Fidel Castro - Nghề nghiệp ngôn từ: Đi đến tận cùng của sự hiểu biết

16/11/2017 07:48 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bất kể ở đâu, bất kể trong trường hợp nào, bất kể gặp gỡ đối tượng nào, Fidel đều đến để thuyết phục người đối thoại.

Hồi đầu, khi Cách mạng mới thành công, các buổi mít tinh công cộng chỉ bắt đầu khi Fidel xuất hiện. Đã từ nhiều năm nay, ông luôn đến đúng giờ, chính xác đến từng phút, và độ dài của các bài phát biểu thì phụ thuộc vào sự sẵn sàng lắng nghe của cử tọa.

Chống lại mọi giáo điều

Những bài diễn văn như kéo dài vô tận của ông trong những năm đầu cách mạng nay đã thuộc về một thời kỳ quá khứ mà tưởng chừng đã đi vào huyền thoại. Bởi lẽ những điều ông muốn truyền đạt cho nhân dân ngay từ buổi đầu đã được làm rõ. Và cũng bởi lẽ phong cách Fidel đã hình thành qua sự rèn luyện từ chính những bài thuyết giảng đó.

Chưa bao giờ người nghe thấy ông lặp lại bất cứ câu khẩu hiệu cứng nhắc nào hay sử dụng một lối nói quen thuộc, sáo mòn - thứ ngôn ngữ hóa thạch đã xa rời thực tế, chỉ phù hợp với thứ báo chí tụng ca, dường như được sinh ra để che giấu chứ không phải để truyền bá. 

Chú thích ảnh
Những bài hùng biện của Fidel đã lôi cuốn người dân Cuba. Ảnh: Indian Express

Về bản chất ông là người chống lại mọi giáo điều, và óc tưởng tượng đầy sáng tạo của ông luôn luôn bay bổng ngay bên bờ của những điều kỳ dị. Rất hiếm khi ông đưa ra những câu trích dẫn xa lạ, kể cả trong những cuộc đối thoại lẫn trong các bài diễn văn.

Ông chỉ hay đề cập tới những câu nói nổi tiếng của Jose Marti, tác giả của những quyển sách gối đầu giường của ông. Fidel nắm tường tận nội dung của tất cả 28 tập của bộ sách và thiên tài của Fidel là đã đưa được tư tưởng của Marti vào mạch huyết của cuộc cách mạng mác-xít. Ông luôn tâm niệm việc quan tâm tới từng con người cụ thể chính là gốc rễ của công tác quần chúng. Điều đó lý giải niềm tin tuyệt đối của ông vào việc nói chuyện trực tiếp.

Những bài diễn văn khó nhất nằm trong chính những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ bất ngờ, như các cuộc nói chuyện của ông với sinh viên ở ngay sân trường đại học trong những ngày đầu Cách mạng. Ứng với mỗi hoàn cảnh, ông có cách sử dụng ngôn từ riêng, một cách thuyết phục riêng, phù hợp với từng đối tượng, từ công nhân, nông dân, sinh viên, nhà khoa học đến nhà chính trị, nhà văn hay khách du lịch.

Ông đặt mình vào địa vị từng người và luôn có thông tin đầy đủ, đa dạng để dễ dàng ứng xử trong mọi hoàn cảnh. Nhưng tính cách con người ông thì không ai có thể đoán định được. Mỗi người có một ấn tượng khác nhau về ông trong cùng một cuộc gặp.

Điều chắc chắc là: bất kể ở đâu, bất kể trong trường hợp nào, bất kể gặp gỡ đối tượng nào, Fidel đều đến để thuyết phục người đối thoại.

Chú thích ảnh
Fidel đọc báo ở chiến khu - 1957

Hồ hởi lao vào các vấn đề “xương xẩu”

Tôi không tin rằng trên thế giới này lại có người nào không bằng lòng trước thất bại như Fidel. Thái độ của Fidel đối với sự thất bại, dù trong từng hành động nhỏ nhất của cuộc sống, đều tuân theo một logic riêng. Ông không bao giờ chấp nhận nó và không ngừng suy tính từng phút, từng giây để tìm cách lật ngược tình thế và giành chiến thắng.

Nhưng đối với bất cứ vấn đề gì, bất kể ở đâu, chiến thắng của ông luôn nằm trong những cuộc chuyện trò không mệt mỏi. Chủ đề có thể là bất cứ điều gì theo sở thích của người nghe, nhưng thường xảy ra điều ngược lại: chính ông mới là người đem đến cho tất cả một đề tài chung. Điều này thường xảy ra trong thời gian mà ông đào sâu suy nghĩ về một ý tưởng nào đó, và không ai là người say mê hơn ông trong việc quyết tâm tìm đến ngọn nguồn của vấn đề.

Chú thích ảnh
Nhà văn Marquez, tác giả bài viết

Không có một dự án nào, dù lớn hay nhỏ mà ông lại không ấp ủ với một sự đam mê cuồng nhiệt. Đặc biệt là khi ông phải đương đầu với những khó khăn, trở ngại. Trong những lúc như vậy, ông lại càng phấn chấn hơn bao giờ hết, thoải mái và vui vẻ hơn lúc bình thường.

Có người bạn cho rằng mình rất hiểu Fidel từng đặt câu hỏi: “Sự việc khó khăn lắm hay sao mà trông anh lại có vẻ hồ hởi thế?” Trái lại, có người bạn nước ngoài mới nghe ông lần đầu từng bảo tôi: “Hình như Fidel bắt đầu già rồi hay sao ấy, tối hôm qua ông ấy đã nhắc đi nhắc lại đến bảy tám lần về cùng một vấn đề”.

Tôi phân tích cho ông khách này biết rằng thói quen nhắc đi nhắc lại như vậy là một thao tác làm việc của Fidel. Ví dụ như câu chuyện về vấn đề nợ nước ngoài của Mỹ La tinh từng xuất hiện trong các cuộc nói chuyện của ông cách đây mấy năm, dần dần mới phát triển, mở rộng và đi sâu thêm, tới mức gần như trở thành sự trăn trở thường xuyên.

Điều đầu tiên ông nêu lên có vẻ chỉ như một kết luận số học thuần túy: Nợ nước ngoài không thể trả được. Dần dần, trong ba lần đến La Habana liên tiếp sau đó, tôi lần lượt được biết những phát hiện mới của ông, đó là: tác động của nợ nước ngoài đến nền kinh tế các nước, vai trò chính trị, xã hội của nợ nước ngoài cũng như ảnh hưởng của nó đến các mối quan hệ quốc tế.

Cuối cùng, ông tổ chức một hội nghị lớn ở thủ đô Cuba, mời đông đảo chuyên gia các ngành đến dự; tại đây ông đọc một bài diễn văn đề cập tới tất cả mọi vấn đề mà ông đã từng đưa ra ý kiến thảo luận trong các cuộc gặp gỡ, trò chuyện trước đó. Đến lúc này thì ông đã có một cái nhìn tổng thể, toàn diện về vấn đề nợ nước ngoài mà chỉ có trải qua thời gian người ta mới dần dần nhận thức được đầy đủ.

Cá nhân tôi nghĩ rằng phẩm chất kỳ lạ của nhà chính trị trong ông là khả năng nhận ra sự vận động của sự vật cho tới tận cùng của nó. Nhưng năng lực khác thường ấy không phải do một thứ ánh sáng siêu nhiên nào dẫn dắt mà đó là kết quả của sự suy lý công phu và kiên nhẫn.

Là một người đối thoại không mệt mỏi, Fidel thường phát hiện mầm mống đầu tiên của một ý tưởng nào đó, và theo dõi sự phát triển của nó trong nhiều tháng thông qua những cuộc thảo luận không ngừng nghỉ, cho đến khi ông công bố toàn bộ lập luận của mình, giống như câu chuyện về vấn đề nợ nước ngoài nói trên. Thế rồi, một khi đề tài được kết luận thì cũng giống như một chu kỳ sống đã hoàn thành: ông đưa nó vào kho lưu trữ vĩnh viễn. Một chiếc cối xay ngôn từ như thế tất nhiên đòi hỏi sự trợ giúp của một nguồn thông tin liên tục được xử lý và tiêu hóa kỹ.

Trợ thủ lớn nhất của ông là trí nhớ, và Fidel thường vận dụng nó tối đa trong các bài phát biểu hay các cuộc nói chuyện với những lập luận đầy sức thuyết phục và các phép tính nhẩm cực nhanh.

Nhiệm vụ thu thập thông tin của ông được bắt đầu từ khi thức dậy. Ông thường điểm tâm với khoảng hai trăm trang tin tức toàn cầu mỗi ngày. Sau đó dù liên tục di chuyển, nhưng bất cứ ở đâu ông đều được cập nhật mọi tin tức quan trọng. Chính ông cho biết là hàng ngày ông phải đọc chừng 50 tài liệu. Đó là chưa kể các báo cáo của các cơ quan đặc biệt và thông tin từ các vị khách, tóm lại là tất cả những gì đáp ứng mối quan tâm bất tận của ông.

Mọi sự phóng đại về sự tò mò hiểu biết của ông chỉ có thể là gần đúng, kể cả trong những hoàn cảnh đặc biệt như một chuyến đi trên máy bay. Trong những lần như thế ông thường khá tất bật và mệt mỏi vì sự ham hiểu biết của mình: ông thường không ngủ, cũng không đọc sách, thậm chí chẳng ăn uống gì, mỗi khi có điều gì không hiểu rõ ông liền cho gọi nhân viên đội bay mang bản đồ hành trình đến và yêu cầu được giải thích, tại sao lại bay theo đường này mà không theo đường kia, vì sao tiếng động cơ lại thay đổi liên tục, vì sao máy bay lại xóc trong khi điều kiện thời tiết vẫn bình thường. Đối với ông, các câu trả lời cần phải rất chính xác, bởi vì ông có thể phát hiện ra những mâu thuẫn nhỏ nhất trong một câu nói bất kỳ.

Một nguồn thông tin quan trọng nữa là sách…

(kỳ 4) Cách Fidel đọc sách

Fidel Castro: Nghề nghiệp ngôn từ (kỳ 2): 'Học cách làm việc cũng quan trọng như học cách nghỉ ngơi'

Fidel Castro: Nghề nghiệp ngôn từ (kỳ 2): 'Học cách làm việc cũng quan trọng như học cách nghỉ ngơi'

Có lần Fidel từng nói như thế. Nhưng cách nghỉ ngơi của ông cũng thật là độc đáo, bởi nhiều khi nói chuyện cũng là một cách nghỉ ngơi.

G.G Marquez (Phạm Đình Lợi biên dịch) 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm