Chuyên gia nhận định bệnh viêm gan bí ẩn có khả năng cao vào Việt Nam

06/05/2022 08:30 GMT+7 | Tin tức 24h

Song song với Covid-19 thì căn bệnh viêm gan “bí ẩn” với đối tượng bệnh nhân chủ yếu là trẻ em đang là điều khiến giới khoa học và mọi người rất quan tâm hiện nay. Chia sẻ với Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Thu Anh – giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam, thuộc Đại học Sydney, Úc cho biết, hiện có hơn 20 quốc với gần 230 trẻ em trên khắp thế giới ghi nhận mắc chứng viêm gan này.

Indonesia phát hiện thêm các ca nghi mắc viêm gan lạ ở trẻ em

Indonesia phát hiện thêm các ca nghi mắc viêm gan lạ ở trẻ em

Bộ Y tế Indonesia thông báo phát hiện thêm một số ca nghi mắc bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em.

Con số này chưa tính 50 ca đang trong quá trình xác minh. Và trong đó, đã có 5 ca không qua khỏi và 10% trẻ em phải tiến hành ghép gan: “Hiện chưa rõ tốc độ lây nhiễm như thế nào nhưng ban đầu cho thấy không nhanh như Covid-19” – bà Thu Anh đánh giá.

Tiến sĩ Thu Anh cho biết thêm, nguyên nhân ban đầu mới chỉ dừng ở mức nghi ngờ, cho rằng là do adenovirus gây ra. Song không phải tất cả trẻ em mắc bệnh đều dương tính với adenovirus. Adenovirus sẽ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn đường hô hấp hoặc bề mặt đồ vật có dính virus.

Chú thích ảnh
Thế giới đang tiếp tục ghi nhận thêm bệnh nhi mắc viêm gan lạ. Ảnh: Hindustan Time

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo các triệu chứng điển hình của bệnh viêm gan lạ bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, vàng da hoặc mắt, men gan tăng cao. Do chưa biết được nguyên nhân cụ thể nên phương pháp chữa trị hiện tại là điều trị theo triệu chứng phát sinh. Nếu bệnh nhân tiến triển nặng thì sẽ cho ghép gan.

Chú thích ảnh
Các bệnh nhi được điều trị theo triệu chứng phát hiện ra. Ảnh minh họa: The Sun

Tiến sĩ Thu Anh đánh giá, khả năng virus vào Việt Nam là rất cao và khó tránh khỏi. Do đó, việc cần làm là cảnh giác để phát hiện, báo cáo ca bệnh, cập nhật thông tin trên thế giới. Ngoài ra, cha mẹ có con nhỏ cũng nên theo dõi triệu chứng ở trẻ, đặc biệt là biểu hiện như WHO khuyến cáo.

“Hầu hết trẻ mắc viêm gan không tiêm vaccine Covid-19 nên vaccine không phải nguyên nhân. Vẫn chưa thể khẳng định nhóm trẻ nào dễ mắc bệnh viêm gan ‘bí ẩn’ này” – tiến sĩ Thu Anh nói.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine Covid-19 được cho không phải là nguyên nhân gây ra bệnh. Ảnh: Taiwan News

Trang Reuters có viết, các chuyên gia cho rằng những con số liên quan đến bệnh viêm gan lạ rất có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Rất nhiều quốc gia đang tăng cường quan sát dấu hiệu bất thường của làn sóng dịch bệnh mới này.

Hầu hết các ca bệnh được phát hiện ở châu Âu, một số khác rải rác ở châu Mỹ, Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Song điều khiến các nhà khoa học bối rối nhất bây giờ là các ca bệnh được phát hiện đều rất đa dạng khi không trẻ nào dương tính với virus gây viêm gan thông thường.

Chú thích ảnh
Hình ảnh dưới kính điện tử của adenovirus - virus được cho là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các ca bệnh. Ảnh: Science Source

Tuy nhiên, nói về căn bệnh này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn khối Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM khuyên mọi người không nên quá hoang mang. Bác sĩ Khanh nhận định bệnh lây qua đường hô hấp nhưng không phải cứ tiếp xúc với virus là sẽ lây bệnh. Thêm vào đó, tỉ lệ nhiễm hiện nay là khá rải rác nên chưa cần thiết phải tính đến bước cách ly.

Do tính chất phức tạp mà căn bệnh viêm gan lạ này vẫn đang được giới khoa học trên thế giới tích cực nghiên cứu. Hi vọng họ sẽ sớm tìm ra kết quả có ích giúp ngăn chặn bệnh.

Do chưa biết được nguyên nhân chính xác gây bệnh nên việc tìm ra phương pháp điều trị đặc hiệu vẫn là cái khó đối với các nhà khoa học. Song căn bệnh viêm gan lạ trên đây vẫn tạm được xác định là do virus gây ra. Do đó, mọi người cần chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như nơi ở sạch sẽ. Ngay cả khi không chắc chắn ngăn ngừa nhiễm bệnh cũng sẽ giúp mọi người hạn chế tối đa bị lây.

Nguyễn Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm