Du lịch góp phần đưa hình ảnh đẹp của di sản Việt Nam ra thế giới

08/10/2021 15:25 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Hội thảo "Vai trò của cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp trong quản lý du lịch tại các di sản: Kinh nghiệm Tràng An" đã diễn ra ngày 8/10.

Cơ hội để du lịch Hà Nội phục hồi, tăng trưởng

Cơ hội để du lịch Hà Nội phục hồi, tăng trưởng

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang đến rất gần, là thời điểm ngành du lịch Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung mong chờ, nhất là khi đã trải qua thời gian dài ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây cũng là cơ hội để ngành du lịch Thủ đô phục hồi, từng bước lấy lại đà tăng trưởng.

Đây là sự kiện do Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Đại sứ quán Colombia tại Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Sự kiện nằm trong hoạt động hợp tác triển khai Bản Ghi nhớ hợp tác du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cùng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Du lịch Colombia, thu hút hàng trăm chuyên gia, đại biểu của 2 nước chia sẻ nhiều thông tin, chính sách, kinh nghiệm về vai trò của cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương, doanh nghiệp trong quản lý du lịch tại các di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh, trong đó có Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Du khách đi thuyền tham quan khu du lịch Tràng An. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề liên quan đến quản lý du lịch tại điểm du lịch di sản, phát huy được giá trị văn hóa, tinh thần của di sản, góp phần đưa danh tiếng di sản đến với người dân và thế giới; bảo tồn những giá trị này một cách bền vững…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh: Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới ngành du lịch, song chúng ta có quyền hy vọng, sự quay trở lại và phát triển mạnh mẽ của ngành trong thời gian tới. Chuỗi sự kiện này sẽ là tiền đề để định hướng rõ ràng cho sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch 2 quốc gia trong tương lai.

Ông Hà Văn Siêu chia sẻ: Colombia có nhiều di sản thế giới nổi tiếng như Cảnh quan văn hóa cà phê Colombia, Vườn quốc gia Chiribiquete, Trung tâm lịch sử Santa Cruz de Mompox, Công viên khảo cổ quốc gia Tierradentro, Hệ thống đường Inca… Còn Việt Nam tự hào với 8 di sản thế giới được UNESCO ghi danh, trong đó có di sản thiên nhiên (Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng), di sản văn hoá (Hoàng thành Thăng Long, Đô thị Cổ Hội An, di tích Cố đô Huế, Thành nhà Hồ, Thánh địa Mỹ Sơn) và đặc biệt là Di sản hỗn hợp văn hoá và thiên nhiên - Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Thông qua du lịch di sản, Việt Nam mong muốn truyền bá vẻ đẹp và tinh thần của những di sản này đến bạn bè thế giới.

Chú thích ảnh
Vịnh Hạ Long. Nguồn: TTXVN

Quần thể danh thắng Tràng An được chính thức ghi nhận vào danh mục Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới – di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á vào năm 2014 với những giá trị nổi bật được công nhận dựa trên 3 tiêu chí (văn hóa, vẻ đẹp thẩm mĩ và địa chất địa mạo). Hầu hết khách du lịch đến với Ninh Bình đều đến với Di sản Tràng An.

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh chia sẻ: Danh hiệu di sản thế giới đã tạo điểm nhấn quan trọng, đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhớm 15 điểm đến hàng đầu, top 10 các tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước), được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đánh giá, bình chọn. Tuy nhiên do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, trong năm 2020 và 2021 các hoạt động du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Để chủ động ứng phó và thích ứng, đồng thời chuẩn bị nguồn lực để duy trì tốc độ phát triển du lịch sau khi kiểm soát được dịch bệnh, Sở Du lịch, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã triển khai nhiều biện pháp kịp thời. Trong đó có giải pháp kích cầu du lịch, đưa ra các sản phẩm hấp dẫn với mức giá ưu đãi, cam kết giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ để thu hút khách nội địa; kết nói với các đơn vị lữ hành, nhà hàng, khách sạn, điểm đến để tạo chương trình kích cầu nội địa. Các sản phẩm kích cầu chú trọng tính mới lạ, độc đáo, gần gũi với các giá trị văn hóa truyền thống và cảnh quan nông nghiệp, nông thôn và nông dân...

Thời gian tới, Ninh Bình xây dựng các chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp trong tình hình mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong xúc tiến, quảng bá. Tỉnh cũng phát triển các sản phẩm mới thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chủ động tiếp cận và mở rộng khách quốc tế, tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa.

Thanh Giang/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm