'Ép' học sinh yếu kém không thi vào lớp 10: Bệnh thành tích hay lỗi phân luồng hướng nghiệp?

23/04/2022 19:29 GMT+7 | Tin tức 24h

Những ngày gần đây, thông tin một số phụ huynh phản ánh liên quan đến việc giáo viên một số trường Trung học Cơ sở “ép” hoặc vận động phụ huynh có con học lớp 9 nhưng có học lực yếu kém không nên thi vào lớp 10 các trường Trung học Phổ thông công lập, đã làm dấy lên những phản ứng trái chiều trong xã hội.

Làm rõ thông tin vận động học sinh lớp 9 chuyển trường và không thi vào lớp 10 vì học lực yếu

Làm rõ thông tin vận động học sinh lớp 9 chuyển trường và không thi vào lớp 10 vì học lực yếu

Trước thông tin hiện tượng giáo viên yêu cầu học sinh lớp 9 học lực không tốt chuyển trường và không dự thi vào lớp 10 Trung học Phổ thông, sáng 20/4, đại diện hai trường cho biết, không có việc nhà trường tổ chức họp để tư vấn đối với phụ huynh học sinh về những nội dung trên.

Gốc rễ của vấn đề này đến từ đâu và cần giải quyết như thế nào đang là chủ đề “nóng” được trao đổi trên nhiều diễn đàn, với nhiều ý kiến khác nhau từ phía các nhà trường, giáo viên, chuyên gia tâm lý, giáo dục cũng như các phụ huynh, học sinh.

Đã đến lúc thay đổi thước đo hiệu quả giáo dục

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục – Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Chúng ta vẫn đang đánh giá “giỏi - dốt” theo những tiêu chuẩn áp đặt của người lớn với các em. Việc phân loại, dán nhãn học sinh giỏi, khá, trung bình để làm tiêu chí đánh giá các cơ sở giáo dục hay thành tích dạy giỏi của giáo viên có lẽ không còn phù hợp.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam: Trong nhiều năm, một cách chính thức hay phi chính thức thì ngành giáo dục vẫn lấy kết quả thi vào lớp 10 Trung học Phổ thông để đánh giá thi đua các trường, cân nhắc tiêu chí cho việc ưu tiên đầu tư, cất nhắc lãnh đạo. Chính vì vậy, những trường trong tốp đầu cũng sẽ luôn cố gắng giành lấy những học sinh giỏi nhất và loại trừ những học sinh không phù hợp với tiêu chí của trường.

Có thể thấy rằng, đằng sau điểm số của đứa trẻ có cả thể diện của cha mẹ, có cả uy tín của giáo viên và thành tích của nhà trường. Vậy làm sao mà không thành tích cho được. Và chúng ta dẫu có tuyên chiến với bệnh thành tích mạnh mẽ thế nào đi nữa thì cũng không thể triệt để được nếu vẫn giữ những quan niệm đánh giá như thế này.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: TTXVN

Vì vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam đề xuất: Có lẽ chúng ta cần phải đo hiệu quả giáo dục của các nhà trường thể hiện qua sự tiến bộ liên tục của trẻ về các mặt kiến thức, kĩ năng và đạo đức qua từng học kỳ và năm học. Tương tự, đánh giá giáo viên không phải chỉ ở việc luyện ra được bao nhiêu học sinh giỏi trong số các em chăm ngoan, có ý thức. Mà các thầy cô cần được đánh giá ở khía cạnh một giáo viên đã chuyển hóa được bao nhiêu học sinh mất động lực hứng thú học tập; gặp khó khăn trong phương pháp học tập bộ môn có lại niềm tin, có lại động lực, xác định lại được con đường tương lai của mình.

Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) cho rằng: Cha mẹ học sinh và bản thân các thầy, cô giáo chưa thấy được trách nhiệm của mình là để cho các em phát triển được các tiềm năng sẵn có của mỗi người, học không phải vì điểm, vì bằng cấp mà vì sự phát triển của bản thân. Giáo dục hiện nay vẫn chạy theo kiến thức, chạy theo điểm số, chạy theo thi cử.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, mỗi đứa trẻ có một thế mạnh riêng, tiềm năng riêng, không thể chỉ lấy Văn, Toán, Ngoại ngữ ra làm thước đo khả năng phát triển. Mặt khác, trẻ em có quyền được học tập, không ai có quyền ngăn cản, ngay cả bố mẹ. Hiện nay, chúng ta đang áp đặt lên trẻ em quá nhiều. Các em phải được tự lựa chọn thi như thế nào là phù hợp với khả năng của mình và đấy là quyền của các em.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cũng nhấn mạnh: Để khắc phục bệnh thành tích thì cần thay đổi cơ chế quản lý, thi đua, giao quyền tự chủ cho nhà trường, giáo viên để họ có những sáng kiến hỗ trợ học sinh. Điểm số hay bằng cấp không quan trọng, hạnh phúc của học sinh được phát triển đúng tiềm năng của mỗi người khi đến trường mới là quan trọng. Nói cách khác, không chỉ nhìn vào số lượng học sinh giỏi của mỗi lớp, mỗi trường mà cần đánh giá xem nhà trường, giáo viên đó đã hỗ trợ được bao nhiêu học sinh yếu kém vươn lên phát triển bản thân.

Phân luồng hướng nghiệp đã đi đúng hướng?

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025” với mục tiêu đến năm 2025, có 25-30% học sinh lớp 9 vào học giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp. Theo các chuyên gia giáo dục, chủ trương phân luồng, hướng nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, việc tư vấn dần "biến tướng" thành ép buộc, vô hình chung tước đi quyền được thi vào lớp 10 của nhiều học sinh có khả năng. Đây là sai với chủ trương ban đầu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng: Giáo viên cần hiểu rõ hướng nghiệp không phải là một công việc đơn giản, chỉ cần làm vào thời điểm cuối lớp 9 khi các em phải chọn lựa con đường học Trung học Phổ thông hay học nghề, mà nó phải được tiến hành trong cả quá trình khi học sinh vào trường Trung học Cơ sở để học tập. Tư vấn hướng nghiệp cũng phải tuân theo các nguyên tắc đạo đức cơ bản đó là thiện tâm và không gây hại, công bằng, chính trực và tôn trọng quyền tự quyết của học sinh.

“Hướng nghiệp của các giáo viên chỉ là phân tích một cách khách quan từ những bằng chứng thực tế qua quan sát, qua đánh giá kết quả học tập, qua phân tích yêu cầu nghề nghiệp và nhu cầu, xu hướng xã hội cần thiết cho một nghề nghiệp tương lai để các em có thể hiểu mình, hiểu nghề, hiểu các con đường đi tới thành công và tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về kế hoạch, con đường của bản thân mình”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Về vấn đề này, theo quan điểm của Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nếu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm “mượn danh” tư vấn hướng nghiệp để "ép" học sinh yếu kém chuyển trường hay làm đơn tự nguyện không thi vào lớp 10 công lập thì đây là một hành vi phản giáo dục, không mang tính nhân văn.

Bởi lẽ, với học sinh yếu kém, nhà trường và giáo viên cần tìm hiểu nguyên nhân khiến học sinh học kém, do nhận thức, do giáo viên hay do hoàn cảnh gia đình… để từ đó có các biện pháp hỗ trợ, tư vấn phù hợp. Có những trường hợp tuy quá trình học chưa tốt nhưng khi tập trung cố gắng, kết quả thi vẫn tốt, khi vào Trung học Phổ thông, học sinh đó vẫn tiến bộ và thi đỗ vào đại học. Vì vậy, việc tư vấn hướng nghiệp nên được thực hiện sau khi học sinh đã hoàn thành kỳ thi. Nếu khả năng của các em chưa đủ vào học lớp 10 thì có thể tư vấn để giúp các em tự nhận thức, tự trưởng thành, lựa chọn hướng đi khác.

Với công tác phân luồng hướng nghiệp, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh bày tỏ, đây là chính sách đúng nhưng việc triển khai hiện nay còn nhiều việc đáng bàn. Các nhà trường cũng chưa có phương pháp để phân luồng hướng nghiệp. Bản thân giáo viên chủ nhiệm không phải chuyên gia để làm việc này. Bên cạnh đó, chúng ta đã có cơ chế cho học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở vào học nghề, nhưng chương trình đào tạo, cơ hội việc làm, thu nhập sau khi ra trường  chưa đủ để tạo ra động lực thu hút người vào học.

Mặt khác, tâm lý chung của nhiều học sinh, phụ huynh hiện nay là sau khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở phải vào bằng được Trung học Phổ thông, sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông thì phải vào bằng được đại học, bất chấp năng lực học tập và khả năng tài chính.

Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, phụ huynh nên bỏ định kiến đi học nghề là thấp kém và coi con đường lên Trung học Phổ thông rồi lên Đại học là duy nhất để thành công. Muốn định hướng tốt cho các con ngay từ khi chuẩn bị kết thúc bậc Trung học Cơ sở, phụ huynh phải xem con có năng lực, sở trường ra sao, từ đó đưa ra những lựa chọn phù hợp với con mình, với điều kiện gia đình và nhu cầu của xã hội. Phụ huynh cần tỉnh táo, thận trọng, vì lợi ích và sự phát triển tốt nhất của con em mình.

Việt Hà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm