Thể thao Nga vẫn được dự Rio 2016: IOC lại 'giơ cao, đánh khẽ'

24/07/2016 22:53 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã khẳng định sẽ thẳng tay với thể thao Nga bằng những hình phạt nặng nề nhất, bao gồm cấm tham dự Olympic Rio 2016. Phán quyết cuối cùng của IOC, thật đáng tiếc, lại không được mạnh mẽ như thế.

Nếu hàng loạt các VĐV Nga, đã bị phát hiện sử dụng chất cấm, vẫn được tới Rio, thì có khả năng sẽ xảy ra những cuộc biểu tình trên toàn thế giới. Những VĐV không sử dụng chất cấm (hoặc kể cả chưa bị phát hiện) có thể sẽ từ chối đứng trên bục trao huy chương cùng những đồng nghiệp xứ bạch dương.


Quy mô khó tin

Quy mô của chương trình chất cấm của Nga, theo báo cáo của luật sư người Canada Richard McLaren, là thật khó tin. Báo cáo đó không chỉ là sự tổng hợp lại những gì mà mọi người đã biết, mà còn là những phát lộ hoàn toàn mới. Báo cáo chỉ ra tình trạng băng hoại và lừa dối chưa từng thấy kể từ khi Đông Đức tiến hành một chương trình tương tự từ thời Chiến tranh Lạnh.

Đáng sợ hơn, McLaren nói báo cáo của ông vẫn chỉ là “ước đoán thận trọng”. Những cáo buộc được đưa ra lần đầu trên chương trình truyền hình Mỹ 60 Phút và trên báo The New York Times vào tháng 5. McLaren được yêu cầu tiến hành điều tra và đã công bố các phát hiện sơ bộ hồi cuối tháng 7. Chính IOC cũng đã rất bất ngờ khi McLaren viết, “Chúng tôi mới chỉ lướt qua bề mặt dữ liệu chúng tôi có”.


Luật sư Richard McLaren

McLaren cho biết còn rất nhiều bằng chứng chưa được xem xét đầy đủ, nhưng họ phải đưa ra kết luận trong khung thời gian 57 ngày thực hiện bản báo cáo. “Nhiệm vụ của chúng tôi chưa hoàn thành… Chắc chắn là còn nhiều điều phải được tìm hiểu”, McLaren nói. Những phát hiện cho tới giờ đã đủ gây sốc. 

McLaren viết, “Kết quả bất ngờ của cuộc điều tra (với Olympic mùa Đông) Sochi đã tiết lộ quy mô sự can thiệp của nhà nước và sự kiểm soát trực tiếp của Phòng Thí nghiệm Moskva trong quy trình này, và việc che đậy các mẫu nước tiểu của VĐV Nga gần như ở mọi nội dung thể thao tại Sochi. Các HLV đã đạt được mục tiêu của họ bằng cách cho VĐV dùng chất cấm với sự bảo đảm rằng trong các giai đoạn nhất định hành vi đó sẽ không bị phát hiện”.

Một ví dụ như thế là với một loại “cốc-tai” các chất bị cấm giờ đã nổi tiếng tên gọi “nữ bá tước”, một hỗn hợp turinabol, oxandrolone và methasterone được trộn lẫn với whisky chivas cho nam giới và rượu vermouth cho nữ. Loại cốc-tai này sẽ được hớp vào trong miệng, hấp thụ vào cơ thể qua màng mỏng ở trong miệng, rồi nhổ ra. Bằng cách đó, thời gian để VĐV bị phát hiện dương tính chỉ là 3-5 ngày. Rồi khi giới khoa học tìm ra cách phát hiện turinabol, thuốc này được thay bằng trenbolone, cả hai loại chất đó đều gây tác hại rất lớn với gan người dùng.

Đủ mọi mánh khóe

Trách nhiệm của IOC là bảo vệ VĐV khỏi những hình thức lạm dụng như thế, và ở Nga, tình trạng đó xảy ra ở những cấp cao nhất. McLaren nói “Thứ trưởng Thể thao Yuri Nagornykh, được bổ nhiệm vào năm 2010 theo sắc lệnh của Thủ tướng khi đó Vladimir Putin… có vai trò rất lớn trong chương trình này”.

McLaren cho biết Nga có hai cách để che đậy các mẫu thử dương tính. Ngoài các giải đấu quốc tế, họ tự theo dõi các mẫu thử của mình. Bất cứ xét nghiệm dương tính nào được đưa lên Bộ Thể thao trước hết. Nếu đó là một VĐV Nga với triển vọng huy chương, sắc lệnh sẽ bảo vệ người này và những kết quả sẽ được làm giả mạo. Khi có tin những đoàn kiểm tra thứ ba của các cơ quan quốc tế muốn tiếp cận dữ liệu, các kết quả xét nghiệm sẽ bị trộn lẫn, và hàng nghìn mẫu đã bị hủy trước.


Chủ tịch IOC Thomas Bach vẫn muốn thấy sự hiện diện của đoàn Nga ở Olympic Rio

Cách thứ hai dành cho những sự kiện như Olympic Sochi, khi việc kiểm tra doping do một phòng thí nghiệm độc lập tiến hành. McLaren gọi đây là mánh lới “Blofeld”. Dưới sự giám sát của các bộ trưởng chính phủ, một lỗ nhỏ sẽ được khoan vào tường phòng thí nghiệm. Evgeny Blokhin, đặc vụ của Cục An ninh Liên bang Nga (FSB, hậu duệ của KGB), sẽ đóng giả làm công nhân sửa chữa ống nước của công ty Bilfinger. Được quyền vào tòa nhà, anh ta sẽ đợi tới nửa đêm, đánh tráo các mẫu nước tiểu qua những lỗ đục sẵn. Trong những ví dụ khác, McLaren đã chứng minh được rằng các chai đựng mẫu thử đã bị thay đổi. Ông cũng cho IOC thấy làm việc đó như thé nào: “Xét nghiệm DNA của một nữ VĐV từng giành HCV và HCB ở Olympic cho thấy nước tiểu trong các mẫu xét nghiệm của cô là từ 2 người khác nhau”.

Không sai, việc sử dụng doping đã hoành hành trong thế giới thể thao hiện đại từ rất lâu nay, nhưng từ sau Chiến tranh Lạnh tới giờ, đây là trường hợp đầu tiên có một quốc gia bị phát hiện thực hiện một chương trình quốc gia nhằm can thiệp như thế.

643 Báo cáo McLaren nói 643 mẫu xét nghiệm của các VĐV Nga đã bị làm giả, đánh tráo hoặc hủy, và cho biết đó chỉ là “con số ước tính tối thiểu”.

68 Là số VĐV điền kinh Nga đã bị cấm tham dự Olympic Rio theo phán quyết của Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) ở Thụy Sĩ.

97 Báo cáo McLaren dài đến 97 trang, và được thực hiện trong vòng 57 ngày.

IOC đã "nương tay" với thể thao Nga như thế nào?

Sau cuộc họp trực tuyến diễn ra vào tối qua, các thành viên Ủy ban điều hành Olympic đã thống nhất là IOC không cấm đoàn Nga dự Olympic Rio 2016 này mà quyết định này tùy thuộc vào các Liên đoàn thể thao thành viên. Điều này đồng nghĩa với việc một số VĐV của Nga vẫn có cơ hội dự Olympic Rio nếu họ chứng minh được đủ thuyết phục được rằng mình trong sạch trước các liên đoàn thành viên. 

Nhưng ngay cả trong trường hợp ấy thì sức mạnh của đoàn Nga cũng đã giảm đi đáng kể khi tất cả các VĐV điền kinh nào của họ đều bị cấm tham dự Olympic Rio 2016. Nên nhớ, tại Olympic London 2012, điền kinh đóng góp 6 trong tổng số 22 HCV của đoàn thể thao Nga.


Bộ trưởng thể thao Nga Vitaly Mutko: 

'Không có lý do để hoãn World Cup 2018'



Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko hôm thứ Bảy nói ông thấy không có lý do gì để hủy hay hoãn World Cup 2018 tại Nga bất chấp vụ bê bối doping.

“Hiện giờ, tôi không thấy có mối liên hệ nào giữa tình trạng hiện tại và giải vô địch (bóng đá thế giới) 2018. Tôi không thấy có lý do gì để hủy World Cup cả”, ông Mutko nói. Hôm thứ Năm, Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) đã giữ nguyên quyết định của Liên đoàn Điền kinh Quốc tế (IAAF) cấm mọi vận động viên điền kinh Nga tham dự Olympic Rio 2016.

Ông Mutko cũng nói Nga sẽ tiếp tục các quy trình tố tụng với IOC liên quan đến lệnh cấm các VĐV Nga. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn. Bản báo cáo thật sự gây sốc, nhưng không có nghĩa là nó đúng hoàn toàn”, ông Mutko nói. Hôm thứ Hai, một ủy ban độc lập của Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA) đã trình một báo cáo trong đó cáo buộc hàng chục VĐV Nga sử dụng các chất cấm ở Olympic mùa Đông 2014 qua một chương trình được nhà nước bảo trợ.

Trong một diễn biến khác, những người đứng đầu Liên minh các CĐV toàn Nga, bao gồm tổng giám đốc Alexander Shprygin, sẽ từ chức sau các sự cố ở EURO 2016, ông Mutko nói. “Liên minh các CĐV toàn Nga đã khiến chúng tôi thất vọng. Chúng tôi đã quyết định rằng những giám đốc tổ chức này nên từ chức. Trong hội nghị sắp tới, chúng tôi sẽ loại tổ chức này ra khỏi LĐBĐ Nga”, ông Mutko nói, khẳng định Shprygin đã không tôn trọng LĐBĐ Nga khi tổ chức những cuộc đánh nhau với CĐV Anh ở Pháp mùa Hè vừa rồi.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm