Dân vận khéo 'hóa giải' vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tại Long Biên, Hà Nội

14/03/2021 08:38 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Công tác đền bù giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề lớn và rất nan giải đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Hà Nội bấy lâu. Khi đô thị phát triển nhanh chóng, đất đai đắt đỏ, việc thu hồi đất cho dự án càng gặp muôn vàn khó khăn và thực tế đã có nhiều mâu thuẫn, xung đột nảy sinh. Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Long Biên lần thứ IV, quận đã chọn chủ đề “Dân vận khéo trong giải phóng mặt bằng” để tháo gỡ “nút thắt” và thời gian qua đem lại nhiều kết quả tốt.

Hà Nội đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

Hà Nội đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

Chiều 28/8, UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, các lực lượng chức năng của huyện vừa hoàn thành việc tổ chức cưỡng chế thi hành Quyết định thu hồi đất đối với 7 hộ gia đình tại thôn Đoài và thôn Đông, xã Kim Nỗ để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất xen kẹt phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất.

* Thành công nhờ công tác dân vận

Quận Long Biên được chia tách từ huyện Gia Lâm, sau 18 năm thành lập, từ cơ sở vật chất nghèo nàn nay đã trở thành đô thị lớn, hiện đại, đồng bộ bậc nhất Thủ đô. Để được kết quả này, quận đã thực hiện khoảng 2.000 dự án lớn nhỏ, với diện tích đất đai phải giải phóng đền bù rất lớn.
 
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên, để giải quyết khối lượng công việc lớn như vậy, bài học kinh nghiệm là lâu nay quận chú trọng công tác dân vận và được triển khai một cách sâu rộng.

Khi triển khai một dự án, quận đưa ra tiêu chí 7 bước thực hiện, trong đó chú trọng công khai minh bạch quy hoạch, giá đền bù, đồng thời tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng, tâm tư nguyện vọng từng hộ dân để giải quyết thấu tình đạt lý.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phần lớn các dự án trước đây, khi triển khai gặp rất nhiều sự phản đối, nhất là liên quan đến giá cả đền bù. Điển hình, dự án mở rộng tuyến đường Ngô Gia Tự từ cầu Chui đến cầu Đuống thực hiện đền bù kéo dài trong gần 20 năm không hoàn thành. Quận Long Biên xem đây là việc quan trọng đóng góp cho sự phát triển đại phương nên đã ban hành nhiều văn bản và quyết tâm chỉ đạo, trong đó chú trọng tuyên truyền chủ trương, chính sách, vận động nhân dân, nhất là các bậc lão thành cách mạng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Nhờ tập trung công tác dân vận, trong hơn 2 năm (2009-2011), Long Biên đã hoàn thành công tác giải tỏa, thi công tuyến đường này. Đến nay, nhiều người dân đã cảm nhận và vui mừng trước sự đổi thay, phát triển từ dự án.

Một dự án điển hình khác là giải tỏa mở rộng tuyến đường Đoàn Khuê - Trường Lâm nối với Ngô Gia Tự, tuyến huyết mạch đi vào Trung tâm hành chính quận và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Đây là tuyến đường nhỏ hẹp, mật độ xe cộ đi lại rất lớn, khi thực hiện dự án người dân phản đối gay gắt. Nhờ vận động tốt, người dân chấp hành, quận đã hoàn thành chỉ trong vòng 1 năm (năm 2019). 
Ông Nguyễn Quốc Long, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Long Biên, nguyên Chủ tịch UBND phường Đức Giang cho biết, bài học để thành công ở cơ sở là nhờ công tác dân vận. Công tác này cần được quan tâm thường xuyên, cán bộ muốn dân tin phải gương mẫu, có trí tuệ, nắm vững chính sách, đồng thời kiên trì, bền bỉ để tuyên truyền các nội dung đúng người, đúng đối tượng...

* Mô hình cần nhân rộng

Sở dĩ quận Long Biên chọn chủ đề Dân vận khéo cho năm 2021 bởi lẽ nhờ công tác dân vận, quận đã "hóa giải" thành công nhiều việc khó và khi triển khai được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Theo ông Đinh Quang Luận, Bí thư Đảng ủy phường Việt Hưng, đây là mô hình cần nhân rộng vì khi lãnh đạo quận quan tâm, các cấp ủy đảng cơ sở sẽ vào cuộc quyết liệt hơn. Thực tế trên địa bàn quận nói chung và phường Việt Hưng nói riêng có nhiều dự án nhưng có rất ít vụ việc bức xúc, nổi cộm.

Tâm đắc với chủ trương chung của quận, ông Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch UBND phường Long Biên nhiều năm làm công tác giải phóng mặt bằng đã luôn bám sát công tác dân vận. Ông Nguyễn Đức Hùng cho biết, công tác dân vận tốt sẽ giúp hạn chế bức xúc của nhân dân và cũng tiết kiệm ngân sách, đỡ lãng phí thời gian, vật chất vào việc bất đắc dĩ là cưỡng chế đối với công dân của mình. Đồng tình quan điểm trên, Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm cho rằng, khi người dân hiểu rõ chủ trương, đồng cảm với cán bộ sẽ dễ triển khai. Nếu thực hiện cưỡng chế cũng sẽ xong việc nhưng người dân bức xúc, tâm không phục.

Những người dân nằm trong vùng dự án chuẩn bị mở đường rộng 40 mét giao cắt với Nguyễn Văn Cừ, như bà Nguyễn Thị An Phong, chị Lưu Thị Thu Hằng, Trịnh Thị Hạnh, ông Nguyễn Văn Bích (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) đều phấn khởi bởi cán bộ phường rất sâu sát tuyên truyền hiểu rõ mục đích dự án, người dân được nhận tiền đền bù thỏa đáng. Quận nhanh chóng bố trí đến khu tái định cư khang trang, ổn định cuộc sống. Việc người dân, đảng viên gương mẫu chấp hành cũng là noi gương cho các hộ dân khác đồng thuận. 

Thời gian qua, khi triển khai bất kỳ một dự án nào quận Long Biên luôn đặt câu hỏi thay cho người dân là: Đầu tư để giải quyết cái gì và đạt mục đích gì? Sau đó công bố công khai cho nhân dân được biết. Quận xây dựng và ban hành cuốn sổ tay “Sáu quy chế dân chủ trong các loại hình” phổ biến cho các Tổ dân vận và niêm yết công khai. Sau khi kiện toàn nhân sự  những người có năng lực tham gia vào Tổ dân vận, quận lên chương trình mời Ban Dân vận Trung ương về giảng lý luận, gắn liền với thực tiễn công tác dân vận tại cơ sở. Chủ tịch UBND quận Long Biên chuẩn bị các bộ tài liệu như là “giáo án” để nói chuyện chuyên đề về các chủ trương chính sách của quận cho hàng trăm cán bộ ở 214 Tổ dân vận các phường.

Quận đánh giá tổng kết công tác dân vận ở cơ sở dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó chú trọng việc người dân hài lòng và đồng thuận với chính quyền. Trước mỗi buổi giao ban công tác dân vận toàn quận, Ban Dân vận Quận ủy Long Biên phối hợp với các đoàn thể, chính quyền cử cán bộ đi quay phim, chụp ảnh trên các tuyến đường, vỉa hè, dự án… Những nơi làm tốt hoặc chưa tốt đều được minh họa bằng hình ảnh, dẫn chứng cụ thể để chấn chỉnh kịp thời. 

Nhờ vậy, quận Long Biên đô thị hóa một cách nhanh chóng, từ chỗ chỉ có 3 tuyến đường huyết mạch là Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Linh và Ngọc Lâm, đến nay đã có 97 tuyến đường lớn kết nối bàn cờ, giao thông đi lại rất thuận tiện. Quận đã xây dựng được cơ sở hạ tầng hiện đại với 31 chợ, 87 trường học công lập, 4 trung tâm thương mại như Vin Com, Aeon, Big C, Sabeco; 7 bệnh viện đa khoa lớn như Việt Pháp, Tâm Anh, Hồng Ngọc, Bắc Hà, Sài Đồng, Đức Giang không những phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trong quận mà còn cả nhiều nơi khác.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, quận Long Biên dự kiến triển khai 354 dự án lớn nhỏ, với tổng nguồn vốn gần 12.000 tỷ đồng, là khối lượng công việc rất lớn. Quận đang đẩy mạnh công tác dân vận, tạo sự đồng thuận lớn trong dân cư nhằm giải phóng kịp thời các khu đất, đẩy nhanh xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Nguyễn Văn Cảnh - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm