Đà Nẵng với dấu mốc đặc biệt của chủ quyền của dân tộc

02/09/2021 15:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Qua 5 năm (8/8/2017 - 8/8/2021) xây dựng và phát triển, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã đạt được những thành tựu bước đầu, xứng đáng là nơi tuyên truyền, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Qua đó, cổ vũ tinh thần, ý chí bảo vệ chủ quyền trong nhân dân.

Mỗi đợt nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9, Đà Nẵng trở thành điểm đến đặc biệt của du khách

Mỗi đợt nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9, Đà Nẵng trở thành điểm đến đặc biệt của du khách

Chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, thành phố đón gần 158.000 lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, khách quốc tế ước đạt 49.000 lượt, khách nội địa ước đạt 109.000 lượt.

Nơi lưu giữ bằng chứng chủ quyền biển, đảo

Nhà trưng bày Hoàng Sa là thiết chế văn hoá, lịch sử mang ý nghĩa chính trị đặc biệt. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu thông tin, tư liệu, bản đồ minh chứng quá trình khai phá, xác lập, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời kỳ chúa Nguyễn cho đến nay.

Được xây dựng trên tổng diện tích 1.296 m2, với hơn 300 tư liệu, hiện vật, phương án trưng bày được thiết kế theo 5 chủ đề: Vị trí đia lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa; Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời nhà Nguyễn;

Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam ở thời nhà Nguyễn (1802 - 1945); Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa từ năm 1945 - 1974; Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay.

Chú thích ảnh
Nhà trưng bày Hoàng Sa trở thành điểm tham quan du lịch của thành phố Đà Nẵng. Nguồn: TTXVN

Trong 5 năm qua, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã đạt những kết quả nhất định trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản tư liệu và tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 12-2019, Nhà trưng bày Hoàng Sa chính thức trở thành điểm tham quan du lịch của thành phố Đà Nẵng, thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu. Tính đến nay, nhà trưng bày thu hút hơn 60.000 lượt khách đến tham quan với hơn 1.000 đoàn khách.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa được chú trọng với hình thức tuyên truyền tại điểm qua không gian trưng bày và những hoạt động khác như tổ chức chương trình “Giờ học ngoại khoá” cho đối tượng học sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tổ chức cuộc thi về biển đảo cho học sinh như: vẽ tranh với chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa của chúng em”, cuộc thi “Tìm hiểu về Hoàng Sa - Biển đảo quê hương”, cuộc thi “Xây dựng video về Hoàng Sa - Biển đảo quê hương”.

Ngoài ra, Nhà trưng bày tổ chức triển lãm “Tư liệu báo chí Hoàng Sa”, trưng bày gần 300 bài báo, tư liệu về quần đảo Hoàng Sa; trưng bày lưu động “Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc Việt Nam” tại các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Những tư liệu trưng bày đã cung cấp kiến thức bổ ích về quần đảo Hoàng Sa, ươm mầm tình yêu quê hương đất nước, biển đảo thiêng liêng, giúp các em học sinh có nhận thức, hành động đúng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Khơi dậy và lan tỏa lòng yêu nước, ý thức chủ quyền

Hiện nay, Nhà trưng bày Hoàng Sa chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Tháng 1-2019, nhà trưng bày tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay” để nghiên cứu thực trạng và tìm kiếm những giải pháp, phương hướng phù hợp trong công tác truyền thông giáo dục.

Hội thảo đã tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận, đề xuất của các nhà khoa học để công tác truyền thông giáo dục về biển đảo, nhất là Hoàng Sa đạt hiệu quả.

Nhà trưng bày Hoàng Sa thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng cơ sở dữ liệu và các giải pháp truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa cho học sinh các trường THCS, THPT ở thành phố Đà Nẵng”, nhằm đánh giá thực trạng về biển đảo nói chung và Hoàng Sa nói riêng cho học sinh;

các vấn đề đang đặt ra đối với việc giáo dục biển đảo cho học sinh. Đây được xem là hoạt động thiết thực nhằm đánh giá thực tế để đưa ra phương hướng đúng, sát sao trong công tác giáo dục về chủ quyền biển đảo.

Trong thời gian qua, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã nỗ lực cùng các ngành, các cấp, tập trung nguồn lực, đổi mới cách làm, khơi dậy tình yêu nước và sự ủng hộ của cộng đồng vì chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; để công tác tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa ngày càng lan tỏa, tác động mạnh mẽ trong cộng đồng. Đồng thời, đóng góp tích cực trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đúng với quán triệt của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trong buổi lễ khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa tổ chức ngày 28-3-2018: “Khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa thực ra chúng ta mới chỉ đi một nửa đoạn đường. Nửa đoạn đường còn lại là làm sao để nhà trưng bày hoạt động với hiệu quả cao nhất, phát huy tối đa công suất phục vụ, xem đây là một khâu quan trọng trong toàn bộ cuộc đấu tranh ngoại giao học thuật để đòi lại Hoàng Sa.

Muốn thế, UBND huyện đảo Hoàng Sa mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ viên chức công tác tại nhà trưng bày phải hết sức năng động, không ngừng đổi mới hình thức hoạt động theo hướng một bảo tàng hiện đại, từ việc tiếp tục tìm kiếm tư liệu hiện vật để làm phong phú, đa dạng nội dung trưng bày, cho đến nâng cao năng lực bảo quản tư liệu hiện vật, cho đến nghệ thuật thuyết minh, hướng dẫn sao cho chạm tới trái tim người xem”.

Lê Na

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm