Bầu cử Mỹ 2020: Giáo sư Mỹ nhận định phương thức bỏ phiếu đa dạng khiến kết quả khó đoán

01/11/2020 15:16 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Giáo sư David Dublin, Trưởng Khoa về các vấn đề chính quyền tại Đại học Mỹ (American University), nhận định phương thức bỏ phiếu đa dạng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới có thể khiến kết quả thêm khó đoán định.

Bầu cử Mỹ 2020: Ứng cử viên Dân chủ J.Biden dẫn trước tại bang 'thành trì' của đảng Cộng hòa 

Bầu cử Mỹ 2020: Ứng cử viên Dân chủ J.Biden dẫn trước tại bang 'thành trì' của đảng Cộng hòa 

Kết quả cuộc thăm dò do trường Đại học Dallas Morning News công bố ngày 31/10 cho thấy ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden hiện đang dẫn trước Tổng thống đương nhiệm Donald Trump 3 điểm phần trăm tại bang Texas. Đây là bang chưa bầu cho một ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ nào kể từ cuộc bầu cử năm 1976.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New York, Giáo sư Dublin cho rằng có thể nhiều người không quen với việc lần đầu tiên bỏ phiếu qua đường bưu điện, không điền đúng, điền đủ phiếu và dẫn đến có những phiếu bầu không hợp lệ.

Tuy nhiên, hiện nhiều bang ở Mỹ đã cho bỏ phiếu sớm, do đó nhiều người có thể lựa chọn đi bỏ phiếu theo cách truyền thống để giảm thiểu sai sót.

Bên cạnh đó, một số bang như North Carolina cũng đang làm rất tốt công tác hỗ trợ cử tri, như gửi thông báo đến những cử tri có phiếu bầu không hợp lệ để họ sửa lại hoặc bổ sung thông tin. Ông Dublin cũng cho biết, kể từ năm 2000 đến nay, số phiếu không hợp lệ trong các kỳ bầu cử ngày càng giảm dần.

Theo Giáo sư Dublin, hiện nay ở một số bang của Mỹ, đảng Cộng hòa lo ngại cách thức bỏ phiếu đa dạng có thể ảnh hưởng tới số phiếu đại cử tri (số phiếu quyết định ứng cử viên nào trở thành tổng thống). Trong khi đó, một số bang khác gặp khó khăn trong việc xác minh căn cước công dân để đảm bảo người đi bầu đúng là người có quyền bỏ phiếu.  

Chú thích ảnh
Cử tri bỏ phiếu sớm bầu Tổng thống Mỹ 2020 tại điểm bầu cử ở Chicago, bang Illinois. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giáo sư Dublin cũng giải thích lý do số cử tri đi bỏ phiếu trên thống kê được công bố thường thấp hơn số thực tế là bởi số thống kê dựa trên số liệu dân số của các bang, mà Mỹ là đất nước người dân di chuyển nơi sinh sống qua các bang khác nhau rất thường xuyên, do đó nhiều khi dân số trên số liệu của bang không đúng với thực tế. Ngoài ra, số người đến tuổi bỏ phiếu nhưng chưa đủ tiêu chuẩn được bỏ phiếu (ví dụ người dân nhập cư chưa được coi là công dân Mỹ) cũng khá đông. Một lý do nữa có thể do người dân tại bang đó không quan tâm chính trị. 

Ông Dublin nêu rõ mức độ quan tâm chính trị và muốn đi bỏ phiếu phần nào phụ thuộc vào trình độ học vấn của mỗi cá nhân và độ tuổi. Người trẻ thường ít đi bỏ phiếu hơn người có tuổi. Tuy nhiên, ông cho rằng nhận định này không đúng với tất cả mọi nơi trên đất Mỹ.Ví dụ, tỷ lệ đi bỏ phiếu ở vùng lãnh thổ Puerto Rico cao hơn tỷ lệ ở nhiều bang tại Mỹ, có lẽ một phần do cách khuyến khích người dân ở mỗi nơi khác nhau.

Người dân ở Florida, một bang lớn, thường đi bỏ phiếu khá đông và với tình hình năm nay cho phép cử tri bỏ phiếu bằng nhiều hình thức khác nhau như vậy, ban kiểm phiếu sẽ thống kê phiếu trên hệ thống và giữ bí mật số liệu cho đến ngày công tác bỏ phiếu ở khắp nơi chính thức dừng lại họ mới công bố kết quả.

Trong khi đó, ở bang Pennsylvania, ban kiểm phiếu thậm chí không được phép mở phiếu bầu của cử tri cho đến hết ngày bầu cử. Như vậy, kể cả khi rất nhiều cử tri đã đi bỏ phiếu thì việc dự đoán kết quả bầu cử, kể cả vài ngày sau ngày bầu cử kết thúc, sẽ rất khó khăn. 

Cũng theo Giáo sư Dublin, việc kiểm phiếu nhanh hay chậm cũng tùy thuộc mỗi bang. Ông cho biết những bang như Florida hay North Carolina, Maryland sẽ kiểm phiếu khá nhanh, nhưng một số bang "chiến địa'' như Pennsylvania hay Wisconsin sẽ không kiểm phiếu nhanh được.

Với tình hình cách thức bỏ phiếu khác biệt như năm nay, càng không thể dễ dàng đoán được kết quả, kể cả khi đã công bố kết quả của 60% số phiếu bầu. Về những yếu tố để cử tri cân nhắc khi đưa ra quyết định bỏ phiếu, Giáo sư Dublin cho rằng yếu tố quan trọng là sự gắn bó của cử tri với một đảng nhất định.

Một yếu tố nữa là cử tri quyết định bỏ phiếu cho ai cũng dựa trên cảm giác ứng cử viên nào có thể giải quyết được những vấn đề mà họ phải đối mặt, hoặc quan tâm, ví dụ như khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Hải Vân - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm