SEA Games và cách chơi SEA Games

18/02/2015 06:30 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Trong năm 2015, sân đấu quốc tế lớn nhất mà  Thể thao Việt Nam tham dự sẽ là SEA Games lần thứ 28 tổ chức tại Singapore vào tháng 6 tới. Nhân dịp Xuân Ất Mùi, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 Tổng cục TDTT, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, đã có bài viết gửi Thể thao & Văn hóa để phân tích, đánh giá Việt Nam với đấu trường lớn nhất khu vực. 

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

1. Thể  thao  Việt  Nam (TTVN) hội  nhập đấu  trường  thể  thao khu  vực  Đông  Nam Á  (SEA  Games)  từ năm  1989,  đến  tháng  6  năm nay,  thời  điểm  diễn  ra  SEA Games  lần  thứ  28   được  tổ chức  ở  Singapore,  đã  trải qua  25  năm  với  14  kỳ  SEA Games.

1/4 thế kỷ trôi qua, TTVN đã không ngừng phát triển và lớn  mạnh:  Từ  vị  trí  xếp  hạng ở top cuối (7/9 nước) ở Kuala Lumpura  năm  1989  đã  vươn lên  thứ  4  tại  SEA  Games  19 năm  1997  ở  Jakarta,  vượt  lên thứ  Nhất  ở  SEA  Games  22 năm  2003  và  từ  đó  luôn  giữ vững vị trí top 3 trong các kỳ SEA Games từ năm 2005 đến năm 2013…

Từ lúc đoàn TTVN chỉ có 46  VĐV  tham  dự  thi  8  môn giành  được  3  HCV  đến  khi lớn mạnh với gần 1.000 VĐV tham  gia  thi  đấu  32/32 môn thể thao và đã giành vị trí thứ 1  với  155  HCV  (năm  2003). Trưởng  thành  từ  đấu  trường SEA  Games,  TTVN  đã  phát triển vượt bậc ở khu vực Đông Nam Á. Đối với TTVN, SEA Games là đấu trường rèn luyện và  thử  thách  VĐV,  là  những dấu mốc cho VĐV chuẩn bị và là động lực cho sự phấn đấu.

Thế nhưng, 10 năm trở lại đây,  SEA  Games ngày  càng thể  hiện  rõ  những  mặt  trái của  nó  đằng  sau  khẩu  hiệu “Vì sự phát triển của thể thao khu  vực  Đông  Nam  Á”: Tại các kỳ SEA Games, nước chủ nhà  đăng  cai  luôn  giành  ưu thế trong việc sắp xếp chương trình  thi  đấu  (số  môn  thi  và nội  dung  thi)  theo  xu  hướng loại bỏ thế mạnh của các nước khác  và  giành  thuận  lợi  cho mình.



Những VĐV như Ánh Viên sẽ là niềm hy vọng để thể thao Việt Nam thực hiện giấc mơ chinh phục ASIAD và Olympic. Ảnh: TTXVN

Mục  đích  chủ  yếu  là  để thâu  tóm  nhiều  huy  chương, chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng.  Thời  gian  đầu  những năm  2000,  mức  độ  còn  nhẹ, càng về sau xu hướng này càng trắng trợn và tệ hại: Chủ nhà thẳng  thừng  loại  bỏ  các  môn và  nội  dung  thể  thao  trong chương  trình  Olympic  và  đưa vào những môn thể thao xa lạ, có  kỳ  SEA  Games  có  tới  10 môn thể thao xa lạ ở khu vực (khoảng  1/4  chương  trình  và chiếm khoảng 1/4 tổng số huy chương).

Các  nước  thành  viên  buộc phải  chấp  nhận  và  coi  đó  là một thông lệ của SEA Games. Thêm  vào  đó,  công  tác  trọng tài trong Đại hội như một vấn nạn tiêu cực và thô bạo. Hình ảnh SEA Games đã ngày càng méo mó và đang là “rào cản” sự  phát  triển  của  thành  tích thể  thao  lên  tầm  châu  lực  và thế  giới.  Và  nguy  hại  hơn, ngọn cờ “Fair Play” đã không còn được tôn trọng.

2. Trong bối cảnh đó, lẽ  ra,  TTVN  phải nhanh  chóng  lựa chọn hướng đi, phải tỉnh táo để không lệ thuộc  vào  thông  lệ,  vào  xu hướng tiêu cực đó. Việc này giới chức quản lý của TTVN đã  luận  bàn  vào  đầu  những năm  2000,  nhưng  đáng  tiếc rằng  tư  tưởng  “đi  tắt  đón đầu”,  bệnh  thành  tích  “phải luôn  luôn  giành  việc  trí  top 3 ở Đông Nam Á” vẫn đang thắng  thế  nên  TTVN  vẫn phải chạy theo và chấp nhận SEA Games.

Vì chạy theo chương trình SEA  Games  nên  buộc  phải dàn  trải,  phải  đổi  thay  theo quyết  định  của  chủ  nhà  và hậu  quả  là  không  thể  đầu  tư tập  trung  cho  các  môn  thể thao Olympic và châu lục. Từ đó không thể nào hoàn thành mục  tiêu  và  chỉ  tiêu  ở  đấu trường ASIAD và Olympic.

Thực  tế  hỗn  độn  và  tiêu cực ở các kỳ SEA Games gần đây (2011 và 2013), thực trạng thành tích yếu kém ở ASIAD Quảng  Châu  năm  2010, Incheon năm 2014 và Olympic London năm 2012 đã buộc các nhà  quản  lý  TTVN  phải  thay đổi  cách  suy  nghĩ,  cách  tiếp cận, cách tham gia và xác định lại mục tiêu đối với SEA Games.

Thật  đáng  vui  mừng  vì từ  năm  2013  các  nhà  quản lý  TTVN  đã  bắt  đầu  chuyển hướng đầu tư trọng tâm là môn thể  thao  trong  chương  trình Olympic;  trọng  điểm  là  các VĐV ưu tú, VĐV trẻ của một số  môn,  nội  dung  thi  đấu  đạt trình độ cao ở châu lực và thế giới.  Chuyển  hướng  tập  trung cho  mục  tiêu  là  vươn  lên  đấu trường  ASIAD  và  Olympic!

Thế  nhưng  “con  đường”  này còn nhiều khó khăn.



Tác giả bài viết, một người từng làm công tác quản lý trong ngành thể thao đưa ra cái nhìn xác đáng về chiến lược phát triển của TTVN trong thời gian tới

3.  SEA  Games  28 vào  tháng  6  này  ở Singapore,  bức  tranh thể  thao  Đông  Nam Á vẫn chưa mấy thay đổi: Chủ nhà đăng cai vẫn loại bỏ  những  môn  mà  họ  không mạnh: Vật, karate, cử tạ; giảm thiểu  nội  dung  của  bắn  súng, judo, billiard - snooker, thuyền rowing, xe đạp địa hình, wushu, pencak silat, bóng đá nữ…

Đối  với  TTVN,  chương trình  thi  đấu  SEA  Games  28 năm 2015 sẽ “tước đoạt không cần  tranh  đấu”  khoảng  20  - 30  HVC  ở  các  môn:  Vật,  cử tạ,  bắn  súng,  karate,  thuyền rowing, tán thủ (nữ), đặc biệt là  vovinam,  cờ  vua,  judo  và kiếm  (ở  những  hạng  cân  và nội dung TTVN có thế mạnh).

Bóng  đá  nữ  Việt  Nam  mạnh thì không tổ chức thi!?. Nhiều môn thể thao của SEA Games 28 tuy nằm trong chương trình Olympic  nhưng  với  TTVN vẫn  còn  xa  lạ:  Rugby,  3  môn phối  hợp  hiện  đại,  đua  ngựa, thuyền buồm…

Xem ra mục tiêu “giữ vững vị trí top 3” thật là mong manh. Trên diễn đàn báo chí và thấy những  nhà  “quản  lý  bảo  thủ” nhất  đã  phải  chua  chát  thừa nhận:  “Không  nhất  thiết  phải xác  định  mục  tiêu  Top  3,  nếu có ở vị trí thứ 4, 5 cũng không phải  là  thất  bại”  hoặc:  “Nên đầu tư chiều sâu cho Olympic 2016 là việc làm cấp thiết hơn”.

Thừa nhận sự thất bại chua chát  này  tuy  có  muộn  nhưng thật  là  đúng  đắn,  thật  đáng hoan nghênh. TTVN vẫn tham gia  SEA  Games  với  những VĐV ưu tú của điền kinh, bắn súng, thể dục dụng cụ, thuyền rowing, đấu kiếm, bơi, boxing và cả một số môn truyền thống như  pencak  silat,  wushu,  cầu mây… hãy  coi  SEA  Games như một đấu trường rèn luyện.

Nhiều  VĐV  ưu  tú sẽ  phải  có mục  tiêu  lớn  hơn là  Olympic 2016  ở  Rio  và  ASIAD  18  ở Jakarta: Thạch Kim Tuấn (cử tạ),  Ánh  Viên  (bơi),  Quách Thị  Lan,  Thu  Thảo  (điền kinh),  Hoàng  Xuân  Vinh, Hoàng Phương (bắn súng)…

Tham gia SEA Games như thế nào cho hợp lý? Tác giả bài viết này tán thành quan điểm của Tiến sĩ Lâm Quang Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt  Nam:  “..  TTVN  đã  đến lúc không đặt nặng thành tích cũng  như  không  nhất  thiết phải chạy đua tại SEA Games nữa. Nếu lọt vào Top 3 thì tốt, nhưng nếu có thấp hơn là Top 4  cũng  không  thể  coi  là  thất bại. TTVN cần phải hướng đến những  sân  chơi  lớn  hơn  như

ASIAD,  Olympic  mà  SEA Games  28  năm  2015  chỉ  như một bước đệm mà thôi”.

Nhận  biết  được  quy  luật rồi,  điều  cần  thiết  là  phải dũng  cảm,  kiên  trì  và  kiên quyết  tập  trung  đầu  tư  cho hướng đi mới.

Nguyễn Hồng Minh
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm