Chuyên gia Mỹ chỉ ra những thách thức trong cuộc chiến với biến thể Delta

19/08/2021 15:41 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 xuất hiện và lây lan nhanh đã ảnh hưởng tới nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19 của thế giới thời gian qua. Nhiều nước, trong đó có Mỹ, tưởng chừng đã có thể quay trở lại nhịp sống bình thường sau khi đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho phần lớn người dân, hiện vẫn đang chật vật đối phó với nguy cơ bùng phát những làn sóng lây nhiễm mới.

Anh cho rằng hiệu quả của vaccine Covid-19 giảm dần trước biến thể Delta

Anh cho rằng hiệu quả của vaccine Covid-19 giảm dần trước biến thể Delta

Kết quả nghiên cứu sức khỏe cộng đồng ở Anh cho thấy khả năng bảo vệ của hai loại vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng nhiều nhất hiện nay nhằm phòng ngừa biến thể Delta là Pfizer/BioNTech và AstraZeneca giảm sau 3 tháng tiêm mũi thứ 2.

Trước thực trạng trên, phóng viên TTXVN tại New York đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Chris Dickey chuyên ngành Y tế Toàn cầu thuộc Đại học New York (NYU). 

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ

Theo Giáo sư Dickey, nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến chống dịch, trong đó một vấn đề khó giải quyết là nhiều người không muốn tiêm vaccine và có quan điểm tiêu cực đối với việc đeo khẩu trang, trong khi biến thể Delta đang lây lan rất nhanh và những người đã tiêm vaccine đầy đủ vẫn có nguy cơ lây nhiễm.

Vì vậy, Chính phủ Mỹ sẽ phải đưa ra những điều chỉnh chính sách để ứng phó tình hình hiện nay, trong đó có việc khuyến nghị tiêm bổ sung liều vaccine thứ 3 đối với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao; quy định tiêm vaccine bắt buộc đối với các quân nhân, viên chức nhà nước; các trường đại học cũng yêu cầu giảng viên, nhân viên và sinh viên phải tiêm vaccine.

Tuy nhiên, nhiều nước khác cũng lên kế hoạch tiêm mũi vaccine bổ sung đang làm dấy lên tranh cãi về bất bình đẳng, Giáo sư Dickey cho rằng cần đảm bảo quyền tiếp cận vaccine công bằng cho tất cả mọi người và các nước giàu cần cố gắng đáp ứng điều này vì lợi ích của chính mình. Giáo sư Dickey nhấn mạnh dịch bệnh sẽ tiếp diễn cho đến khi nào tất cả mọi người tiếp cận được với vaccine.

Chẳng hạn, nếu tất cả người dân Mỹ đã tiêm vaccine thì vẫn còn rất nhiều người từ các nước khác đến Mỹ. Chỉ một nơi còn dịch cũng tạo ra nguy cơ đối với tất cả các nước khác. Do đó, các nước giàu có trách nhiệm đảm bảo việc tiếp cận vaccine công bằng. Việc đưa vaccine đến các nước thu nhập thấp là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là cần đưa đến những cộng đồng cần vaccine nhất.

Bên cạnh đó, Giáo sư Dickey cho rằng quyền sở hữu trí tuệ về vaccine có thể là một trở ngại đối với việc giải quyết nguồn cung vaccine. Theo ông, hiện rất khó dự đoán liệu có thể đưa công nghệ sản xuất vaccine trở thành nguồn mở và tất cả mọi người được quyền tiếp cận như Tiến sĩ Jonas Salk đã từng làm đối với vaccine bại liệt hay không. Ngay cả khi quyền sở hữu trí tuệ về vaccine COVID-19 được chia sẻ cho tất cả mọi người thì vẫn cần một thời gian dài để đưa các cơ sở sản xuất đi vào hoạt động và tăng tốc để có thể sản xuất số lượng lớn. Như vậy, đây có thể là một giải pháp lâu dài nếu COVID-19 vẫn lây lan mạnh.

Theo Giáo sư Dickey, chỉ có thể giải quyết vấn đề trước mắt nếu các công ty sản xuất vaccine ngay lập tức tăng cường sản xuất để tăng tối đa sản lượng. Điều này đồng nghĩa phải có các thỏa thuận mua, bán vaccine hoặc các loại thỏa thuận khác để đảm bảo có nhiều vaccine được sản xuất và lưu hành trong thời gian ngắn hạn. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh trước khi quay trở lại trường học ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Đề cập cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về khả năng xuất hiện thêm những biến thể mới của virus SARS-CoV-2, thậm chí có một hoặc vài biến thể kháng vaccine, Giáo sư Dickey cho rằng thế giới sẽ không quay trở lại vạch xuất phát hồi tháng 2 và tháng 3/2020. Ông khẳng định mRNA là một nền tảng rất tốt để phát triển vaccine, vì vậy, thế giới sẽ không phải đợi 1 năm để có vaccine trong trường hợp xuất hiện các biến thể mới có khả năng kháng các loại vaccine hiện nay. 

Trước những diễn biến phức tạp hiện nay của dịch bệnh COVID-19, Giáo sư Dickey cho rằng các nước cần điều chỉnh chính sách và biện pháp để ứng phó hiệu quả. Theo đó, trong công tác tiêm chủng cần xác định những người thực sự cần vaccine nhất, không phải những người có đủ khả năng mua hoặc thậm chí những người đăng ký tiêm đầu tiên, mà là những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất và dễ làm lây lan dịch bệnh nhất.

Trường hợp không có đủ vaccine, các nước cần quan tâm việc ban hành các chính sách bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng kể cả ở ngoài trời, hay thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp tương tự đã triển khai trong thời gian qua. Giáo sư Dickey khẳng định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội là những biện pháp mà đến nay đã được chứng minh là rất hiệu quả.

Ngoài ra, Giáo sư Dickey cũng đưa ra khuyến nghị đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, về chiến lược phòng, chống đại dịch COVID-19, theo đó cần tập trung giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm virus của người dân và điều quan trọng hơn là cần tập trung vào các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe như tình trạng nghèo đói, điều kiện sống, nước sạch, không khí sạch và các yếu tố làm tăng nguy cơ tiếp xúc với virus.

    Quang Huy - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm