Doanh nhân Lê Hoài Anh: Người phụ nữ tuyên chiến với tội phạm ấu dâm

08/03/2017 08:44 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Phía sau người phụ nữ ấy là một cơ nghiệp đồ sộ. Hầu như không ai là không biết đến tên tuổi người phụ nữ đã tiên phong đưa các dòng mỹ phẩm, làm đẹp và hàng hiệu trên thế giới về với thị trường Việt Nam từ hơn hai chục năm trước.

Nhưng câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ cùng độc giả nhân dịp 8/3 năm nay, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Cho dẫu nữ doanh nhân giàu sang, quyền quý đó với vô vàn thăng trầm sóng gió trong cuộc đời cũng như trong kinh doanh thì dẫu bao lần truyền thông, thậm chí cả phim ảnh cũng khó mà khai thác hết được.

Người phụ nữ đặc biệt đó chính là doanh nhân Lê Hoài Anh.


Doanh nhân Lê Hoài Anh từng có một "tuổi thơ dữ dội." (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Một góc khuất mà người phụ nữ đó đã giấu kín hơn 40 năm để rồi một ngày, trước những chuyện bất bình, để đấu tranh vì những số phận em thơ, đấu tranh với cái ác... chị đã không ngần ngại đưa ra trên trang cá nhân có quá nhiều người theo dõi của mình, trên báo chí, và ngay lập tức "gây bão."

Khi mà Hoài Anh chia sẻ chuyện mình bị chú họ xâm hại tình dục khi mới chỉ có 9 tuổi với cộng đồng đã khiến rất nhiều người bất ngờ và khâm phục chị - người phụ nữ quyết liệt và bản lĩnh trên thương trường, trong đời sống riêng, với những chương trình thiện nguyện bền bỉ suốt nhiều năm qua, nay dũng cảm khơi lại nỗi đau tuổi ấu thơ. Cũng có không ít hoài nghi về động cơ, về tính xác thực của câu chuyện...

Nhưng với Hoài Anh, chị bỏ ngoài tai thị phi như đã từng không ít lần, Hoài Anh duy nhất tâm niệm, cần phải đấu tranh với tội ác và đưa ra những cảnh tỉnh xã hội.  

Nỗi đau cần 18 năm để lãng quên…

* Thưa chị Hoài Anh, xin chị cho độc giả được biết, vì sao chị lại quyết định chọn thời điểm này mà không phải bất kỳ lúc nào khác để nói lên toàn bộ câu chuyện đau lòng mà chị vốn muốn giữ kín cho riêng mình trong suốt mấy chục năm qua?

- Tôi không định chọn thời điểm này để công bố điều đó mà thực ra tôi đã quên rồi. Cho đến khi đọc được bài báo viết về chuyện xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu và những thông tin liên quan, tôi đã rất bức xúc và chia sẻ về trang facebook cá nhân.

Ba ngày sau, có tới hơn 120 người nhắn tin cho tôi qua facebook liên quan tới vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, hậu quả nhiều em bị vô sinh, bị bệnh xã hội. Có những trường hợp rất khủng khiếp khiến 3 ngày đó tôi bị ám ảnh mạnh.

Tất cả những ký ức đau khổ đã bị quên lãng của tôi vì thế lại kéo về. Sau khi suy nghĩ rất nhiều tôi đã quyết định phải chia sẻ câu chuyện của mình. Bởi thực ra tôi cũng là người có ảnh hưởng trong cộng đồng mạng, cũng là một doanh nhân được nhiều người biết đến. Do đó, tôi nghĩ câu chuyện của mình sẽ giúp gióng lên hồi chuông về thực trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam thực sự đã và đang trở thành vấn nạn đáng báo động.

Tôi muốn mọi người có nhận thức và quan tâm hơn về vấn đề này.


Doanh nhân Lê Hoài Anh muốn gióng lên hồi chuông về thực trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam thực sự đã và đang trở thành vấn nạn đáng báo động. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

* Là một đứa trẻ, một thiếu nữ, rồi trở thành một người đàn bà, trong chặng đường dài đó hẳn chị đã phải rất khó khăn để vượt qua nỗi buồn đau tuổi ấu thơ. Tôi vẫn chưa thể hình dung nổi, một đứa trẻ mới 9 tuổi là chị đã phải đối diện và trải qua chuyện đó như thế nào?

- Lúc đó tôi có rất nhiều nỗi lo sợ. Thời tôi không có internet, trẻ em chưa được giáo dục giới tính nên tôi chỉ thấy việc ấy rất là xấu, rất khủng khiếp và đau đớn.

Tôi đã rất sợ hãi, vì người đó dọa giết tôi, dọa làm hại bố mẹ tôi. Tôi biết bố tôi là người cha vô cùng thương con. Khi ấy ông lại đang công tác trong quân đội, có súng nên tôi sợ nếu biết chuyện có thể ông sẽ bắn chết họ thì phải đi tù. Suy nghĩ trẻ con của tôi chỉ là như vậy. Mặc dù rất muốn nói nhưng tôi đã không dám.

Chuyện đó không thể quên được và ám ảnh tôi suốt những năm tháng ấu thơ. Tôi từ một cô bé năng động, nghịch ngợm trở thành đứa trẻ sống khép kín, không còn vô tư chơi đùa như chúng bạn và lúc nào cũng sợ bí mật của mình bị phát hiện. Tôi sớm trưởng thành hơn bạn bè đồng trang lứa và mọi người lúc nào cũng thấy tôi có nét gì đó buồn buồn.

Ngày xưa, vấn đề trinh tiết người phụ nữ rất quan trọng, nên tôi cũng lo lắng không biết có lấy chồng được không. Và rồi tôi quyết định lập gia đình sớm năm 19 tuổi, khi mới đang học đại học năm hai và rời khỏi Hà Nội để quên đi quá khứ.

* Thông thường những trường hợp bị ám ảnh tâm lý như chị dễ rơi vào trạng thái sợ hãi, xa lánh đàn ông, nhưng vì sao chị lại lấy chồng sớm như vậy. Liệu rằng có mâu thuẫn gì không, thưa chị?

- Thực tế, tôi đã bị trầm cảm tới tận năm 27 tuổi. Mặc dù sợ đàn ông nhưng tôi rất sợ sẽ không lấy được chồng. Lúc đó, tôi tính trong đầu là phải lấy chồng và sinh con vì gia đình neo người. Những năm đó, với đàn ông, tôi có thể có tình cảm chứ hầu như không có nhu cầu tình dục, kể cả khi có chồng rồi.

* Sau đó chị đã giải thoát khỏi những ám ảnh thời thơ bé như thế nào?

- 27 tuổi mới thoát khỏi chuyện cũ khi tôi gặp được một người bạn là bác sỹ tâm lý. Bạn ấy đã đoán ra bí mật của tôi và đó là người đầu tiên tôi kể câu chuyện buồn của mình. Bạn đã giải thích và phân tích rất nhiều để sau đó tôi có thể quên đi và sống một cuộc sống bình thường.


Chị Hoài Anh cần 18 năm để quên đi quá khứ đau buồn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Ấu dâm là tội ác”

* Sau tất cả, khi đã lập gia đình và trở thành một bà mẹ của một cô con gái, bằng những kinh nghiệm và trải nghiệm của mình chị đã bảo vệ và giáo dục con mình ra sao để cô ấy có được cuộc sống an toàn và hạnh phúc?

- Ngay từ khi con còn rất nhỏ, tôi đã tránh và không để ai, kể cả người ruột thịt tiếp xúc với những bộ phận nhạy cảm của con. Khi con bắt đầu lớn, tôi đã giáo dục cháu rằng có những bộ phận nhạy cảm mà ngoài mẹ ruột ra không nên để người khác giới, người lạ động chạm vào. Tôi cũng luôn tạo khoảng cách giữa cháu với các chú bác, cậu hay anh em họ.

Khi con lớn, tôi cũng thường dặn cháu rằng phụ nữ đến tuổi nào mới nên có quan hệ tình dục và quan hệ đó phải xuất phát từ tình yêu thương, nếu quan hệ không xuất phát từ tình yêu, hay bị ai đó cưỡng bức thì con phải phản kháng và về kể với mẹ.

* Tôi có thể hỏi chị điều này không, rằng khi chị phơi bày sự thật đau lòng từ quá khứ như vậy, gia đình chị đã phản ứng thế nào, đặc biệt là con gái chị?

- Có hai người mà tôi sợ họ sẽ buồn nhất là mẹ và con gái. Tôi sợ mẹ sẽ cảm thấy có lỗi khi ngày xưa đã không bảo vệ được con.

Đến lúc này có lẽ mẹ và con gái tôi đã biết chuyện qua báo chí. Tuy họ im lặng nhưng tôi tự cảm nhậm thấy rằng họ đang chia sẻ một cách thầm lặng với nỗi đau của tôi.

Và ngoài ra, ông xã giống như người bạn của tôi. Chỉ có điều anh lập gia đình với tôi khi đã biết cuộc đời tôi phải trải qua nhiều đau khổ. Do đó, tôi vẫn tin anh sẽ thông cảm với mình.

Nhưng vì muốn gióng lên tiếng chuông và giúp đỡ các em bé, tôi mong những điều tôi nói ra sẽ được dư luận quan tâm đúng mức tới vấn đề ấu dâm và sẽ cương quyết bảo vệ các em, quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm này. Tôi muốn mọi người hiểu ấu dâm là một tội ác cũng nặng như tội giết người.


(Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Tôi sẵn sàng đi đến cùng”

* Thời gian qua, liên tiếp những vụ ấu dâm xảy ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ Hà Nội tới Vũng Tàu…, khiến những đứa trẻ ngây thơ bị hủy hoại không thương tiếc bởi những kẻ bệnh hoạn đáng tuổi ông, cha… Bao sự thật phơi bày khiến cộng đồng bàng hoàng, kinh hãi và phẫn nộ về cái gọi là nhân tính, đạo đức làm người.

- Tôi nghĩ rằng đây sẽ thực sự là một cuộc chiến. Chúng ta cần sự chung tay của cộng đồng trong cuộc chiến này. Để làm điều đó, không chỉ cần có những người có uy tín, có danh tiếng được xã hội nể trọng đứng ra kêu gọi, tập hợp sức mạnh, mà hơn hết là cần sự hoàn thiện của một thể chế, nâng cao ý thức trách nhiệm của những người có thẩm quyền để các vụ án ấu dâm được đưa ra ánh sáng công lý chứ không còn cảnh “núp bóng” hòa giải rồi “chìm xuồng” như nhiều vụ việc thời gian qua.

* Vậy theo chị, người phụ nữ đã và đang lên tiếng mạnh mẽ nhất để bảo vệ những đứa trẻ vô tội, lúc này chúng ta cần làm gì để bảo vệ các em?

- Tôi không đồng ý với những trường hợp hòa giải vì đó là tội ác. Chúng ta cần phải có chế tài, luật định, phải kết tội nặng những kẻ xâm hại tình dục trẻ em thì mới có tác dụng răn đe.

Tôi là người có trải nghiệm trong chuyện đó và cũng sẽ vận động vài trường hợp trong số hơn 120 hoàn cảnh vừa liên lạc với tôi chia sẻ câu chuyện của mình để tuyên chiến với tội phạm ấu dâm. Tôi sẵn sàng đi đến cùng. Xã hội cần phải có cái nhìn đúng đắn về loại tội phạm này.

* Sau khi kêu gọi sự quan tâm và chung sức của cộng đồng, chị đã nhận được kết quả thế nào rồi?

- Tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các luật sư giỏi. Đặc biệt, trong vụ xâm hại cháu bé 8 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội vừa qua, tôi nhận được sự giúp đỡ của các ban, ngành, các đoàn thể. Vụ án đang được đẩy nhanh tiến độ để khởi tố ra tòa. Gia đình cháu bé cũng rất hợp tác với luật sư. Công an quận, viện kiểm sát quận Hoàng Mai cũng quan tâm và tôi hy vọng các thủ tục cần thiết sẽ sớm hoàn thiện.

Rất nhiều tờ báo, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Sở Lao động-Thương binh và xã hội Hà Nội đều bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ, sẵn sàng giúp các luật sư và tôi trong công việc này.


Chị mong mỗi người mẹ hãy là một người bạn của con mình để có thể đồng hành, thấu hiểu và bảo vệ các con. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Mỗi người mẹ hãy là bạn của con mình…

* Xin cho biết, quỹ từ thiện Thiện Việt của chị có hướng tới dành ngân quỹ cho các trường hợp trẻ em là nạn nhân của tội phạm ấu dâm không?

- Các hoạt động chủ yếu của quỹ hiện nay là dành cho các trẻ em nghèo học giỏi. Khi xảy ra những vụ việc xâm hại trẻ em, tôi cũng sẽ cố gắng vận động các nhà tài trợ và bản thân cũng đóng góp nhiều hơn để dành chi phí cho việc chống lại nạn bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em.

Hiện nguồn quỹ từ thiện của tôi là đóng góp từ lợi nhuận các công ty của tôi và cá nhân tôi được khoảng 1,3-1,5 tỷ đồng/năm, thêm khoảng 1 tỷ đồng từ kêu gọi các doanh nhân thân thiết với tôi. Như vậy tổng quỹ hoạt động hàng năm có khoảng 2,5 tỷ đồng.

* Theo dõi những hoạt động vì cộng đồng của chị thời gian qua, tôi tin trong con người chị là cái đầu lạnh của một doanh nhân tài năng, một trái tim ấm nóng tình thương cảm của một người mẹ, một tấm lòng nhân hậu của một người đàn bà luôn hướng tới chân-thiện-mỹ. Tôi muốn hỏi, điều gì khiến chị cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa mỗi ngày?

- Cuộc sống của tôi hiện rất yên ổn và hạnh phúc. Gia đình an yên với mẹ, với chồng,với con và công việc vào guồng quay ổn định. Nhưng tôi cũng muốn nhiều người phụ nữ được như thế. Chính vì vậy tôi hay làm từ thiện vì muốn san sẻ may mắn, san sẻ những kinh nghiệm của mình tới mọi người.

* Chị có lời nhắn nhủ nào dành cho các bà mẹ có con ở tuổi vị thành niên?

- Điều quan trọng nhất tôi muốn mỗi bà mẹ hãy là một người bạn của con mình, lắng nghe các con và phải trang bị cho các con kiến thức về giới tính từ khi các cháu còn nhỏ, rồi sau đó tùy theo từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý của các con mà bổ sung thêm kiến thức.

Trẻ em là tương lai của gia đình, xã hội nên các mẹ hãy là bạn, là chỗ dựa tinh thần và hiểu các con để làm sao các con luôn thân mật, gắn kết với mẹ.

* Xin cảm ơn những chia sẻ của chị.


Mỗi năm, Quỹ Thiện Việt của chị dành 2,5 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm