Thể thao Việt Nam: Đón đầu cho ước vọng đi đầu

08/02/2016 06:15 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu lấy cột mốc SEA Games lần thứ 15 diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia) năm 1989 là lần đầu tiên thể thao Việt Nam tham dự Đại hội thể thao khu vực với tư cách là một quốc gia thống nhất thì đến nay chúng ta đã có gần 30 năm hội nhập trở lại với sân chơi khu vực.

Trong hành trình tương đương gần nửa cuộc đời con người như thế, ông Hoàng Vĩnh Giang, đương kim Phó Chủ tịch thuờng trực Uỷ ban Olympic Việt Nam, là người trong cuộc, là chứng nhân lịnh sử và nhiều người hay gọi ông là cha đẻ của chiến lược đi tắt đón đầu.

30 năm trước, Trưởng đoàn chỉ đi quay phim

Nhớ lại kỳ SEA Games lịch sử ở cách đây ngót nghét 30 năm, ông Giang bồi hồi: “Năm 1989 tôi được cử làm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games tại Kuala Lumpur. Đoàn thể thao Việt Nam lúc đấy chưa được 100 người, chỉ tham dự gần mười môn. Đó là mốc son lịch sử vô cùng quan trọng, đánh dấu sự quay trở lại tham gia hội nhập, là mốc son để đánh giá anh là ai.

Phải nói rằng thể thao Việt Nam lúc đấy ở SEA Games như đi ra từ hoang mạc, mặc dù trước đấy chúng ta từng tham dự GANEFO (Đại hội của các lực lượng trỗi dậy ở châu Á), rồi giải Việt Trung Triều Mông... Nhưng đó chỉ là hoạt động bình thường của một đất nước có nền thể thao chưa phát triển mà thôi.


Ông Hoàng Vĩnh Giang khẳng định Thể thao Việt Nam vẫn phải đi tắt, đón đầu

Sang đến Đại hội thì tôi quá ngỡ ngàng, đành giao nhiệm vụ Trưởng đoàn cho người khác để vác máy đi quay video cùng phó đoàn Khổng Minh Dụ. Chúng tôi cứ như là 2 thám tử (anh Dụ đã từng là “007” thứ thiệt) phải đi quay ngay, quay gấp vì chúng ta mới mở cửa trở lại, sang SEA Games thấy người ta có ba mươi mấy môn thể thao, vậy làm sao để hội nhập đây? Đáp án duy nhất chính là du nhập các môn thể thao mới để nâng tầm nền thể thao nước nhà. Các "đại gia khu vực"thi nhau giành đuợc vài chục rồi cả trăm HCV thì chúng ta chỉ có 3 HCV của môn bắn súng".

Chỉ có 3 HCV ở SEA Games 1989, nhưng chưa đầy 10 năm sau, đến SEA Games 19 diễn ra tại Jakarta vào năm 1997, Thể thao Việt Nam đã có đến 35 HCV, nhiều hơn gấp 10 lần so với thành tích trước đấy 8 năm. Sự tiến bộ của Thể thao Việt Nam là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi ngoạn mục ấy, nhưng chỉ người trong cuộc như ông Hoàng Vĩnh Giang mới biết đằng sau 35 chiếc HCV tại Jakarta là cả một câu chuyện ly kì.

Indonesia đã kéo Thể thao Việt Nam đi lên

Ông Giang kể: “Đến SEA Games 19 tại Indonesia, Thể thao Việt Nam đã mở rộng công tác đối ngoại, tham gia một chương trình hợp tác với nhiều nuớc trong đó có  Indonesia.

Các bạn Indonesia biết tôi là con ông Hoàng Minh Giám, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Indonesia. Bố tôi rất thân với một số lãnh đạo Indonesia trước đây là Tổng thống Sukarno, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Subandrio, Bộ trưởng Bộ Thể thao Maladi vì thời gian thường xuyên diễn ra GANEFO nên các cụ quen biết nhau hết.

Ngoài nguyên nhân GANEFO thì hồi ấy quan hệ của chúng ta và Indonesia cũng rất thân thiết, gắn bó. Bản thân tôi và nhiều anh chị cùng thời đến nay vẫn có thể hát say sưa hàng chục bài hát của Indonesia. Vì biết là thân thiết như thế nên Indonesia mời tôi và anh Nguyễn Đình Khoái sang Indonesia tham gia một chương trình hợp tác thể thao phục vụ cho SEA Games 19 mà Indonesia là chủ nhà.

Tôi xem xét chiến lược này thì thấy rất có lợi cho thể thao Việt Nam, vì Indonesia muốn chúng ta tham gia một số môn để đủ điều kiện tổ chức theo quy định của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á là mỗi môn phải có tối thiểu 3 quốc gia tham dự. Đấy là các môn như bắn đĩa bay, bắn bia di động, xe đạp đổ đèo,băng đồng,billiard snookers (hồi đấy Việt Nam cũng có rồi nhưng chưa được tham gia SEA Games), lướt ván, đua thuyền...”.


Wushu là môn thế mạnh của Thể thao Việt Nam ở đấu trường khu vực

Ông Giang kể tiếp: “Các bạn cung cấp cho chúng ta một số tiền để bồi dưỡng, ví dụ môn đua thuyền được tập huấn bằng tiền và trang thiết bị của Indonesia, cách Thủ đô khoảng 40km. Rất nhiều môn chúng ta nhận được sự hỗ trợ như thế, kể cả vật cổ điển. Lúc ấy Việt Nam chỉ có vật tự do nên tôi phải mời gấp chuyên gia Nga sang Việt Nam để đào tạo vật cổ điển cho VĐV chúng ta.

Còn nhiều môn nữa chúng ta tham dự thi đấu theo "lời mời"của Indonesia, giúp cho họ, đồng thời đẩy nhanh sự tiến bộ của Thể thao Việt Nam.Vì thế nên đang từ 10 HCV ở SEA Games 18 tại Chiang Mai (Thái Lan), Thể thao Việt Nam đã có đuợc 35 HCV ở Jakarta”.

Tuy nhiên, theo ông Giang, sự hợp tác giữa Thể thao Việt Nam và Thể thao Indonesia chỉ giới hạn ở một số môn nhất định, còn về tổng thể thì 2 đoàn thể thao vẫn ganh đua với nhau rất quyết liệt, đến mức ngay cả nhà VĐTG như võ sỹ wushu Thuý Hiền còn bị mất HCV với nuớc chủ nhà. Cho đến nay còn rất ít người gọi là “trong cuộc” nhớ đuợc về chương trình “hợp tác” này.

Ông Giang tiếp tục: “Tôi thấy chương trình hợp tác đấy rất có lợi cho Việt Nam. Chúng ta không có tiền nhưng được bạn mời tham gia, lại được đài thọ tiền vé máy bay, được cung cấp một số trang thiết bị, ăn ở miễn phí thì chẳng có lý do gì mà không nhận lời.

Bước ngoặt SEA Games 22 ở Việt Nam

Nếu nói tới lịch sử các lần tham dự SEA Games của Thể thao Việt Nam thì sẽ là thiếu sót rất lớn nếu như không nhắc đến SEA Games 22 năm 2003, kỳ SEA Games đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và cũng là Đại hội thể thao duy nhất cho đến nay mà đoàn thể thao Việt Nam đã đoạt được ngôi vị số một toàn đoàn với thành tích áp đảo so với các đoàn đứng sau.

Để có được một kỳ SEA Games lịch sử như thế, Nhà nước và ngành thể thao, trong đó có ông Giang, đã có sự chuẩn bị từ trước đấy gần 10 năm.

Ông Giang kể lại: “Năm 1994 Ban Bí thư TƯ Đảng ra chỉ thị 36/CT-TW, rất nhạy bén Sở TDTT Hà nội đã triển khai chỉ thị 36 bằng cách tư vấn cho Thành ủy ra một chỉ thị riêng cho Hà Nội, mang mã số 28/CT-TU. Chỉ thị này phải nói là đi trước thời đại về rất nhiều mặt, do Bí thư Thành uỷ Lê Xuân Tùng ký.


Hà Thanh đã mang về nhiều thành công cho TDDC Việt Nam. Ảnh: V.S.I

Như diều được gió, ngành thể thao đã lên kế hoạch với quyết tâm là phải giành thành tích cao nhất khi đăng cai SEA Games trên đất Thăng Long văn hiến. Toàn thể cán bộ Sở TDTT ở các bộ môn đua nhau tìm nhà tài trợ, tìm nhân tài, tìm tiền nuôi VĐV, tìm HLV, tìm chuyên gia và tìm địa điểm tập huấn tại nước ngoài, mở chiến dịch ngoại giao để giảm kinh phí tập huấn, mà mũi chủ công là Trung Quốc.

Ở Nam Ninh (Trung Quốc), có lúc có đến 200 VĐV năng khiếu từ Hà Nội của các môn TDDC, thể dục nghệ thuật, nhảy cầu, bơi, lặn, vật, boxing, taekwondo, bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá nữ, bóng bàn, cầu mây, bóng ném... cùng tập luyện.

Tôi đã mời chuyên gia sang tận Hà Nội để tuyển chọn VĐV rồi đem đi đào tạo dài hạn, nuôi từ năm 1996 đến năm 2003 và Hà Nội đã đóng góp 88 HCV trên tổng số 155 HCV của Việt Nam cho SEA Games 22. Lúc đó Thái Lan thứ nhì chỉ được  90 chiếc.

Tôi mường tượng là đưa các VĐV kia sang tập huấn để về thực hiện chỉ thị 28 là làm sao VĐV của Hà Nội phải thi đấu thành công khi Hà Nội đứng ra đăng cai SEA Games. Khi sang nước khác tham dự SEA Games chúng ta phải nghe quốc ca của họ liên tục, thậm chí tôi còn thuộc cả quốc ca của người ta, còn mình thì lại quá ít. Tôi muốn các bạn sang đây phải chào cờ Việt Nam và nghe người Việt Nam hát bài Tiến quân ca như thế nào”.

Chìa khóa là chính sách "gà nòi"

Và chính sách tuyển chọn gà nòi rồi đưa đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài của thể thao Hà Nội mà ông Giang là kiến trúc sư trưởng đã thành công rực rỡ, không chỉ ở SEA Games năm 2003 mà kéo dài cho đến tận ngày hôm nay, khi mà rất nhiều VĐV của chương trình đào tạo ấy giờ vẫn là trụ cột của các ĐTQG như Phạm Phước Hưng, Nguyễn Hà Thanh với môn TDDC, hay Lệ Dung ở môn kiếm...

Cách đây 3 năm, trong một cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hoá, Phước Hưng từng tâm sự rằng bố mẹ anh đã suy nghĩ rất nhiều khi được Sở TDTT đặt vấn đề đưa Hưng sang Trung Quốc tập huấn dài hạn, bởi lúc đấy Hưng mới chỉ 6, 7 tuổi, còn quá nhỏ để bố mẹ anh đồng ý cho anh rời xa gia đình.

Tuy nhiên, sau khi được ông Hoàng Vĩnh Giang đến tận nhà thuyết phục, bố mẹ Phước Hưng đã chấp thuận. Vậy ông Giang đã nói những gì với bố mẹ Phước Hưng? 20 năm sau cuộc gặp với bố mẹ Phước Hưng, ông Giang kể lại câu chuyện ngày đấy, khi ông trực tiếp gặp mặt bố mẹ Phước Hưng để thuyết phục: “Các cháu được tuyển chọn kỹ lắm, đây là những nhân tài thể thao. Còn các anh chị mà cho cháu đi học phổ thông để rồi tốt nghiệp đi vào Đại học thì ra trường cũng làm kỹ sư bác sỹ là cùng. Điều đó thì bất cứ ai học hành đến nơi đến chốn cũng làm được. Nhưng để trở thành một ngôi sao thể thao rồi sau này trở thành HLV đào tạo ra những VĐV đỉnh cao, đóng góp cho đất nước thì chỉ có cháu nhà anh chị mới làm được như vậy thôi”.

Không phải cuộc thuyết khách nào của ông Giang và các cộng sự cũng thành công, song với tố chất quyết đoán của một nhà quản lý thể thao bẩm sinh, ông Giang chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì để lỡ mất một tài năng triển vọng nào.

Nhưng tập thể thao mà không học văn hóa thì không được, nên ông Giang đã làm việc với Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội để đưa hẳn 2 giáo viên sang Trung Quốc dạy học cho các VĐV nhí tập huấn dài ngày tại đấy.

Ông kể lại: “Cho các cháu sang Trung Quốc mà không được học hành thì gia đình không yên tâm, và tương lai thì không bảo đảm nếu không có học vấn. Thế là chúng tôi đưa các thày cô giáo sang Trung Quốc để dậy văn hoá cho các VĐV. Mà chỉ có 2-3 giáo viên có thể đa năng, dạy được cả cấp 1 lẫn cấp 2. Tôi còn tổ chức cả Hội đồng thi liên ngành Giữa Sở TDTT và Sở Giáo dục & Đào tạo sang Trung Quốc để tổ chức thi cử cho các cháu, để các cháu không phải về Việt Nam thi cử. Thể thao chuyên nghiệp nếu để đứt mạch huấn luyện là tối kỵ.

Có những cháu sang Trung Quốc từ khi còn nhỏ lắm. Bố mẹ các cháu gọi điện cho tôi khóc vì nhớ con và đòi sang Trung Quốc thăm con. Tôi chẳng có biện pháp gì cả ngoài cách đưa họ đi bằng đường biên mậu. Nghĩa là làm thủ tục sang Trung Quốc vài ngày, ở lại, thăm con rồi về. Cách làm này khiến bố mẹ an tâm, các con được "bú tí mẹ" nên tập hiệu quả trông thấy”.

Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam: 'Đồng' có thể thành 'Vàng', 'Bạc' sau này

Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam: 'Đồng' có thể thành 'Vàng', 'Bạc' sau này

Có mặt tại Incheon, ông Hoàng Vĩnh Giang đã trao đổi với phóng viên TTXVN về những vấn đề liên quan đến đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) cũng như ASIAD 17.


Tôi nhớ có lần đoàn từ Việt Nam là đại diện các Sở, ngành và các tỉnh sang Trung Quốc xem các VĐV nhí của mình tập luyện, HLV lúc ấy bảo Phước Hưng (VĐV Thể dục dụng cụ tài năng bây giờ) dựa chân vào tường rồi "rút chuối" cho các bác trong phái đoàn xem đi, thế là Phước Hưng khi đó còn bé xíu tì nhẹ chân vào tường rồi dùng tay đẩy người lên "rút chuối" hơn 30 lần, điều mà các anh các chú các bác chưa bao giờ làm được như thế trong môn TDDC. Lúc ấy Phước Hưng chưa đầy 10 tuổi”.

Thế nhưng, cuộc đời làm thể thao của ông Giang cũng không chỉ toàn niềm vui, mà còn có cả nỗi buồn và cả những lúc phải chịu sức ép tưởng như không thể nào vượt qua.

Vì thế, khi được Thể thao & Văn hoá đề nghị: “Chỉ dùng một câu để đánh giá lại chặng đường đã qua của thể thao Việt Nam, kể từ khi hội nhập trở lại với sân chơi quốc tế cho đến nay”, ông Giang đã đúc kết như thế này: “Thể thao Việt Nam đã có một chặng đường gian khó, chạy đua với năm tháng để tìm đến giá trị đích thực của thể thao Việt Nam. Và đến chưa hoặc đến mức độ nào thì chưa biết, có thể với người này thì đã đến rồi, còn với người khác thì vẫn mơ hồ lắm”.

2 contaniner dụng cụ suýt đổi bằng sinh mạng

Năm 1982, ông Hoàng Vĩnh Giang từ Liên Xô (cũ) về nước với tài sản quý giá nhất là 2 container chứa nhiều trang thiết bị tập luyện và thi đấu của các môn kiếm, boxing, judo, vật, karate... Để có được 2 container này, ông Giang đã phải đi xin và đi mua bằng tiền kiếm được nhờ dạy võ ở Liên Xô, và chính quãng thời gian 2 năm dạy võ này thiếu chút nữa đã lấy đi tính mạng của ông. Ông Giang kể: “Tôi là người đam mê, đôi khi thành ngu ngốc. Tôi được truyền thụ một môn võ rất nổi tiếng là Vịnh Xuân. Tôi tập chưa ăn ai, tập chưa đến nơi đến chốn đã giơ ngực, giơ bụng cho hàng chục học trò đấm, đánh liên tục trong 2 năm để kiếm tiền mua hoặc xin trang thiết bị tập luyện và thi đấu của các môn kiếm, boxing, judo, vật, karate về Việt Nam.

Số trang thiết bị tôi mang về đựng đầy trong 2 container nhưng đổi lại là cả cuộc đời tôi phải chịu cảnh ốm đau quặt quẹo. Tôi từng là VĐV điền kinh rất khá, ngày xưa tập võ tôi từng chống đẩy 10 lần chỉ bằng 2 ngón tay của một bàn tay, còn tay còn lại đặt lên lưng. Tôi tưởng mình giỏi nên đã biến mình thành "mộc nhân"cho mọi người đấm. Đúng là tôi luyện nội công, chịu đấm được, nhưng chịu đòn nhiều quá thành ra hủy hoại hệ thần kinh thực vật của tôi. Hồi đấy là từ năm 1979 đến năm 1981, là lúc tôi làm nghiên cứu sinh bên Liên Xô (cũ). Do bị quá tải, tôi phải đi cấp cứu, nằm viện mất 2 tháng rồi an dưỡng mất 3 tháng mới thoát chết, rồi 10 năm sau thường xuyên phải đi cấp cứu vì bị gần như là đột quỵ".

2 lần rơi nước mắt

Trong sự nghiệp làm quản lý thể thao của mình, đã có 2 lần ông Hoàng Vĩnh Giang rơi nước mắt vì quá cảm động. Ông kể: “Tôi có 2 lần khóc, lần khóc sau thì mới gần đây, tại ASIAD năm 2010 ở Quảng Châu. Khi tôi nhìn thấy Trương Thanh Hằng về đích ở vị trí thứ nhì tại lượt thi đấu chung kết. Lúc ấy tôi đã ôm mặt khóc bởi từ xưa cho đến giờ khoảng cách giữa điền kinh Việt Nam và điền kinh châu lục nó xa lắm, tôi cũng là dân điền kinh nên tôi biết. Thế mà HLV Hồ Thị Từ Tâm cùng nhóm cự ly trung bình đó đã giành HCB. Ngay sau Trương Thanh Hằng thì Vũ Thị Hương cũng giành HCB, lập kỳ tích thứ 2. Cảm động quá. Cho đến giờ cảm xúc ấy tôi vẫn không quên. Kỷ niệm cảm động nhất và cũng là lần khóc đầu tiên của tôi là năm 1993, khi đó thật là bất ngờ, Thúy Hiền giành HCV ở giải wushu VĐTG lần thứ 2 tại Kuala Lumpur.

Ở nội dung Đao thuật, Thúy Hiền lúc ấy xinh đẹp bé bỏng múa đao cực kỳ hay,đôi mắt rực sáng tất cả hội trường im phăng phắc. Và cuối cùng trọng tài cho Thúy Hiền điểm cao nhất. Nhưng lúc ấy lại nảy sinh vấn đề là không có quốc ca Việt Nam, bởi có trưởng đoàn nào lại mang băng nhạc quốc ca đi theo ở một đấu trường lớn như vậy, vì chẳng ai nghĩ chúng ta sẽ có HCV. Thế rồi chúng ta đã có 2 HCV của Thúy Hiền và Mai Thanh Ba. Cuối cùng chúng tôi đã nghĩ ra cách, khi Thúy Hiền và Thanh Ba lên nhận HCV, cả đoàn Việt Nam ra đứng trước bục trao giải. Tôi nói với đại diện BTC rằng xin các ngài cứ kéo cờ lên đi, chúng tôi sẽ có nhạc, và lúc cờ Việt Nam bắt đầu được kéo lên thì cũng là lúc cả thầy và trò cùng hát vang quốc ca với các cặp mắt nhoè lệ".

Thể thao Việt Nam vẫn phải “đi tắt, đón đầu”

Ông Hoàng Vĩnh Giang được biết tới như là cha đẻ của chiến lược thể thao “đi tắt đón đầu”, nhưng ít người biết được rằng cái tên này lại do người khác đặt cho ông chứ không phải bản thân ông Giang tự nghĩ ra.
Ông Giang chia sẻ: “Tôi có một người bạn tri kỷ, vong niên, nhưng cậu ấy cũng ông tướng lắm, không bao giờ chịu xưng em mà chỉ xưng tên. Chúng tôi thân nhau lắm. Đó là anh Đỗ Hoá, một nhà báo thể thao có tài nhưng yểu mệnh. Tôi tiếc lắm, Tết nào tôi cũng cố thu xếp về Hưng Yên thắp nến nhang cho Đỗ Hoá. Chính Đỗ Hoá đặt ra cái tên đi tắt đón đầu để mô tả là từ năm 1989, Việt Nam chỉ tổ chức thi đấu toàn quốc vào khoảng từ 15 đến 16 môn thể thao nhưng đến SEA Games 22 (năm 2003), Việt Nam đã có thêm gần 20 môn thể thao để tổ chức 32 môn thể thao tại SEA Games.mà môn nào VĐV việt nam cũng tham gia với kết quả tốt.

Đấy là cả một bước tiến lớn về mặt phổ cập, du nhập và truyền bá về Việt Nam của những môn thể thao mới. Tôi đưa những môn thể thao mới về không phải là đi tắt đón đầu, bởi chúng ta chưa có cái gì để mà đón đầu, thể thao Việt Nam thời kỳ trước tái hội nhập chẳng khác nào hoang mạc, nên làm gì có gì mà đón đầu. Mà thực ra chỉ là chúng ta du nhập những môn thể thao mà mình chưa có để tập luyện, dần dần nâng cao được trình độ đi thi đấu, giành nhiều huy chương tại SEA Games, ASIAD.

Nhưng cái cách gọi hoa mỹ đi tắt đón đầu kia cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Tức là, trong 28 môn thể thao Olympic và 5 môn thể thao bắt buộc của ASIAD Việt Nam phải biết mình là ai mà lựa chọn cho phù hợp với môn nào và trong những môn đó có những nội dung nào, hạng cân nào thì nên tập trung đầu tư.

Để có được một môn phù hợp ở nhiều hạng cân, nội dung, có tiềm năng để đầu tư thì khi triển khai cũng cần nghiên cứu các yếu tố về khoa học, rất phức tạp, chẳng hạn như nâng cao tố chất cho VDV ở đâu, nâng cao dinh dưỡng, ứng dụng các phương pháp về y sinh ở đâu, nhịp sinh học ở Việt Nam lệch bao nhiêu múi giờ so với nơi sẽ diễn ra thi đấu...

Ở thời điểm hiện nay cần phải sáng suốt lựa chọn những môn thể thao trùng hợp cho cả 3 sân chơi là SEA Games, ASIAD và Olympic. Những môn này cần tập trung, cũng có thể gọi là đi tắt, mới mong có nhiều thành công. Chỉ có khoảng 20 môn để chúng ta lựa chọn cho chính sách "đi tắt đón đầu"ở giai đoạn mới mà thôi. Còn những môn như bóng chày, bóng đá, bóng rổ thì chúng ta đầu tư đến lúc nào mới có thành tích ở sân chơi châu lục và Olympic?


Hoàng Linh
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm