Bơm nước cứu Biển Chết

15/08/2010 15:03 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Mỗi năm, hàng trăm ngàn du khách lại tìm tới Biển Chết và phấn khích ghi lại cảnh họ nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nhưng biển hiện đang thu nhỏ với tốc độ nhanh và có khả năng sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2050, khiến giới khoa học gia phải cân nhắc việc đổ thêm nước để cứu nó.

Xây kênh đào 300km vào Biển Chết

Biển Chết nằm trong khu vực vết nứt của lục địa châu Phi (Đông Phi) vươn dài về hướng bắc, còn được gọi là "cống ngầm" của Biển Chết. 70 triệu năm trước, vết nứt này tụ nước và trở thành hồ. 250 năm trước, Biển Chết rộng hơn ngày nay rất nhiều. Lúc đó, chiều dài bắc - nam là 300 km, rộng gấp 4-5 lần so với ngày nay.

Do vị trí của Biển Chết nằm trong khu vực sa mạc, khí hậu nóng, khô hanh, lượng mưa trung bình hàng năm là 50-60 mm, nhưng lượng nước bốc hơi lại hơn 1.000 mm nên diện tích của nó ngày càng thu hẹp.

Tính tới năm 2005, các đo đạc cho thấy Biển Chết dài 76 km, chỗ rộng nhất tới 18 km và chỗ sâu nhất là 400 m. Kể từ năm 1970, Biển Chết đã liên tục tụt mực nước, giảm mất 22m và xuống 417m dưới mực nước biển. Nguyên nhân chủ yếu do cả Jordan và Israel đã chuyển nước ngọt từ sông Jordan, nguồn bổ sung nước lớn nhất của Biển Chết, cho việc khai thác kali và phục vụ nhu cầu sinh hoạt.


Nổi trên mặt nước là đặc điểm thú vị khiến Biển Chết thu hút nhiều du khách
Các nhà khoa học nói rằng mực nước biển hiện đang tụt với tốc độ trung bình gần 1m/năm và Biến Chết có thể biến mất vào năm 2050.

Nhằm đảo ngược tình hình, hồi năm 2005, Jordan, Israel và chính quyền Palestine đã ký một thỏa thuận để bắt đầu các nghiên cứu tính khả thi của một dự án thêm nước cho Biển Chết, vốn được cả ba bên kể trên chia sẻ. Do việc giảm nhu cầu sử dụng sông Jordan là khả năng phi hiện thực nên người ta đã nghĩ tới việc bơm nước từ Địa Trung Hải hay Hồng Hải vào Biển Chết thông qua các đường hầm, ống nước hoặc kênh đào. Kế hoạch chung cuộc đề xuất việc tạo một hệ thống kênh dẫn nước dài hơn 300km dọc theo các đường nứt ở Hồng Hải và bơm nước từ đây vào Biển Chết.

Nhưng nếu Biển Chết bớt mặn

Kế hoạch dẫn nước vào Biển Chết có cái giá của nó. Việc bơm nước có nồng độ muối thấp hơn từ Hồng Hải vào Biển Chết sẽ làm giảm nồng độ muối và khiến biển mất đi khả năng giúp du khách nổi trên nước, vốn là điểm thu hút du lịch chính của Biển Chết.

Các nhà khoa học Israel đã bày tỏ sự lo ngại rằng bài toán hóc búa từ việc đổ thêm nước vào Biển Chết có thể đánh đổ dự án trị giá 15 tỉ USD. "Chúng tôi đã có một trận lụt lớn trong năm 1992 và trận lụt này đã cho thấy vấn đề của việc thêm một lượng lớn nước có nồng độ muối thấp vào Biển Chết" - Michael Beyth, một khoa học gia tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Israel (ISG) nói - "Trong lần đó, 5m nước ở bề mặt Biển Chết đã bị loãng đi 30% nồng độ. Tôi không nghĩ chúng ta có thể chấp nhận một giải pháp như vậy".

Ngoài giá trị du lịch, nước Biển Chết còn có giá trị về mặt y tế. Nước biển Chết chứa khoảng 21 khoáng chất, bao gồm magie, canxi, brom và kali. 12 trong số các khoáng chất này không tìm thấy trong các biển khác/đại dương, và một số trong chúng được ghi nhận là có ảnh hưởng tới cảm giác thư giãn, bổ dưỡng da, hoạt động của hệ tuần hoàn và làm giảm nhẹ bệnh thấp khớp cũng như các rối loạn trao đổi chất. Khả năng chữa bệnh nổi tiếng của Biển Chết đã được đề cập tới trong các tác phẩm văn học của Aristotle và được ca ngợi bởi vua Solomon và Nữ hoàng Cleopatra. Tuy nhiên việc bơm nước vào Biển Chết có thể sẽ làm giảm tính năng đặc biệt này của biển.

Và những biến đổi sinh thái khó lường

Ngoài ra, một vấn đề phức tạp khác hiện còn tồn tại là phản ứng của hai loại nước biển khác nhau. Các bể nước thí nghiệm chứa nước từ Hồng Hải trộn với nước Biển Chết đã cho thấy tảo mọc rất nhanh trong bể. "Trộn nước từ Hồng Hải mang tới hợp chất sulphur, vốn không tìm thấy trong điều kiện tự nhiên ở Biển Chết. Chất này dẫn tới kết quả là tảo phát triển mạnh và làm nước biển bị biến màu" - tiến sĩ Itai Gavrielli thuộc IGS cho biết.

Các nhà bảo tồn đã tấn công kế hoạch xây dựng đường ống dẫn nước vào Biển Chết, xem nó như một canh bạc nguy hiểm đe dọa tới tương lai và sự tồn vong của kỳ quan tự nhiên này. Gideon Bromberg, một nhà bảo tồn Israel thuộc nhóm Friends of the Earth Middle East cho biết các quan ngại khoa học hiện đang bị xem nhẹ trước áp lực đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhà máy bơm nước vào Biển Chết.

Được biết kế hoạch ban đầu có đề cập tới việc xây dựng hai tuyến đường nước với với khả năng bơm 2 tỉ m3 nước vào Biển Chết mỗi năm. Tuy nhiên ông Beyth, người nghiên cứu dự án trong vòng 2 thập kỷ qua, đã quan tâm tới một hướng tiếp cận khác thực dụng hơn, trong đó chỉ bơm chừng 370 triệu m3 nước Hồng Hải đã qua xử lý để chống lại khả năng Biển Chết biết mất. Tuy nhiên hiện giải pháp này mới chỉ chống lại việc tụt giảm mức nước bề mặt Biển Chết mà không giải quyết được vấn đề cốt lõi là sự bão hòa lượng muối trong biển.

"Để ổn định lớp nước bề mặt, bạn cần một lượng nước lớn hơn nhưng cái giá là nồng độ muối giảm đi" - ông nói - "Nhưng nếu bạn không làm gì trong vòng 50 hoặc 100 năm nữa, Biển Chết sẽ có lượng muối quá đặc, tới mức nó không còn gì để bay hơi nữa ".

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm