Dự báo thời tiết: Vùng áp thấp gây mưa lớn, dông mạnh trên Biển Đông và đất liền

07/10/2020 16:39 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 7/10, vùng áp thấp đã đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Đến chiều 8/10, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km.

Dự báo thời tiết: Áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa, cả nước có mưa

Dự báo thời tiết: Áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa, cả nước có mưa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm 6/10, các khu vực trong cả nước đều có mưa, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh tại Tây Nguyên và Nam Bộ.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, vùng biển ngoài khơi từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa rào và dông mạnh, khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7. Sóng biển cao 2-3m ở Bắc vịnh Bắc Bộ, 2-4m ở Nam vịnh Bắc Bộ.

Không khí lạnh cũng gây gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8 ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, biển động. Khu vực Bắc Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo: Khi có bão, áp thấp nhiệt đới mà các thuyền viên neo đậu tàu, thuyền không đúng chỗ, không đúng cách thì vẫn bị thiệt hại do tàu, thuyền va đập vào nhau và do sóng đánh lật úp tàu. Để hạn chế thiệt hại, khi neo đậu tàu, thuyền thì các thuyền viên cần chú ý rằng ở những bến bãi không có cầu tàu thì neo đậu tàu, thuyền theo hướng thẳng góc với bờ, giữ cho khoảng cách giữa các tàu thuyền đủ rộng để tránh va đập vào nhau; tuyệt đối không neo đậu tàu thuyền theo hướng song song với bờ, vì như thế tàu thuyền rất dễ bị sóng đánh thẳng vào mạn làm lật úp tàu; thả cả neo đáy và neo bờ để giữ cho tàu thuyền cố định; sử dụng các lốp xe hơi cũ treo ở thành tàu thuyền, mạn tàu thuyền và cả mũi tàu thuyền để hạn chế va đập vào nhau và va đập vào cầu tàu thuyền; không neo đậu tàu thuyền dưới hoặc bên cạnh các cầu giao thông, không lấy trụ cầu để buộc neo.

Trên đất liền, ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, đêm 7/10 và ngày 8/10, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Phú Yên, Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm, riêng tại Đà Nẵng có nơi mưa trên 150mm.

Từ ngày 7 đến ngày 10/10, các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-600mm; Nghệ An có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến là 100-200mm. Cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai do mưa lớn là cấp 2; riêng tại Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế là cấp 3.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên. Các huyện, thành phố có nguy cơ cao gồm: Vũ Quang, Hương Sơn tỉnh (Hà Tĩnh), Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình); Hướng Hóa, Đakrông (tỉnh Quảng Trị); A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền (Thừa Thiên-Huế); Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng); Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Đại Lộc, Nam Giang, Quế Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam); Trà Bồng, Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, thành phố Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi); An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định); Phú Hòa, Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên); Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông (tỉnh Kon Tum); KBang (tỉnh Gia Lai); Ea Sup, M Đrak, Krông Năng (tỉnh Đăk Lắk).

Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền.

Nhóm P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm