Đường nào cũng dẫn đến Roma

10/05/2016 21:14 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Con đường của Ludwig Hofmaier cũng vậy. Năm 1967 ông chỉ là một trong số hàng triệu người hành hương về thánh địa Vatican, tuy nhiên chuyến đi của ông không giống ai, vì nó có giá 200... đôi găng tay.

Giáo hoàng Phaolô VI

... đã đợi sẵn! Lịch sử thành Roma có lẽ cũng đã chứng kiến nhiều chuyện lạ đời. Không thiếu những người đi bộ, cõng bố mẹ bị bệnh hay vượt trùng dương từ lục địa khác để yết kiến Giáo hoàng hay chỉ đơn giản được đặt chân lên miền đất thiêng. Nhưng một khi đích thân Giáo hoàng ra cửa ngõ thành phố để đón Ludwig “Lucki“ Hofmaier vào mùa Hè 1967 thì ắt hẳn Ngài phải có lý do đặc biệt.

Và quả thật: Lucki trồng cây chuối đi qua cổng và sau khi hôn nhẫn của Giáo hoàng còn đi thêm một “vòng danh dự“ quanh Vatican - chặng cuối cùng của chuyến hành hương đặc biệt trên hai tay, dài 1.070 cây số. Trước đó ba tháng Lucki xuất hành từ Regensburg (bang Bavaria thuộc Đức) về phía Roma, và không ai tin ông sẽ đến nơi.


Sau hơn 1.000 km Ludwig Hofmaier đã đến quảng trường Thánh Phêrô ở Roma để đạt được ước mơ lớn nhất của mình: hôn nhẫn Giáo hoàng

“Từ nhỏ tôi đã di chuyển bằng tay nhiều hơn bằng chân“, Lucki kể lại khi đã ở tuổi 74 khả kính. Từ năm 2013 ông là một trong năm thương nhân chuyên mời mua đồ cổ trên màn ảnh nhỏ. Mọi người xem chương trình này ít nhất một lần, chỉ để mục kích người sở hữu kỷ lục kỳ dị, và không hiếm người lắc đầu nghi ngờ.

Ông cụ cao 1,55m và béo tròn trùng trục kia đã vượt cả ngàn cây số bằng hai tay, trong khi nhiều vận động viên có hạng phải bỏ cuộc? “Hôm đó là ngày 21 tháng Tư, khi tôi lên đường.“ Vô số nhà báo và xe truyền hình từ khắp thế giới đổ về đây để chứng kiến giờ phút trọng đại, non nửa số đó sẽ theo ông về tận Vatican.

Hồi  lên 7

... Lucki đã đi hai tay trên mái nhà. “Cha mẹ tôi không lấy đó làm vui, dĩ nhiên“, Lucki kể tiếp.Với tài giữ thăng bằng độc nhất vô nhị, ông bắt đầu một sự nghiệp thể thao hoành tráng, giật vô số giải thể dục nghệ thuật của bang và toàn quốc. Nhưng Lucki còn có tài diễn xuất và tham gia các hội hóa trang ở quê nhà.


Dân Roma kinh ngạc khi Lucki tiến vào phố Via Veneto đông người

Và trong một lần chén chú chén anh, ý tưởng về chuyến đi dài được sinh ra, thực ra chỉ vì một bạn nhậu hỏi: “Cậu đi trên tay tối đa bao xa?“ 20 cây số, Lucki đoán. Một cuộc cá cược bắt đầu với phần thưởng 500 Mark, và hành trình bắt đầu từ Saal (nơi sinh của Lucki bên bờ sông Danube) và đích đến là Regensburg.

Ngày ấy hạ sĩ Hofmaier phải làm việc trong doanh trại và chỉ tối đến mới được tập. Ông cứ “đi“ khoảng 200 mét rồi nghỉ, đến tận 2 giờ đêm, sau đó phải về doanh trại ngủ. Các bạn ông đánh dấu nơi ông dừng chân, xin lỗi, dừng tay. Sau bốn đêm thì quả thật ông đến Regensburg và từ đó thấy đi chân không vui bằng “đi tay.“ Tuy nhiên Lucki không định cá cược vớ vẩn nữa.

Trên báo có tin một đồng môn của ông ở Pháp đi được 70km. Lucki quyết tâm phá kỷ lục đó và chọn quãng đường từ Regensburg đến Munich: 132km. Lần này phần thưởng là 2.000 Mark. Đường làng thì không sao, nhưng vào thành phố thì Lucki phải xin phép cảnh sát giao thông. “Tôi xin nơi nào cũng được. Ở Landshut cảnh sát bật đèn đỏ ở tất cả các ngã tư để tôi không phải đợi".


Cảnh sát chặn xe cộ để Hofmaier “đi“ qua

Kỷ lục thứ 2 của Hofmaier

... kéo dài đúng 48 tiếng, chia đều vào 13 ngày. Thị trưởng Munich Hans-Jochen Vogel đích thân ra đón, và từ đó trở đi Lucki trở thành một dạng ”anh hùng dân tộc”, được các chương trình tivi chuyền tay nhau. Lucki biến năng khiếu đó thành doanh nghiệp hái tiền. Ông đi tay trên mái nhà để quảng cáo cho nhiều sản phẩm thương mại, bán cả chữ ký và dùng tên tuổi của mình để mở lần lượt ba quán bia ở Regensburg.

Nhưng Lucki chưa thấy thỏa mãn. “Hôm nay Giáo hoàng tiếp cả các ca sĩ và diễn viên, chứ cách đây nửa thế kỷ thì đó là một sự kiện vô cùng hiếm hoi” - và thế là Lucki đổ mồ hôi tập luyện cho một sự kiện có một không hai: mỗi ngày ông hít đất 200 lần, kéo xà 80 cái và đi tay vài trăm mét. Một nhà máy găng tay sản xuất riêng cho ông loại găng siêu bền.

Để kỷ lục đi Roma được công nhận, người ta phải cử một nhóm nhà chức trách theo ông - một công chứng viên, một thợ nhiếp ảnh, một huấn luyện viên và vài nhân viên y tế. Một ông bầu phải đi trước đoạn đường bằng ô tô, đo chính xác độ dài, xin phép cảnh sát giao thông, và quan trọng nhất là thu tiền quảng cáo của các doanh nghiệp địa phương muốn "ăn theo sự kiện".


Hofmaier khiến mọi người khâm phục, riêng chàng David của Michelangelo ngó lơ

1967

... Lucki và đội chăm sóc lên đường. Khắp nơi ông được chào đón như một ngôi sao nhạc pop. Ông phát chữ ký cho các fan nữ và thậm chí trình cả hộ chiếu ở biên giới trong tư thế trồng cây chuối. Hofmaier chia quãng đường thành từng chặng tối đa 3km, sau đó ông nghỉ, chỉ uống Ovomaltine, ăn rau và quả. Buổi tối ông ngủ trong xe cắm trại đúng 6 giờ sáng là lại lên đường.

Sau ba tháng Lucki tiến vào quảng trường Thánh Phêrô trong Thành Vatican. Đội cận vệ Thụy Sĩ của Giáo hoàng Phaolô VI đứng chào hai bên đường khi Giáo hoàng tiếp Hofmaier. Vatican cấm các nhà báo chụp ảnh, vì vậy không ai biết giờ phút trọng đại của Lucki ra sao.  

Lucki nhận được vô số lời mời, kể cả đóng phim, và ông biểu diễn trò đi tay trên các nhà cao tầng mà không có dây bảo hiểm. “Tôi đã làm gì thì phải làm cho đến nơi đến chốn“, đó là phương châm của ông.

Để cho công bằng, cũng phải nói thêm là Hofmaier không hề lập nên kỷ lục thế giới về đi bằng tay. Theo thông tin của hãng Guinness World Records, kỷ lục ấy cho đến hôm nay vẫn thuộc về Johann Hurlinger, một người Áo. Năm 1900 Hurlinger đi tay từ Vienna đến Paris, tổng cộng 1.400 km trong 55 ngày, mỗi ngày 10 tiếng.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm