Đà Nẵng với nhiều điểm sáng trong thu hút đầu tư thời điểm dịch bệnh

31/08/2021 23:19 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư linh hoạt, kể cả trong những thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động thu hút đầu tư của thành phố vẫn tiếp tục có những điểm sáng. Trong đó, những dự án nổi bật đã bắt đầu phát huy hiệu quả.

Đà Nẵng đặt trọng tâm phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao

Đà Nẵng đặt trọng tâm phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ký Quyết định số 892/QĐ-UBND lấy ngày 28/8 hàng năm là ngày Chuyển đổi số.

Báo cáo của Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố cho biết, trong giai đoạn 2018-2020, thành phố thu hút đầu tư 77 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng và 341 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 847,3 triệu USD.

Có thể kể đến một số dự án là “sếu đầu đàn” mà Đà Nẵng đã kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin… đến nay đã cho ra sản phẩm như: dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Tập đoàn UAC, Hoa Kỳ); Nhà máy Niwa Foundry Việt Nam, sản xuất các bộ phận thủy lực (Nhật Bản); Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina của Công ty TNHH ICT Vina Dentium Đà Nẵng (Hàn Quốc); Nhà máy số ESTEC (Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ điện tử tự động Biển Đông - ESTEC)…

Sau các dự án nổi bật kể trên, từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố tiếp tục thu hút một số dự án ấn tượng khác, kỳ vọng tiếp tục tạo ra những điểm sáng trong hoạt động sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Chú thích ảnh
Quy trình tự động hóa giúp các công ty công nghệ cao tối đa năng suất mà không cần nhiều nhân lực. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Đó là các dự án: Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise (Hoa Kỳ) với vốn đầu tư 110 triệu USD; Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản) với vốn đầu tư 35 triệu USD; EPE Packaging Việt Nam tại Đà Nẵng (Nhật Bản) với vốn đầu tư 300.000 USD; Nhà máy sản xuất Bảo Ngọc miền Trung của Công ty CP Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc với vốn đầu tư 160 tỷ đồng; Trung tâm Logistics Vinalog Khu công nghiệp Hòa Khánh của Công ty CP đầu tư Vinalog với vốn đầu tư 75 tỷ đồng; NABUA sản xuất phần mềm của Nhà đầu tư Thụy Sỹ vào Khu Công nghệ thông tin tập trung.

Ngoài ra, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng đã có văn bản chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư và giới thiệu địa điểm đối với một số dự án của Hoa Kỳ.

Ban quản lý KCNC&CKCN cho biết, từ đầu năm đến nay, KCNC, khu công nghệ thông tin tập trung và các KCN Đà Nẵng đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án, trong đó có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký lần lượt là 145,33 triệu USD (chiếm hơn 99,13% tổng vốn FDI thu hút vào thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2021) và 481,4 tỷ đồng.

Lũy kế đến nay, KCNC, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các KCN đã thu hút được 503 dự án, trong đó có 373 dự án trong nước và 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư lần lượt là 27.563 tỷ đồng và 1,854 tỷ USD.

Trong 7 tháng qua, tổng doanh thu sản xuất công nghiệp của KCNC&CKCN trên địa bàn thành phố ước đạt hơn 19.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 522,3 triệu USD, bằng 136,64% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm tỷ trọng 64,17% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố, nộp ngân sách đạt hơn 2.500 tỷ đồng, bằng 108,85% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 23,5% trong tổng thu ngân sách toàn thành phố.

Thời gian qua, thành phố thực hiện những chính sách cởi mở, thông thoáng để xúc tiến đầu tư nhằm hỗ trợ trực tiếp nhà đầu tư trong và ngoài nước trong suốt quá trình đầu tư, sản xuất tại thành phố. Đặc biệt, thành phố luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác quốc tế thông qua việc liên kết, hợp tác thương mại với các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Singapore...

Để tạo chuyển biến tích cực thu hút đầu tư trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng đã đề xuất một số giải pháp như: tập trung hoàn thiện hồ sơ, chính sách thu hút đầu tư; chuẩn bị sẵn quỹ đất trong và ngoài KCN để đón dòng vốn dịch chuyển; tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư tại chỗ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết các thủ tục đầu tư.

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, cần tăng cường tiếp xúc trực tuyến với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến đầu tư, các công ty tư vấn, các ngân hàng tại các thị trường trọng điểm, các quốc gia đang có chính sách chuyển dịch dòng vốn đầu tư để tập trung kêu gọi đầu tư vào thành phố.

Thảo Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm