Giáo dục có nguy cơ trở thành yếu tố lớn nhất gây chia rẽ xã hội

30/03/2022 16:22 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 30/3, dù đã bước sang năm thứ 3 đại dịch COVID-19, song khoảng 405 triệu trẻ em trên thế giới vẫn chưa được quay trở lại trường lớp hoàn toàn. 

Vai trò quan trọng của giáo dục tiền tiểu học trong giai đoạn dịch Covid-19

Vai trò quan trọng của giáo dục tiền tiểu học trong giai đoạn dịch Covid-19

Một nghiên cứu vừa được đăng tải trên trang aninews.in đã chỉ ra rằng việc giao dục tiền tiểu học đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa những hậu quả trong học tập “đáng báo động” mà các em học sinh phải đối mặt do dịch COVID-19.

Trong bối cảnh còn 23 quốc gia vẫn chưa mở cửa trường học lại hoàn toàn, nhiều trẻ em đang đối mặt với nguy cơ bỏ học. Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell nhận định việc thiếu tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn học sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập của các em.

Đặc biệt, khi tình trạng không tương tác này kéo dài, việc thất học có nguy cơ trở thành vĩnh viễn. Bà Russell cảnh báo tình trạng gia tăng bất bình đẳng tăng trong việc tiếp cận học tập cho thấy giáo dục có nguy cơ trở thành yếu tố gây chia rẽ lớn nhất, chứ không còn là yếu tố giúp đảm bảo cân bằng xã hội.

Nghiên cứu chỉ ra rằng 147 triệu trẻ em đã bỏ lỡ hơn một nửa thời gian học tập trên lớp trong 2 năm qua - tương đương với 2.000 tỷ giờ lên lớp trên toàn cầu. Ngoài các dữ liệu liên quan đến tình trạng thất học, báo cáo còn nhấn mạnh vào các bằng chứng cho thấy nhiều trẻ em không quay lại trường kể cả khi trường học đã mở cửa trở lại, trong đó có Liberia, Tây Phi - nơi 43% học sinh trường công lập không quay lại lớp, dù trường học đã mở lại từ tháng 12/2020.

giáo dục gây chia rẽ xã hội, nguy cơ gây chia rẽ xã hội từ giáo dục, giáo dục, giáo dục là yếu tố gây chia rẽ xã hội, chia rẽ xã hội, nguy cơ chia rẽ xã hội
Bà Catherine Russell. (Nguồn: 24Digital)

Trong giai đoạn từ tháng 3/2020-7/2021, số trẻ em không được đến trường ở Nam Phi đã tăng gấp 3 lần, từ 250.000 lên 750.000 em. Khoảng 10%  học sinh Uganda không trở lại trường học vào tháng 1/2022 sau hai năm đóng cửa trường học.

Trong khi đó, tại Malawi, tỷ lệ bỏ học của học sinh nữ tại các trường trung học đã tăng 48% trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021. Tại Kenya, một cuộc khảo sát được tiến hành với 4.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10-19 cho thấy có 16% trẻ em gái và 8% trẻ em trai không trở lại trường khi trường học mở lại.

Trẻ thất học là thành phần dễ bị tổn thương và có nguy cơ bị gạt ra bên lề xã hội. Các em này thường ít có khả năng đọc, viết, hay hiểu biết về toán học cơ bản. Đáng chú ý, do không nằm trong mạng lưới an toàn của trường học, các em có nguy cơ cao bị bóc lột, thậm chí lâm vào cảnh nghèo đói và thiếu thốn suốt đời.

Dữ liệu trước đại dịch từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy COVID-19 đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giáo dục. Tại những quốc gia được phân tích trong báo cáo, tốc độ học tập hiện nay chậm đến mức hầu hết học sinh phải mất 7 năm để học các kỹ năng đọc cơ bản mà lẽ ra chỉ cần đến 2 năm để nắm được, và 11 năm để tiếp thu các kỹ năng làm toán cơ bản.

Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, không có gì đảm bảo rằng mọi trẻ em đều đã nắm vững kiến thức cơ bản. Theo số liệu, 25% học sinh lớp 8 (khoảng 14 tuổi), không có kỹ năng đọc cơ bản và hơn 50% thiếu các kỹ năng làm toán mà trẻ lớp 2 thông thường đã học được.

Trước tình hình này, bà Russell đã nêu bật tầm quan trọng việc giúp em quay lại trường, theo dõi và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết, cũng như đảm bảo rằng các giáo viên có đủ kỹ năng và nguồn lực để truyền đạt kiến thức hiệu quả.

    Hoàng Châu/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm