Thể thao Việt Nam thích ứng với điều kiện bình thường mới

03/11/2021 06:16 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ngành thể thao đang khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức giải thể thao, đặc biệt với các nhóm môn trong chương trình thi đấu SEA Games 31.

Thể thao Việt Nam thấy tương lai từ bình thường mới

Thể thao Việt Nam thấy tương lai từ bình thường mới

Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cùng Công văn của Tổng cục TDTT về việc thí điểm đưa thể thao trở lại trong điều kiện bình thường mới đã mở ra hy vọng cho các hoạt động thi đấu đỉnh cao trong những tháng còn lại của năm 2021.

Đảm bảo công tác phòng, chống dịch

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã có hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, bao gồm các yêu cầu cụ thể đối với công tác tổ chức hoạt động thi đấu TDTT tại các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau.

Ngoài các yêu cầu chung về xây dựng kế hoạch tổ chức và các phương án, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, cần phải quản lý người ra, vào tại các địa điểm và khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế. Theo dõi sức khỏe của người tham gia tổ chức sự kiện hàng ngày, thực hiện quy định 5K, có phương án bố trí khu vực cách ly tạm thời cho tổ chức/người tham gia có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, khó thở… hoặc là F0, F1, F2.

Ban tổ chức hoặc đơn vị tổ chức giải chịu trách nhiệm xây dựng, triển khai phương án đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trình cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức giải phê duyệt trong thời hạn tối thiểu là 15 ngày trước khi giải khai mạc. Bao gồm việc kiểm tra, xét nghiệm, đảm bảo an toàn cho người tham gia, khán giả và phương án phối hợp với cơ quan y tế xử lý khi phát hiện ca mắc mới, thực hiện biện pháp khử khuẩn, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ…

Đặc biệt, VĐV, người tham gia thi đấu, người tham gia tổ chức, phục vụ giải đấu, khán giả phải đáp ứng các điều kiện đã tiêm ít nhất 01 liều vắc-xin ngừa Covid-19 trong thời gian đủ 14 ngày trở lên, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, hoặc có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong thời gian tối đa là 72 giờ trước khi khai mạc…

Giảm quy mô, điều chỉnh hình thức tổ chức giải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch với địa bàn có dịch cấp độ 2. Hạn chế tổ chức các giải có quy môn lớn, chỉ tổ chức các giải thi đấu cấp tỉnh có quy mô hạn chế đối với địa bàn có dịch cấp độ 3 và dừng tổ chức thi đấu với địa bàn có dịch cấp độ 4. Ngoài ra, hạn chế số lượng khán giả, duy trì công suất khán đài tối đa là 50% với địa bàn có dịch cấp độ 2, 30% công suất khán đài với địa bàn có dịch cấp độ 3.

bóng đá Việt Nam, Thể thao Việt Nam, VFF, Tổng cục TDTT, COVID-19,SEA Games, vòng loại World Cup, sân Mỹ Đình, giải bóng đá nữ VĐQG
Theo dự kiến, vào tháng 11 này, giải bóng đá nữ VĐQG 2021 sẽ được tổ chức theo hình thức "bong bóng" tại Hà Nội để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Ảnh: Vietnamplus

Bóng đá tiên phong

Ngay trong tháng 11, sự kiện thể thao đáng chú ý đầu tiên được tổ chức trong điều kiện bình thường mới là 2 trận đấu của đội tuyển Việt Nam trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 World Cup 2022 diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình. Sau gần 2 năm đóng cửa, sân Mỹ Đình sẽ mở cửa đón khoảng 12.000 khán giả (30% công suất khán đài) vào sân cổ vũ cho thầy trò HLV Park Hang Seo thi đấu với đội tuyển Nhật Bản và đội tuyển Saudi Arabia.

Theo đánh giá của các nhà tổ chức, đây là thành công và vinh dự đối với thể thao Việt Nam, song cũng đặt ra trọng trách rất lớn về công tác tổ chức trong bối cảnh vẫn còn lo lắng về dịch bệnh. Đặc biệt, quá trình tổ chức 2 trận đấu không được phép xảy ra vấn đề về dịch bệnh, đòi hỏi toàn bộ các đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ khi tham gia tổ chức và có kế hoạch chi tiết thực hiện các nhiệm vụ trước, trong và sau trận đấu.

Đối với các môn thể thao thành tích cao, vừa qua, Tổng cục TDTT cũng đã lên kế hoạch tổ chức thi đấu giải đấu nội bộ các môn bắn cung, bắn súng… nhằm kiểm tra, đánh giá trình độ của VĐV trước thềm SEA Games 31. Đồng thời, chuẩn bị các phương án tổ chức trong điều kiện bình thường mới một số môn ở quy mô lớn hơn, nhằm từng bước rút kinh nghiệm và đánh giá khả năng tổ chức thi đấu các môn còn lại.

Theo tính toán, mới có khoảng 20% số giải VĐQG các môn thể thao thành tích cao được được tổ chức và tùy theo diễn biến của dịch, bệnh, ngành thể thao sẽ nỗ lực để có thể tổ chức 80% các giải còn lại trong năm 2021. Việc tổ chức thi đấu đang được đặt ra hết sức cấp thiết, bởi đây là cơ sở quan trọng nhất để đánh giá trình độ VĐV. Đặc biệt, trong năm 2022, thể thao Việt Nam có rất nhiều nhiệm vụ ở các đại hội thể thao quốc tế lớn.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm