90 năm Ngày sinh nhạc sĩ Thuận Yến (15/8/1932-15/8/2022): Người có nhiều bài hát hay về Bác Hồ

13/08/2022 11:54 GMT+7 | Tin tức 24h

Là một trong những cây đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Thuận Yến đã ghi danh vào lịch sử âm nhạc nước nhà bằng những ca khúc để đời ở cả hai dòng nhạc cách mạng và nhạc nhẹ.

Nhạc sĩ Thuận Yến chính thức được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

Nhạc sĩ Thuận Yến chính thức được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký tờ trình số 48/TTr- HĐGT và 49/TTr-HĐGT trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.

Nhưng có lẽ nhắc đến ông, công chúng yêu nhạc lại nhớ đến người nhạc sĩ có nhiều ca khúc hay nhất viết về Bác Hồ - vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Tác giả của ca khúc nổi tiếng Bác Hồ một tình yêu bao la sinh vào ngày này cách đây 90 năm, ngày 15/8/1932.

Thuận Yến - người nhạc sĩ có nhiều ca khúc hay về Bác Hồ  

 “Bác Hồ Người là tình yêu thiết tha nhất 

 Trong lòng dân và trong trái tim nhân loại  

 Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân  

 Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam…” 

 (“Bác Hồ một tình yêu bao la”)   

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Thuận Yến - người con tài hoa của đất Duy Xuyên, Quảng Nam, đã dành phần lớn cho những tác phẩm tâm đắc nhất viết về Bác Hồ - vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Các ca khúc: Bác Hồ một tình yêu bao la, Miền Trung nhớ Bác, Vầng trăng Ba Đình, Người về thăm quê... là tất cả tình cảm chứa chan của nhân dân đối với Bác mà nhạc sĩ Thuận Yến đã lắng nghe, cảm nhận, ghi chép trên khắp các ngả đường đất nước.   

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Thuận Yến

Chùm các bài hát về Bác của nhạc sĩ là bức tranh âm nhạc rất riêng và đa dạng, thể hiện nhiều khía cạnh cảm xúc của mỗi người con đất Việt đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Nếu Bác Hồ một tình yêu bao la là khúc hát ngợi ca đầy tình cảm với những ca từ da diết: “Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”, thì Miền Trung nhớ Bác lại là khúc hồi tưởng về “trời miền Trung mưa tuôn, nắng cháy/ đất quê tôi đưa Bác suốt dặm trường/ để bây giờ đất gọi mãi nhớ thương”...   

Cũng với tình cảm thiêng liêng, sâu lắng, giản dị như vậy, nhạc sĩ Thuận Yến đã làm rung động hàng triệu trái tim người yêu nhạc qua hai bài hát “Người về thăm quê” và “Vầng trăng Ba Đình” bằng một ngôn ngữ âm nhạc thanh cao mang đầy âm hưởng dân gian, dân tộc.   

Và với 26 ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Thuận Yến đang giữ kỷ lục là tác giả "Có nhiều sáng tác hay nhất về Bác Hồ”. Đặc biệt, trong chùm 5 ca khúc tiêu biểu của nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001 đã có 2 bài hát nổi tiếng về Bác Hồ. Đó là ca khúc Bác Hồ một tình yêu bao laMiền Trung nhớ Bác.

Người góp phần thổi bùng trào lưu nhạc nhẹ   

“Anh phải về thôi, xa em thôi  

 Hoàng hôn yên lặng cũng theo về   

Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc   

Mà lời từ biệt chẳng lên môi…”  

 (“Chia tay hoàng hôn”)  

Không chỉ thành công ở dòng nhạc cách mạng, nhạc sĩ Thuận Yến còn ghi dấu ấn trong dòng nhạc trữ tình bằng những ca khúc rất hay về tình yêu. Hàng loạt ca khúc tình yêu của ông có sức sống bất tận, không bao giờ cũ, như những viên ngọc càng qua thời gian càng tỏa sáng. Chia tay hoàng hôn, Đi trong hương tràm, Khát vọng, Tình yêu không lời, Em tôi, Thì thầm với dòng sông  là những ca khúc chỉ nghe qua một lần là đã yêu, đã nhớ. Những ca khúc này của ông đã góp phần thổi bùng sự phát triển của nhạc nhẹ Việt Nam những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, góp phần tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong đời sống âm nhạc Việt.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Thuận Yến và vợ - nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương

Gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Thuận Yến, nếu thời chiến tranh mang âm hưởng của tình yêu đất nước trong thời gian lao mà anh dũng, thì ở thời bình lại rất thiết tha, đậm đà tình yêu nam nữ, với đủ các cung bậc. Những giai điệu đó không chỉ “chạm khắc tên ông vào thời gian” mà còn chạm khắc vào trái tim của người yêu nhạc nhẹ ở nhiều độ tuổi.   

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long đã nhận định: "Vai trò của nhạc sĩ Thuận Yến trong âm nhạc Việt Nam rất quan trọng. Có thể nói, ông đã tạo nên một cơn bão lớn phủ lên toàn bộ đời sống âm nhạc nước ta những năm đầu thập niên 1990 khi bất ngờ công bố nhạc phẩm “Chia tay hoàng hôn”.

Ca khúc không chỉ đánh dấu bắt đầu sự nghiệp đỉnh cao của ca sĩ Thanh Lam (vào năm 1991) mà còn như một cú hích cuối cùng tạo sự bùng nổ dòng nhạc nhẹ". Đây cũng là một tuyệt phẩm đã đưa ông lên hàng của những nhạc sĩ viết tình ca hay nhất Việt Nam.   

Ngày 24/5/2014, nhạc sĩ Thuận Yến đã lặng lẽ Đi trong hương tràm với sự tiếc thương vô vàn của biết bao người hâm mộ. Người yêu nhạc luôn nhớ về ông, nhớ về một “trái tim” luôn “thắp lửa” yêu thương cho những bản tình ca còn mãi với thời gian.

Đến với âm nhạc bằng cuộc lên đường cùng dân tộc ra trận   

Nhạc sĩ Thuận Yến đến với âm nhạc bằng cuộc lên đường cùng dân tộc ra trận, người nhạc sĩ khi ấy trở thành người chiến sĩ trên trận tuyến đánh thù, bằng lời ca và âm nhạc, thổi vào cuộc sống kháng chiến một hơi thở mới, đầy khí thế và sục sôi yêu nước.   

Nhạc sĩ Thuận Yến tên khai sinh là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15/8/1932, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông tham gia công tác từ năm 1949, là cán bộ văn nghệ của Đoàn Văn công Khu ủy Liên khu V. Sau hiệp định Geneva, ông tập kết ra Hà Nội và theo học sáng tác âm nhạc hệ trung cấp tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ngay từ sáng tác đầu tiên Lên đường ra tiền tuyến với bút danh Đoàn Hữu Công, ông đã gây ấn tượng mạnh tới lớp trẻ.   

Bước vào kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông viết những bài hát động viên thanh niên lên đường: Ba lô ta buộc cho chặt, Vành lá nguỵ trang rất xanh...   

Năm 1965, ông lên đường trở lại chiến trường sáng tác, lấy bút danh là Thuận Yến, ông sáng tác nhiều ca khúc như: Hát mừng quê ta giải phóng, Mỗi bước ta đi, Bài ca tiếp vận, Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin. Ông đã có mặt trên chiến trường Trị Thiên-Huế và khi cuộc đấu tranh chính trị phát triển mạnh, ông đã viết ca khúc Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc được nhanh chóng phổ biến rộng rãi ở cả hai miền Nam, Bắc.   

Sau đó, ông theo học sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Kết thúc khóa học, ông về Đoàn Văn công Tổng cục Xây dựng kinh tế, viết những ca khúc nổi tiếng về đề tài ca ngợi lãnh tụ: Bác Hồ - một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình và những đề tài khác như: Lênin, Người đến đất nước tôi, Hương tram, Chia tay hoàng hôn (thơ Hoài Vũ), Tình yêu không lời.   

Trong suốt chặng đường sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ, Thuận Yến đã nhận được nhiều giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001; Giải nhất ca khúc của Bộ văn hoá, năm 1987 (Vầng trăng Ba Ðình); Giải ca khúc xuất sắc của Bộ quốc phòng, năm 1994) (Màu hoa đỏ); Giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992-1993 của Ðài Tiếng nói Việt Nam (Chia tay hoàng hôn)…

Hoàng Yến/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm