Đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở Italy

14/05/2021 19:38 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Italy lâu nay nằm trong số những nước có tỉ lệ sinh thấp nhất ở châu Âu và tỉ lệ này càng giảm mạnh do đại dịch COVID-19.

Dịch Covid-19: Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận mức tăng số ca nhiễm mới kỷ lục

Dịch Covid-19: Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận mức tăng số ca nhiễm mới kỷ lục

Đài Loan (Trung Quốc) ngày 14/5 ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, trong bối cảnh sự lây nhiễm trong cộng đồng tại thủ phủ Đài Bắc lan rộng và chính quyền kêu gọi người dân đi xét nghiệm.

Năm 2020, dân số của Italy đã giảm gần 400.00 người, gần bằng dân số của thành phố Florence, xuống 59,3 triệu dân do số ca tử vong tăng, số trẻ sơ sinh chào đời giảm xuống mức thấp nhấp và dân nhập cư giảm.

Các chuyên gia cảnh báo có ít trẻ sinh ra ngày nay đồng nghĩa là sẽ có ít người lao động nộp thuế trong tương lai, khiến cho đất nước ít có khả năng sản xuất cũng như hỗ trợ cho dân số đang bị lão hóa. Lâu nay, đây là vấn đề đáng lo ngại đối với các xã hội phương Tây, song mối đe dọa này ngày càng hiện hữu hơn ở Italy, nước có nền kinh tế đình trệ nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).   

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang đợi xe buýt ở Rome, Italy, ngày 11/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Italy Mario Draghi đã cam kết xây dựng thêm các nhà trẻ, hỗ trợ cho phụ nữ đang đi làm và tăng cường các khoản vay cho các cặp vợ chồng trẻ trong khuôn khổ kế hoạch phục hồi hậu đại dịch của Italy được Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, trị giá 221 tỉ euro (269 tỉ USD). 

Phát biểu tại Thượng viện vào tháng trước, ông Mario Draghi, nêu rõ: "Chúng ta phải đáp ứng 3 nhu cầu của lớp trẻ để khuyến khích họ xây dựng một gia đình. Đó là phúc lợi xã hội dồi dào, một ngôi nhà và một công việc ổn định".

 Hệ thống an sinh xã hội của Italy hiện đang chịu gánh nặng của người cao tuổi, với phần lương hưu và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhóm người này đã chiếm một phần lớn trong ngân sách của chính phủ, gây thiếu hụt trong ngân sách dành cho các thế hệ trẻ hơn.

Giống như các vùng khác ở miền Nam Italy, thị trấn Caltagirone trên đảo Sicily vốn nổi tiếng với nghề làm đồ gốm và mang nét kiến trúc thế kỷ 17 nằm dưới sự bảo vệ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), đang trải qua suy thoái kinh tế và là điểm nóng  của khủng hoảng nhân khẩu học.  

Số trẻ sơ sinh được sinh ra trong thị trấn này mỗi năm đã giảm một nửa từ năm 1999 đến 2019, giảm từ 532 em xuống 265 em, khiến thị trấn này nằm trong top 10 thị trấn có tỉ lệ sinh giảm mạnh nhất ở Italy. Anh Luca Giarmana, 27 tuổi, cư dân thị trấn cho biết tình trạng này có liên quan tới sự suy giảm chung của nền kinh tế trong 20 năm qua, khiến lớp trẻ khó có thể kiếm được việc làm, khó có thể ổn định tình hình mà đây là những điều kiện tiên quyết để xây dựng gia đình. 

Năm 2012, số trẻ chào đời ở Italy đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nước này thống nhất vào năm 1861, xuống khoảng 534.000 em. Kể từ đó, mỗi năm nước này đều lập kỷ lục mới về tỉ lệ sinh ở mức thấp. Năm 2020, đại dịch COVID-19 hoành hành ở nước này, khiến số trẻ được sinh ra giảm xuống còn 404.000 em. Cơ quan thống kê quốc gia Italy (Istat) dự báo con số này sẽ giảm hơn nữa, xuống còn 384.000-393.000 em vào năm 2021, phần lớn do đại dịch COVID-109 gây ra.

Trước tình hình đáng lo ngại trên, Chính phủ Italy đang đề ra Luật gia đình nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con, trong đó có cung cấp phúc lợi dồi dào hơn cho trẻ em, thời gian nghỉ việc dài hơn của người cha để chăm sóc con mới sinh và các biện pháp khuyến khích khác. Kế hoạch này đã nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia, song sẽ phải mất nhiều năm mới thấy được hiệu quả.

Minh Châu/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm