Từ những bức tượng...

20/02/2011 14:16 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần) - Ngồi 13 giờ bay trên chuyến bay không hút thuốc từ Singapore mới tới được Anh nhưng những mệt mỏi của người viết dường như tan biến khi được tới sân Wembley - “Thánh địa, thủ đô và là trái tim của bóng đá thế giới”- như lời nhận xét của huyền thoại Pele. 

Đến “Thánh địa” Wembley

Nói tới bóng đá Anh là phải nói tới Wembley, bởi cái tên này đã gắn chặt với người hâm mộ xứ sương mù khi đội tuyển Anh lần đầu giành chức vô địch thế giới ngay tại đây năm 1966. Từ khoảng cách chừng 4 đến 5 km, người ta đã có thể nhìn thấy “cánh cung thép” của Wembley vươn cao trên nền trời màu xám. Là “thượng khách” của Liên đoàn bóng đá Anh (FA) và là một trong số hiếm hoi phóng viên thể thao Việt Nam được vào sân nên chúng tôi được sờ vào mặt cỏ, tất nhiên có sự canh chừng của các nhân viên ở đây. Tôi tranh thủ ngồi vào chiếc ghế mà Fabio Capello thường ngồi chỉ đạo khi “Tam sư” thi đấu tại Wembley và chụp một kiểu ảnh, sau đó “kiểm tra” chất lượng chiếc áo đấu của Wayne Rooney trong phòng thay đồ. Người Anh sống nhờ vào “tinh thần” của các vị thánh, bởi chữ thập “Thánh George” trên lá cờ đội tuyển Anh đã được hãng quần áo thể thao Umbro thêu lên vai áo của các tuyển thủ “Tam sư”.  

Người viết bên tượng đài Bobby Moore tại sân Wembley

Tuy nhiên, sau đó thì sự phấn khích của chúng tôi đã tan như bọt xà phòng vì chỉ cần “móc ví” trả 18 bảng Anh thì bạn không những là “thượng khách” mà còn là “thượng đế” và tất nhiên bạn sẽ biết mọi ngóc ngách ở đây vì đó là tour du lịch của sân này. Ở Anh, bóng đá là một môn giải trí, vì thế ngày Giáng sinh lẫn Tết Dương lịch, các cầu thủ vẫn phải đá quần quật phục vụ khán giả và ban tổ chức các sân không bỏ lỡ bất cứ cơ hội kiếm tiền nào. Dường như từ Old Trafford tới Stamford Bridge hay Emirate đều có tour du lịch vào thăm sân. Lọt vào khu bán đồ lưu niệm ở bất cứ sân nào thì ít nhất bạn cũng phải bỏ ra chục bảng bởi món nào cũng rất xinh xắn và dễ thương. Là sân vận động chính cho Olympic London 2012 nên bên ngoài Wembley vẫn ngổn ngang như một công trường. Chắc người Anh muốn cho thế giới “biết mình” khi họ vừa mất cơ hội đăng cai World Cup 2018.

Tới sân của “Những vị thánh”

Ted Bates dường như vẫn đang hiện diện với  người hâm mộ Southampton

Sang Anh lần này với sự tài trợ của thương hiệu nước giải khát Big Cola, người viết đã có may mắn được xem một trận đấu trong khuôn khổ Cúp FA giữa Southampton và M.U ngay tại sân St. Mary’s. Sân nhà của Southampton cách thủ đô London khoảng 200km, tương đương với hơn 2 giờ xe chạy, đặc kín người trước giờ bóng lăn vì câu lạc bộ này đang kỷ niệm 125 năm thành lập. Đang chơi ở giải hạng Ba nên việc được xem đội nhà đấu với “Quỷ đỏ”, đội bóng đang dẫn đầu Premier League, là một cơ may hiếm hoi cho những ai là fan của “Saints” - Những vị thánh - biệt danh của đội bóng vùng Nam Anh này. Chưa kể họ còn hồi tưởng tới trận chung kết Cúp FA mùa bóng 1975 - 1976 khi Southampton hạ gục M.U 1- 0 để lần đầu và duy nhất giành được một chiếc cúp. Kết thúc trận đấu, “Quỷ đỏ” đã thắng “Những vị thánh” 2-1 ngay tại “sào huyệt” của họ, mặc dù bị dẫn bàn trước.

Chiếc áo Rooney hiện chỉ có 1 ngôi sao duy nhất trên ngực

Người viết xin không sa đà thêm nữa mà chỉ muốn nói về bức tượng được đặt ngay phía trước sân St. Mary’s. Ở Anh, việc xây dựng các bức tượng trước các sân bóng không phải là chuyện hiếm, bởi ngay trên tầng 1 sân Wembley là sừng sững bức tượng đội trưởng Bobby Moore của Đội tuyển “Tam sư” từng giành Cúp vàng thế giới 1966 trong trang phục thi đấu. Trong khi đó bức tượng này của một người ăn vận như một “quý ông” đang giơ tay vẫy chào các cổ động viên.

Đó chính là Ted Bates (1918 - 2003), một “quý ngài” đúng nghĩa với  huân chương M.B.E của Hoàng gia Anh ban tặng. Nguyên là tiền đạo của Southampton từ năm 1937 đến năm 1953, Ted đã có 63 bàn thắng trong 202 lần ra sân. Sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu, từ năm 1955 đến năm 1973 ông tiếp tục làm HLV, làm quản lý với các chức danh giám đốc, thậm chí làm chủ tịch CLB này.Vì sự cống hiến của ông trong một thời gian dài cho CLB, các fan hâm mộ đã gọi ông với cái tên thật trang trọng “Mr. Southampton”.

Bên trong sân Wembley huyền thoại 

Sự trân trọng của người hâm mộ, bạn bè và gia đình khi dựng bức tượng là một sự ghi nhận với Ted khi ông dành cả đời mình phục vụ cho CLB Southampton khiến người viết chợt nghĩ với bóng đá Việt Nam, ai có thể sẽ được dựng tượng?

Chưa nói tới tài năng, chỉ riêng việc dành hơn nửa đời người (với Ted là 34 năm) để phục vụ cho 1 đội bóng đã là chuyện xa xỉ với bóng đá ta. Bởi cầu thủ ở ta giờ này đã ý thức được giá trị “những đôi chân tiền tỷ” nên cứ ở đâu trả tiền nhiều thì đó sẽ là đích đến của họ.

Phía ngoài sân Wembley vẫn đang như một công trường

Còn nếu xét về tài năng và công lao thì ai đủ tầm và xứng đáng để dựng tượng, ví dụ để đặt trước sân Thống Nhất thôi, chứ chưa dám nói tới sân Mỹ Đình. Thế hệ cầu thủ trước 1975 hay sau đó đến nay, ai trong số họ thật xứng đáng để dựng tượng? Dù hiện nay chỉ có Navibank. SG lấy sân Thống Nhất làm sân nhà nhưng trước đây có tới 3 đội có tuổi đời cao và một thời gian dài sử dụng sân Thống Nhất là Cảng Sài Gòn, Hải Quan và CATP.HCM, vậy thì chọn ai trong số cầu thủ các CLB này vì đội bóng nào cũng từng có những cá nhân xuất sắc?

Người viết không muốn đưa ra những câu hỏi khó có lời đáp nữa nhưng nếu nhìn rộng ra thì chắc chắn việc dựng tượng là một hành động rất văn hóa để tôn vinh người có công, để nhắc nhở thế hệ tiếp theo về truyền thống lịch sử của đội bóng với một niềm tự hào.

Trân trọng lịch sử, trân trọng quá khứ là một việc luôn luôn đúng. Một câu ngạn ngữ đã trở nên quen thuộc với người Việt ta: “Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác” cứ xoáy lên khi người viết ghi lại những hình ảnh này.

Nhị Đỗ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm