Hà Nội chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng

06/10/2018 11:04 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trước nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng trong cả nước, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị triển khai tích cực biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới và không để xảy ra trường hợp tử vong.

Hiện nay, trên cả nước đã ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam. Tại thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.639 trường hợp mắc tay chân miệng ở 30 quận, huyện, thị xã. Tuy chưa có trường hợp tử vong nhưng thời gian gần đây số ca mắc tay chân miệng có xu hướng gia tăng và chủ yếu gặp ở lứa tuổi dưới 5 tuổi.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch tay chân miệng cho Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã; đảm bảo cung ứng đủ cloramin B, trang thiết bị cần thiết cho xử lý dịch. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện triển khai chống dịch, phối hợp kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học. Đặc biệt, ngành Y tế phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng chống tay chân miệng như: Vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ...

Chú thích ảnh
Hà Nội thực hiện chiến dịch phòng chống bệnh tay chân miệng. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Đối với các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan trên địa bàn, đặc biệt là Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã để triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị khám chữa bệnh đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về phác đồ cấp cứu, điều trị tay chân miệng; tổ chức tốt việc thu dung, sàng lọc, cấp cứu điều trị bệnh nhân, đồng thời thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo tại bệnh viện, không để xảy ra tử vong.

Song song với công tác khám, điều trị các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã để thông tin về trường hợp mắc bệnh, chủ động giám sát, xử lý ổ dịch tại cộng đồng.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội 9 tháng năm 2018 đều cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên bệnh sởi đang gia tăng và bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa, đạt đỉnh tháng 10,11.

Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thời gian qua chưa phát hiện có chủng vi rút lạ nào như nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh. Để phòng chống dịch bệnh cuối năm đặc biệt trong thời điểm giao mùa - thời điểm thuận lợi cho nhiều bệnh phát triển như: Cúm, cúm mùa, thủy đậu, sởi...các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, thực hiện biện pháp dự phòng theo khuyến cáo của ngành y tế. Nếu trẻ có các biểu hiện sốt, ho và triệu chứng lạ cần đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị.

TTXVN/Tuyết Mai

Những sai lầm dễ mắc phải khi trẻ bị bệnh tay chân miệng

Những sai lầm dễ mắc phải khi trẻ bị bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng do virus gây nên, thường tự khỏi và không đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu hiểu không đúng và chăm sóc sai cách có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của trẻ nhỏ.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm