VĐV Phạm Phước Hưng: Trả giá đắt cho vinh quang

12/05/2013 05:59 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Phải đối mặt với nguy cơ giải nghệ, thậm chí là tàn phế, ở tuổi 18, độ tuổi đẹp nhất của đời người, nhưng ý chí và nghị lực hơn người đã giúp Phạm Phước Hưng chiến thắng nghịch cảnh để trở lại một cách cực kỳ ấn tượng và thuyết phục.

Tại giải thể dục dụng cụ FIG Artistic Gymnastics World Challenge Cup 2013 vừa diễn ra ở Ljubljana (Slovenia), Phạm Phước Hưng đã xuất sắc giành huy chương vàng nội dung xà kép với 15.700 điểm, dù cùng tranh tài với Phước Hưng có rất nhiều vận động viên sừng sỏ của châu Âu như huy chương đồng châu Âu Adam Kierzkowski (Ba Lan), Samuel Piasecky (Slovakia) và Mitja Petkovsek của chủ nhà Slovenia.



Phạm Phước Hưng khi mới 7 tuổi

Một lời khuyên, một sự nghiệp

Huy chương vàng tại Slovenia chỉ là một trong rất nhiều thành tích mà Phước Hưng đạt được trong hơn 10 năm qua, kể từ khi anh lần đầu ra mắt với huy chương vàng ở Đại hội thể dục thể thao toàn quốc 2002. Tuy nhiên, để có được vị trí nam vận động viên thể dục dụng cụ hàng đầu Việt Nam hiện nay, Phước Hưng đã phải trải qua vô số gian nan và thử thách.

Khi đang còn là cậu bé học sinh lớp 1 trường Ba Đình, Hưng đã lọt vào mắt xanh của chuyên gia Trung Quốc khi họ đến đây tuyển chọn vận động viên năng khiếu. Cùng lừa với Hưng ở trường còn có Nguyễn Hà Thanh, một nam vận động viên thể dục dụng cụ hàng đầu khác của thể thao Việt Nam.

Vậy giữa hàng trăm cô bé cậu bé, các chuyên gia Trung Quốc dựa vào đâu để chọn ra những tài năng hứa hẹn? Hưng tiết lộ: “Khi ấy chuyên gia Trung Quốc đến trường, nhìn dáng người lứa học sinh lớp 1 chúng tôi, thấy bạn nào gầy gầy, nhỏ nhỏ, vóc dáng linh hoạt nhanh nhẹn thì sẽ nắn tay nắn chân thử xem rồi chọn. Sau đó, tất cả các bạn được chọn sẽ tập luyện cùng chuyên gia trong khoảng thời gian vài tháng để xem khả năng đến đâu, và ai trụ được qua giai đoạn này mới chính thức được chọn”.

Hưng kể ở lứa của Hưng khi ấy có cả trăm bạn bè cùng trang lứa được chọn, nhưng còn bám trụ với nghề và thành danh như bây giờ thì chỉ có Nguyễn Hà Thanh và Hưng, đủ biết môn thể dục dụng cụ có mức độ đào thải khắc nghiệt đến cỡ nào. Đầu năm 1995, tức là khi mới vừa vào lớp 2, Phước Hưng được sthể dục thể thao chọn vào lớp vân động viên nhí đưa sang Trung Quốc tập huấn dài hạn.

Ban đầu, bố mẹ Hưng nhất quyết không đồng ý, bởi lúc ấy Hưng mới hơn bảy tuổi, quá non nớt để sống xa nhà dài ngày, nhưng rồi nỗ lực thuyết phục kiên trì của ông Hoàng Vĩnh Giang, lúc đó là giám đốc Sở thể dục thể thao Hà Nội và hiện là pchủ tịch kiêm tổng thư kýỦy ban Olympic Việt Nam, đã khiến bố mẹ Hưng đồng ý.

Hưng tiết lộ: “Lúc ấy tôi còn quá nhỏ nên không biết gì, nhưng sau này bố mẹ tôi kể lại là bác Giang nói với bố mẹ tôi rằng để nuôi một đứa con từ nhỏ đến lớn rồi học đại học thì ai cũng nuôi được, kể cả một bà bán rau cũng làm được, nhưng để mà huấn luyện ra một vận động viên đỉnh cao thì không phải ai cũng làm được”. Nhờ lời khuyên như từ tâm can ấy của ông Hoàng Vĩnh Giang mà một tài năng của thể dục dụng cụ Việt Nam đã được ươm mầm.

Thử thách cuộc đời

Ban đầu thể dục dụng cụ với Phước Hưng chỉ là một thú vui mới lạ của trẻ thơ, và Hưng sẽ không bao giờ biết được hóa ra mình có nhiều đam mê đến thế cho môn thể thao này, nếu như không xảy ra một sự kiện định mệnh năm 2006, khi Hưng bị phát hiện mắc bệnh lao xương và cột sống của Hưng đã bị ăn mòn đến hai đốt.



Phạm Phước Hưng và đồng đội Ngân Thương sát cánh bên nhau trong nhiều giải đấu quốc tế

Bệnh của Hưng được phát hiện bên Trung Quốc, và theo lời Hưng thì “trước khi từ Trung Quốc về Việt Nam thì ngay cả chuyên gia Trung Quốc cũng nghĩ là tôi nên chuyển sang nghề khác, vì bác sĩ bên Trung Quốc kết luận là dù tôi có khỏi bệnh thì cũng khó có thể tiếp tục tập luyện và thi đấu”. Không chỉ có chuyên gia và bác sĩ Trung Quốc, ngay cả bố mẹ, bạn bè và đồng đội của Hưng cũng chẳng ai tin anh có thể trở lại sàn đấu với một căn bệnh như án tử với đời vận động viên, ngoại trừ Hưng.

Trời không phụ lòng người.Nỗ lực, ý chí của Hưng cùng phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả ở Việt Nam đã giúp căn bệnh lao xương của Hưng biến mất hoàn toàn sau năm tháng, thậm chí hai đốt sống bị ăn mòn của Hưng còn có dấu hiệu phục hồi, và sau tám tháng thì Hưng bắt đầu tập nhẹ trở lại. Sau khi Hưng khỏi bệnh, bác sĩ có khuyên là không nên tập các động tác mạnh, nên ban đầu Hưng chỉ lên Cung thể thao Quần Ngựa để tập chơi chơi cùng các em nhỏ, theo kiểu vận động một chút cho đỡ cứng người, và một năm sau khi khỏi bệnh, Hưng mới tập lại toàn năng.

Hưng nói: “Đến lúc bị bệnh và phải nằm nhà tôi mới thấy thể dục dụng cụ đúng là lựa chọn của đời mình và tôi không thể nào từ bỏ môn này. Kể cả sau khi tôi đã khỏi bệnh thì ban đầu bố mẹ tôi cũng không ủng hộ quyết định quay lại với thể dục dụng cụ của tôi, vì người bình thường nghỉ nửa năm muốn tập lại đã khó, đằng này tôi còn nghỉ nguyên một năm và lại mắc bệnh khá nặng như thế, nhưng ngay cả lúc ấy tôi vẫn nghĩ là sau này mình sẽ làm được một điều gì đó với thể dục dụng cụ”.

Như để bù đắp cho quãng thời gian phải tạm chia tay, Hưng liên tục gặt hái thành tích ở những giải khu vực và quốc tế mà anh được tham dự. Chỉ một năm không luyện tập và thi đấu, nhưng dường như đấy là ký ức khó quên và rất ám ảnh với Hưng, nên bây giờ Hưng lúc nào cũng dành hơn 200% đam mê cho việc tập luyện hàng ngày, mà nói như Hưng là “thể thao đã cho tôi rất nhiều, có thể nói là đam mê, nên tôi dự định sẽ theo nghiệp thể thao cả đời. Đến lúc này tôi vẫn rất ham mê tập luyện, chẳng bao giờ muốn nghỉ, chỉ là không biết trong 5-10 năm nữa thì cơ thể, mà cụ thể là xương cốt, có còn đáp ứng được yêu cầu tập luyện hay không”.

Nguyện vọng của Hưng là đoạt vé tham dự Olympic Rio 2016 và sau đó có thể sẽ chuyển qua làm công tác huấn luyện. Hiện tại, Hưng đang là sinh viên năm cuối của Đại học thể dục thể thao Từ Sơn, và chỉ cần hoàn thành khoảng 10 môn học nữa là Hưng sẽ nhận bằng tốt nghiệp, bước chuẩn bị cần thiết để phục vụ sự nghiệp làm huấn luyện viên sau này.

Bố mẹ Hưng là người gốc Bắc nhưng lại gặp nhau, kết hôn và sinh ra Hưng ở Cần Thơ nên Hưng mới có cái tên rất Nam Bộ là Phước Hưng chứ không phải Phúc Hưng như cách gọi ở Bắc Bộ. Hưng kể là mẹ Hưng là người đã chọn tên đệm “Phước” cho Hưng để cầu chúc may mắn và thành công sẽ luôn mỉm cười với cậu con trai đầu lòng, và đến thời điểm này có thể khẳng định nguyện vọng của mẹ Hưng đã trở thành hiện thực.

 

Hưng là thành viên đầu tiên trong gia đình theo đuổi sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp và thành công của Hưng đã trở thành cảm hứng cho rất nhiều thành viên nhí khác của gia đình. Hiện tại, cậu em trai 11 tuổi Phạm Quốc Hiếu của Hưng đang là vận động viên thể dục dụng cụ của Hà Nội và từng được đưa sang Trung Quốc tập huấn dài hạn. Ngoài ra, Hưng cho biết còn một số em nhỏ khác trong họ hàng của Hưng cũng được bố mẹ hướng theo thể dục dụng cụ, mà thành công của Hưng hẳn là một tấm gương tiêu biểu.


Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm