Cuộc chiến chống thuốc lá lậu: Còn nhiều gian nan

06/07/2016 09:41 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có hàng trăm loại thuốc lá nhập lậu, trong đó thuốc lá Jet và Hero chiếm tới hơn 90%. Việc không ngăn chặn được thuốc nhập lậu đã gây thất thu ngân sách nhà nước mỗi năm hơn 6.000 tỷ đồng thuế.

Tình trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng trở nên phức tạp, nhất là vào những tháng cuối năm, vì đây là sản phẩm siêu lợi nhuận.

Thất thu trên 6.000 tỷ đồng mỗi năm

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/5/2014 về tăng cường các biện pháp phòng chống thuốc lá lậu và Quyết định 2371/QĐ-TTG ngày 26/12/2014 về tiêu huỷ toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu thay vì tái xuất như trước đây.

Tiếp đó, ngày 19/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 124/NĐ-CP, có hiệu lực từ 5/1/2016, quy định hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thay vì 1.500 bao trước đây.


Buôn lậu thuốc lá tại An Giang

Nhờ vậy, trong năm 2015, thuốc lá lậu đã bị đẩy lùi đáng kể, lượng thuốc lá lậu đã giảm khoảng 30%, thị phần thuốc lá nhập lậu chỉ còn 15-20%. Các doanh nghiệp thuốc lá trong nước đã phục hồi được thị trường nội địa, dần lấy lại những thị phần đã mất từ thuốc lá nhập lậu.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay lượng thuốc lá nhập lậu có dấu hiệu gia tăng trở lại, số lượng vận chuyển quy mô lớn và công khai diễn ra trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Theo khảo sát thực tế dọc tuyến biên giới các tỉnh Tây Nam và sang Campuchia, thuốc lá điếu nhãn hiệu Jet và Hero được sản xuất bởi Công ty Thương mại thuốc lá Sumatra của Indonesia đang tràn vào.  


Khách hàng dễ dàng mua thuốc lá nhập lậu tại các chợ vùng biên giới

Quan sát tại cảng biển Sihanouk Ville (thành phố Sihanouk Ville – Campuchia), thuốc lá cập cảng trong các container, sau đó vận chuyển theo quốc lộ 4 về thủ đô Phnôm- Pênh. Tại đây, các công ty nhập khẩu mở container bán cho các nhà buôn người Campuchia và Việt Nam để vận chuyển ra biên giới Việt Nam bằng xe tải hay tàu thủy, về các tỉnh biên giới Tây Nam như: Tây Ninh, An Giang, Long An, Đồng Tháp và Kiên Giang… hay khu vực miền Trung qua Lao Bảo (Quảng Trị).  

Theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, sở dĩ tình trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng trở nên phức tạp, bất chấp sự kiểm soát của pháp luật, là do buôn lậu thuốc lá đang lại siêu lợi nhuận. Thuốc lá lậu do trốn thuế TTĐB 70%, thuế VAT 10%, thuế NK 135% và phí đóng góp 1% Quỹ  Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) nên được bán rẻ hơn nhiều so với thuốc lá sản xuất trong nước (với cùng chủng loại, cùng phân khúc). Tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra sôi động đã gây thất thu ngân sách hàng năm trên 6.000 tỷ đồng.

Điều quan trọng hơn nữa, thuốc lá lậu không phải in cảnh báo sức khỏe nên được người tiêu dùng ưa thích, trong khi không biết rằng thuốc lá lậu với các thành phần cấm sử dụng, không chịu bất kỳ kiểm soát nào về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nên có tác hại gấp nhiều lần so với thuốc lá sản xuất hợp pháp.

Thêm nhiều kiến nghị  

Trước thực trạng này, tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” vừa được tổ chức vào cuối tháng 4/2016, Hiệp Hội Thuốc lá Việt Nam đã đề nghị Chính Phủ, các bộ, ban ngành tiếp tục phát huy hiệu quả Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ,

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; các địa phương trong cả nước chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu, đặc biệt là việc bày, bán thuốc lá lậu tại các chợ đầu mối, tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn... góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tăng thu ngân sách và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.


Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu

Ngoài ra, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng kiến nghị trích 50% Quỹ PCTHTL cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu, vì mỗi năm số tiền đóng góp vào quỹ này khoảng 400 tỷ đồng và chỉ sử dụng cho các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá như các hoạt động truyền thông, xây dựng chính sách, tìm hiểu, khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài… nên dư đọng quỹ này còn rất nhiều. Trong khi đó, các cơ quan trực tiếp chống buôn lậu thuốc lá lại rất thiếu kinh phí, phương tiện, để thực hiện nhiệm vụ.

Để làm được, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Chính phủ đệ trình Quốc hội sửa Luật PCTHCTL. Theo đó, cho phép chuyển việc quản lý Quỹ PCTHCTL về Bộ Tài chính vừa phù hợp với chức năng quản lý chuyên môn và có thể trích khoản 50% Quỹ PCTHTL cho công tác đấu tranh phòng chống thuốc lá nhập lậu. Đây là việc cần làm ngay, vì thuốc lá nhập lậu vừa trốn thuế vừa rất nguy hại cho sức khỏe cộng đồng do không kiểm soát được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Phước Ngọc
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm