Giá xăng dầu thế giới sẽ còn biến động thế nào?

15/06/2022 16:18 GMT+7 | Tin tức 24h

Giá xăng dầu trên thế giới hiện ở mức rất cao so với những năm gần đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine làm ảnh hưởng tới nguồn cung. Không những vậy, tình trạng thiếu hụt nguồn cung càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) khó có thể tăng sản lượng khai thác theo đúng hạn ngạch cam kết… Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ thế giới thời gian qua.

Giá xăng dầu hôm nay: Cập nhật mức điều chỉnh mới nhất

Giá xăng dầu hôm nay: Cập nhật mức điều chỉnh mới nhất

Theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, ngày 13/6 liên Bộ Công thương Tài chính công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho chu kỳ điều hành mới.

Liên tục biến động

Kể từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã tăng hơn 50% và đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/6, dầu WTI đã đạt mức 116,87 USD/thùng. Vào tuần trước, giá dầu đã chính thức vượt ngưỡng 120 USD/thùng.

Xung đột giữa Nga-Ukraine và những sự kiện liên quan như các lệnh trừng phạt hoặc tự cấm vận nhập khẩu dầu của các nước tiêu thụ lớn đối với Nga đã là những yếu tố chính có tác động lớn lên giá mặt hàng này. Những yếu tố như Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế dịch tại Thượng Hải, Bắc Kinh, cũng như việc Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói cấm vận đối với phần lớn dầu nhập khẩu từ Nga qua đường biển khiến cho thị trường gần như chắc chắn sẽ thiếu hụt một lượng lớn dầu từ Nga trong cuối năm nay. Sau đó, đà tăng của giá dầu lại tiếp tục được duy trì khi Iran ngày 8/6 đã tuyên bố loại bỏ 2 camera giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA, vốn là điều kiện cần thiết để Iran và các nước phương Tây ngồi lại vào bàn đàm phán nhằm thảo luận lại đàm phán hạt nhân…

Hiện tại, giá xăng tại Mỹ đã tăng 52% trong năm qua và đến mức cao kỷ lục. Giá xăng trung bình tại Mỹ đã vượt mức 5 USD/gallon vào ngày 9/6 sau 13 ngày tăng liên tiếp và là ngày thứ 30 trong 31 ngày giao dịch gần nhất giá xăng lập kỷ lục tại quốc gia này. Một số bang như California đã ghi nhận giá xăng tiến sát mốc 6,5 USD/gallon. Mùa du lịch và cao điểm lái xe đã bắt đầu tại Mỹ từ cuối tháng 5 và dự kiến nhu cầu sẽ tăng vọt vào kỳ nghỉ quốc khánh của Mỹ vào đầu tháng 7 tới.

Tương tự, giá khí đốt tự nhiên, loại nhiên liệu quan trọng để sưởi ấm nhà cửa và cung cấp năng lượng cho lưới điện, đã tăng gần gấp ba lần trong năm qua tại Mỹ. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 7 và dầu Brent kỳ hạn tháng 8 lần lượt đóng cửa ngày 9/6 ở mức 121,51 và 123,07 USD/thùng. Giá xăng tăng phi mã, người dân Mỹ đã bắt đầu phải tính đến việc đi xe đạp, hay chuyển từ ô tô xăng dầu sang xe điện. Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden phải lên tiếng chỉ trích các công ty xăng dầu của nước này đã kiếm bộn tiền, để mặc người dân với khó khăn. Trong khi đó, giá loại năng lượng này ở châu Âu còn cao hơn, do châu lục này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Nga. Giá xăng tại Hà Lan đang ở thời điểm cao nhất mọi thời đại với 2,5 euro/lít.

Giá xăng dầu tăng đã đẩy lạm phát của các nước lên cao. Với Mỹ, lạm phát đã ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Đây cũng là tình trạng hiện nay của Anh. Các chuyên gia nhận định, Anh sẽ ghi nhận mức lạm phát cao không chỉ trong năm nay mà còn trong 2 năm tới. Tại Đức-nền kinh tế lớn của châu Âu-cũng đang trong vòng xoay của lạm phát. Chủ tịch Ngân hàng Bundesbank của Đức cảnh báo lạm phát có thể còn tồi tệ hơn, thậm chí cao hơn mức của năm 1980 nếu giá cả tiếp tục nhảy vọt.   

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giới chuyên gia dự báo giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Trong báo cáo mới đây, ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent trên Sở giao dịch ICE EU sẽ đạt trung bình 140 USD/thùng trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, so mức 125 USD/thùng trong dự báo trước. Goldman Sachs cũng cho rằng giá xăng bán lẻ tại Mỹ sẽ phải tăng lên mức tương đương giá dầu 160 USD/thùng thì mới có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ. Trong dài hạn, Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ đạt trung bình 135 USD/thùng trong 6 tháng cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023, tăng 10 USD/thùng so báo cáo trước.  

Citibank-một trong những ngân hàng thường đưa ra nhận định thấp nhất về giá dầu trong thời gian vừa qua-cũng vừa nâng các dự báo giá dầu trong quý III và quý IV năm nay. Theo đó, giá dầu Brent dự báo sẽ đạt 99 USD/thùng vào quý III và đạt 85 USD/thùng vào quý IV năm nay, tăng 12 USD/thùng so dự báo trước. Giá dầu sẽ giảm xuống 75 USD/thùng, theo dự báo của Citibank, nhưng vẫn cao hơn 16 USD/thùng so báo cáo trước đó. 

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cũng đồng loạt nâng các dự báo giá xăng, dầu và khí đốt. Cụ thể, giá dầu Brent đang được EIA dự báo sẽ đạt hơn 111 USD/thùng trong quý III, so mức 104 USD/thùng trong dự báo trước. Vào quý IV, EIA tăng dự báo giá dầu từ 101 lên 105 USD/thùng. Dự báo của EIA dựa trên việc đánh giá sản lượng dầu thô của Nga sẽ giảm khoảng 1,1 triệu thùng/ngày từ tháng 5/2022 đến cuối năm 2023. Mức giảm này lớn hơn nhiều so mức tăng sản lượng khai thác của nhóm OPEC+ và động thái xả kho dự trữ của Mỹ.

Nỗ lực của OPEC+

Kể từ khi xung đột quanh khu vực Biển Đen nổ ra, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã cố gắng điều tiết thị trường bằng chính sách sản lượng, có thể thấy mức tăng hạn ngạch được quyết định trong cuộc họp tháng 5/2022 là cao hơn một chút so với trước đó, ở mức 432.000 thùng/ngày. Trước đó, OPEC+ đã tăng nhẹ sản lượng lên mức 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ năm ngoái.

Và trước sự hối thúc của các quốc gia tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới, trong cuộc họp mới đây vào ngày 2/6/2022, thị trường đã bất ngờ với quyết định tăng hạn ngạch thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 năm nay, bởi trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định OPEC+ sẽ chỉ tăng hạn ngạch thêm 432.000 thùng/ngày giống như trong tháng 5.

Chú thích ảnh

Quyết định của OPEC+ được hy vọng giúp hạ nhiệt giá năng lượng, khi có thể phần nào bù đắp khoảng trống nguồn cung từ Nga do lệnh cấm của EU. Ðây là quyết định không dễ dàng bởi OPEC+ đang ở trong tình thế phải cân bằng áp lực tăng sản lượng và mối quan hệ với Nga, một thành viên quan trọng trong nhóm. Song với thoả thuận này, OPEC+ muốn giảm bớt sức ép lên thị trường dầu mỏ thế giới mà không tăng sản lượng đến mức tổn hại lợi ích của Nga.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằn, động thái nêu trên là chưa đủ để ổn định giá dầu. Việc EU cắt phần lớn nhập khẩu dầu mỏ từ Nga sẽ gây xáo trộn đáng kể thị trường thế giới, đồng thời gây ra nhiều thiệt hại cho cả hai bên. Trong khi đó, việc OPEC+ tăng sản lượng hơn 600.000 thùng/ngày là không đủ để giúp giảm bớt tình trạng thâm hụt trên thị trường, đặc biệt là khi mà sản lượng của Nga được dự đoán sẽ giảm tới hàng triệu thùng mỗi ngày trong thời gian tới trước tác động từ các lệnh trừng phạt của châu Âu. Do vậy, đây sẽ chỉ là một biện pháp mang tính chất tạm thời nhằm xoa dịu lo ngại nguồn cung và hạ nhiệt giá dầu, song không đủ để bù đắp được sự sụt giảm từ Nga.   

Thậm chí, theo chuyên gia từ JP Morgan Chase nhận định, dù OPEC+ tuyên bố sẽ tăng sản lượng khai thác song thực tế nhóm OPEC+ sẽ chỉ tăng thêm 160.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 170.000 thùng/ngày trong tháng 8 so cam kết tăng hạn ngạch thêm 648.000 thùng/ngày.

Bởi vậy, thị trường dầu mỏ thế giới thời gian tới vẫn rất khó lường vì tác động của nhiều biến số. Các nước tiêu thụ dầu mỏ vẫn chật vật trong bài toán bảo đảm nguồn cung, trong khi triển vọng chưa rõ ràng của tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 với nguy cơ xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là những yếu tố không nhỏ chi phối sự ổn định của thị trường "vàng đen”.

Trong thời gian tới, yếu tố có xác suất khiến giá dầu đảo chiều cao nhất là thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, hoặc một sự đột phá trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Mỹ, vốn đang bị đình trệ từ tháng 3/2022.

An Ngọc (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm