng, về cảm quan, các trường có thể phát hiện ra những cây, cành sâu mục khi thân cây xuất hiện những lỗ, vỏ xuất hiện vết đen loang ra thân. Với những cây nghiêng trên 45 độ, cây nặng tán, cũng là những dấu hiệu cần đặc biệt quan tâm để phòng ngừa cây đổ, gẫy.

Về công tác xử lý, ông Nguyễn Đức Mạnh cho biết, trong trường hợp phát hiện ra cây cong nghiêng, sâu mục, các trường không thể tự xử lý cần liên hệ với Công ty để được phối hợp. Vì Công ty có đầy đủ thiết bị, cũng như con người giỏi chuyên môn để đến "thăm khám" cho cây và sẽ đưa ra quyết định về việc có nên đánh chuyển, chặt hạ hay cắt tỉa sau khi trao đổi với phía nhà trường.

Ngoài việc chủ động "thăm khám" cho cây, ông Mạnh chỉ ra, trên thực tế, có cây nhìn bề ngoài xanh tốt, không có biểu hiện sâu mục nhưng thực chất phía trong thân đã bị rỗng, chỉ cần mưa gió sẽ gãy đổ.

Thế nên, để hạn chế cây gẫy, đổ trong trường học, bệnh viện, công sở..., cách đơn giản nhất mà hiệu quả là cắt tỉa cành cây một cách thường xuyên, chủ động. Nhờ làm tốt công tác trên, trong mấy năm trở lại đây, số cây xanh ở địa bàn Hà Nội đã hạn chế đáng kể việc gẫy đổ trong mưa bão.

Mạnh Khánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm