Chơi mạng xã hội - 'đứt mạng' như chơi

26/03/2022 18:30 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu không tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội, nếu đã "hiền lành", lại còn "hồ đồ", rất có thể, bạn sẽ "đứt mạng" như chơi.

Xác minh vai trò những người giúp bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện các buổi livestream

Xác minh vai trò những người giúp bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện các buổi livestream

Quá trình điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh xác định bị can Nguyễn Phương Hằng quản lý 12 kênh mạng xã hội thường xuyên đưa các thông tin chưa được kiểm chứng và lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.

Điểm tựa với người phụ nữ có phải là tiền bạc?

Nhà bác học thiên tài Archimedes từng nói: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nhấc bổng Trái Đất lên". Còn với những ai sống không thể thiếu mạng xã hội ngày nay, họ lại có quan điểm khác: "Hãy cho tôi kết nối mạng, tôi có thể khiến bạn phải kết nối lại với tôi".

Nhưng đừng nghĩ mạng xã hội có thể là điểm tựa lâu bền cho cuộc sống của bạn. Chơi mạng xã hội cẩn thận kẻo có ngày "đứt mạng" như chơi đó.

Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận sức mạnh to lớn của điểm tựa, dù nó được hiểu theo nghĩa nào đi chăng nữa. Dù là phái nam hay phái nữ, nếu mà tìm được nơi nương tựa để gửi gắm cả đời thì còn gì hạnh phúc hơn. Bởi nếu tìm được đúng người thì cuộc đời bạn biết đâu sẽ rẽ sang một chương mới đầy xán lạn. Ví dụ như được ai đó tặng siêu xe chẳng hạn.

Điểm tựa với người phụ nữ chắc chắn không bao giờ chỉ được thể hiện duy nhất ở vấn đề tiền bạc. Khi có những biến cố không mong muốn xảy ra, mà lúc đó nhiều tiền cũng không giải quyết được gì, thì chính hành động của người chồng mới là điều nói lên tất cả.

Chú thích ảnh
Khoảnh khắc 2 vợ chồng cố hết sức bảo vệ nhau khiến ai cũng cảm động

Ngày 13/3 tại Nam Kinh, Giang Tô (Trung Quốc), căn hộ của vợ chồng anh Trần sinh sống bất ngờ xảy ra hỏa hoạn lúc sáng sớm. Hai vợ chồng không kịp thoát ra ngoài trong khi lửa đã lan rộng. Anh Trần vội đẩy vợ ra ban công đứng chờ cứu hộ còn mình nắm chặt lấy tay vợ.

Ngay cả khi ngọn lửa lan đến khiến anh Trần bỏng nặng, anh vẫn quyết không buông tay vợ mình vì sợ chị ngã xuống. Nhưng đáng buồn thay, sau gần 10 ngày nhập viện, do vết thương quá nặng, anh Trần đã không qua khỏi, còn người vợ phải chuẩn bị phẫu thuật lần 2. Tình cảm của anh Trần dành cho người vợ của mình đã khiến rất nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc bày tỏ niềm cảm phục và thương tiếc.

Pháp luật nghiêm trị hành vi xúc phạm, lăng mạ người khác

Trong xã hội ngày nay, rất nhiều người vì nhiều lý do, đã quyết định chọn mạng xã hội để thành chỗ dựa trong "nháy nháy" của họ. Vì trên MXH, họ bỗng thấy mình được trở thành một con người khác, thậm chí có thể thay đổi được trật tự thế giới theo chủ quan của họ.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Phương Hằng có nhiều buổi livestream nội dung thông tin không kiểm chứng, sử dụng ngôn từ xúc phạm, lăng mạ người khác

Số lượng người xem cao kỉ lục qua các livestream cùng sự tung hô của một bộ phận cư dân mạng đã khiến nhân vật chính dễ bị ảo tưởng và đi quá giới hạn với nội dung thể hiện. Pháp luật không cấm livestream, nhưng pháp luật sẽ nghiêm trị các cá nhân nào lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Sau vụ việc này, mạng xã hội lại có màn "quay xe khét lẹt", mà ai đó đã nói vui, sau một đêm, đơn xin quay lại làm fan của nghệ sĩ tăng đột biến.

Pháp luật sẽ không chừa bất kì một ai có hành vi thô tục xúc phạm, lăng mạ người khác, dù đó là người có tiền, có quyền, hay có quen biết.

Lê Thị Hiền là nhân vật mà hơn hai năm trước, cũng từng sáng nhất mạng xã hội với câu hỏi: "Mày có biết tao là ai không", cùng màn gây rối, nhục mạ người khác tại sân bay. Cầu được ước thấy, sau câu hỏi đó, cả nước đều biết cựu Đại úy công an Lê Thị Hiền đã bị kỷ luật, giáng cấp, khai trừ khỏi Đảng, rồi cho xuất ngũ.

Chú thích ảnh
Hình ảnh vụ gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất của cựu Đại úy Cảnh sát giao thông Lê Thị Hiền

Sau 2 năm ra khỏi ngành, Lê Thị Hiền đã trở thành nhân sự phụ trách "đối ngoại" cho quán kinh doanh đồ uống, bóng cười. Vào ngày 22/3 vừa qua, Lê Thị Hiền cùng đồng bọn đã bị truy tố về tội cướp tài sản, khi thực hiện các hành vi cưỡng bức nhằm bắt khách hàng trả nhiều tiền hơn cho hóa đơn tại quán.

Giờ nếu ai có hỏi câu: "Mày có biết tao là ai không" thì đáp án sẽ là: Một là "có", hai là "không", nhưng "có cũng như không" thì không cần thiết phải biết.

Chọn "hội" mà chơi trên mạng xã hội

Mọi thay đổi, mọi cải tiến trên các nền tảng MXH đều chỉ phục vụ cho một lý tưởng duy nhất của nhà sáng lập, đó là khiến bạn phải ràng buộc với họ nhiều hơn.

Nếu không tỉnh táo khi tham gia MXH, nếu đã hiền lành, lại còn hồ đồ, rất có thể, bạn sẽ "đứt mạng" như chơi. "Đứt mạng" ở đây, không phải là nghĩa bóng, nếu không biết, chọn hội mà chơi.

Một cô gái từng nhiều lần có ý định tự tử khi gia đình bị vỡ nợ, chủ nợ đến tận nhà gây rối. Cô tìm tới "Hội những người muốn tự tử" trên facebook.

Chú thích ảnh

Cả tháng trời cô quẩn quanh suy nghĩ lên tầng 25 của 1 tòa nhà với ý định tự tử, nhưng rồi cũng có lúc tỉnh ngộ.

Thế nhưng, không phải lúc nào chia sẻ câu chuyện của bản thân thì người đăng cũng nhận được những lời khuyên thiện chí.

Tùng và Hiếu - 2 đối tượng gây ra vụ cướp ngân hàng tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm vừa qua quen nhau trong "Hội những người vỡ nợ thích làm liều" từ năm 2021. Những hội nhóm tiêu cực trên mạng những tưởng chỉ là những lời tán gẫu, nhưng đang gây ra ảnh hưởng tâm lý với hàng ngàn, hàng chục ngàn thành viên tham gia.

Thay vì chọn gia đình, bạn bè, người thân, hay chuyên gia tâm lý để làm điểm tựa, thì nhiều người đang mang trong mình tâm trạng tiêu cực, lại chọn MXH để giải toả. Cũng chính vì vậy, rất nhiều hội nhóm có những cái tên đọc lên đã thấy rùng mình, lại có số lượng thành viên đông đảo.

Chú thích ảnh

Theo thống kê sơ bộ, "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều" từng có hơn 11.500 thành viên. "Hội những người muốn tự tử" có hơn 17.000 thành viên. Nhóm "Đòi nợ thuê" có gần 11.000 thành viên. Còn "Hội ngoại tình và vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc" kết nạp đến hơn 103.000 thành viên.

Dĩ nhiên, không phải tất cả những ai tham gia các hội nhóm trên đều có mục đích xấu như chính cái tên của hội. Nhiều người tham gia vào vì tò mò, quái lạ, sao group này đông thế, họ đang làm gì trong đó vậy? Nhưng chính tâm lý tò mò đó cũng gây hại cho xã hội, bởi nó khiến sự tiêu cực bị lây lan, và nếu tâm lý yếu, ta sẽ rất dễ bị tác động bởi chính những nội dung có hại của nhóm.

"Chọn hội mà chơi" - muốn làm được điều đó, cũng cần có phải bản lĩnh của chính mình. Thay vì mượn MXH để làm điểm tựa, bạn hãy dành thời gian đó, học hỏi những điều tốt đẹp để vun đắp nội lực của chính mình, để biến tự thân mình thành một điểm tựa. Bởi ai muốn học được chữ Khôn, cũng đều phải đánh vần qua vần Khờ, nên những vấp ngã sẽ làm ta trưởng thành và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Còn MXH, hãy để nó trở thành nơi lan tỏa những điều tích cực đến mọi người một cách nhanh nhất.

Theo VTV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm